Hà Nội

Cam kết cải cách mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Chiều 18/10, Văn phòng Chính phủ cùng với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Hội nghị công bố Báo cáo “Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất tại Việt Nam”.

18/10/2024 17:23
Cam kết cải cách mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam- Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Giang Oanh

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Ngô Hải Phan, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Văn phòng Chính phủ cho biết, tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 nhằm mục tiêu thúc đẩy cải cách quy định kinh doanh và cải cách việc thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm cắt giảm tối thiểu 20% quy định kinh doanh, 20% chi phí tuân thủ.

Để đánh giá và thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP này, nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ và các thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC nghiên cứu, xây dựng Báo cáo "Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất tại Việt Nam" nhằm đánh giá độc lập kết quả giữa kỳ thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP.

Ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh, Báo cáo này chính là đánh giá kết quả thực hiện giữa kỳ Chương trình cải cách quy định kinh doanh của Việt Nam giai đoạn 2020-2025 (theo Nghị quyết 68) để từ đó cho thấy Việt Nam cần làm gì, ở lĩnh vực nào để đạt được mục tiêu ngắn hạn và có chính sách gì để cải thiện thể chế có lợi cho kinh doanh và tăng trưởng năng suất ở Việt Nam trong trung hạn thông qua cải cách TTHC.

Cam kết cải cách mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam- Ảnh 2.

Ông Andrea Coppola, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Giang Oanh

Ông Andrea Coppola, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế đáng kể trong 3 thập kỷ qua, trở thành một ngôi sao kinh tế toàn cầu. Câu chuyện thành công này là nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm tích lũy vốn nhanh chóng, nguồn cung lao động dồi dào và tăng trưởng năng suất. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng năng suất hơn nữa vì dự kiến đóng góp của lao động vào tăng trưởng sẽ giảm và sau đó trở nên khó khăn khi dân số Việt Nam già đi.

Ông Andrea Coppola nhấn mạnh, cải cách quy định là rất quan trọng đối với hành trình hướng tới năng suất cao hơn và thịnh vượng kinh tế của Việt Nam. Vì thế, một khuôn khổ quy định rõ ràng, có thể dự đoán và hiệu quả là điều cần thiết để thúc đẩy động lực kinh doanh, thu hút đầu tư và thúc đẩy phân bổ nguồn lực hiệu quả ở Việt Nam.

Theo đánh giá khách quan của Ngân hàng Thế giới, các quy định kinh doanh ở Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tinh giản các quy định kinh doanh và cải thiện chất lượng quy định. Nghị quyết 68 đã đạt được những kết quả đáng chú ý, với hơn 2.789 quy định kinh doanh cụ thể được đơn giản hóa hoặc bãi bỏ vào tháng 12/2023. Đến cuối tháng 9/2024, con số này đã tăng lên 3.026. Điều này có nghĩa là mục tiêu của Nghị quyết 68 là cắt giảm hoặc đơn giản hóa 20% số lượng quy định có thể đạt được. Tiến bộ này là minh chứng cho cam kết của Chính phủ trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Cam kết cải cách mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam- Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Hội nghị công bố Báo cáo “Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất tại Việt Nam”. Ảnh: VGP/Giang Oanh

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số thách thức mà Việt Nam cần giải quyết. Đó là mặc dù hầu hết việc đơn giản hóa quy định đều tập trung vào thủ tục hành chính nhưng số lượng TTHC được cắt giảm còn khiêm tốn; hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều rào cản, khó khăn, vướng mắc về TTHC dẫn đến tốn kém thời gian, chi phí thực hiện, không khơi thông được nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế; việc thực hiện chuyển đổi số trong quy định và giải quyết TTHC còn chậm…

Trong giai đoạn tới, Báo cáo khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung cải cách vào các lĩnh vực hoặc hoạt động kinh doanh có tiềm năng; sửa đổi kịp thời các văn bản pháp luật khi các phương án cải cách đã được phê duyệt; áp dụng chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ; ứng dụng công nghệ để đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả thực thi quy định; chuyển đổi mô hình cung cấp dịch vụ công một cửa hiện tại sang mô hình một cửa tích hợp...

Sau khi nghe thảo luận của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, các đại biểu tham dự hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết, thời gian tới, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương sẽ có những giải pháp, cách làm tốt hơn trong công tác cải cách quy định, TTHC để nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng cải cách. Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của các thành viên của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ trong việc thu thập ý kiến đóng góp của khu vực tư nhân và giám sát việc thực hiện cải cách, đặc biệt là vai trò đánh giá độc lập các quy định và đưa ra đề xuất, sáng kiến cải cách.

"Chúng tôi cam kết sẽ cải cách mạnh mẽ quy định kinh doanh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng năng suất, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của Việt Nam", ông Ngô Hải Phan nói.

Giang Oanh

Top