Hà Nội
VPCP làm việc với đoàn chuyên gia Ngân hàng Thế giới về cải cách quy định kinh doanh
(Chinhphu.vn) - Ngày 22/1, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia Ngân hàng Thế giới về cải cách quy định kinh doanh.
Bà Zenaida Uriz, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trong chương trình làm việc, đoàn sẽ trao đổi với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và các bộ, cơ quan để tìm hiểu về cải cách quy định kinh doanh và việc cung cấp dịch vụ công của Việt Nam.
Cụ thể là về Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, ưu tiên và xác định kế hoạch hành năm để cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; tiến độ thực hiện Chương trình cắt giảm; cách thức tổ chức thực hiện, sự tham gia của khu vực tư nhân và các bên liên quan; kết quả đã đạt được tính đến nay; việc phát triển cơ sở hạ tầng Chính phủ điện tử; thực trạng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thu thập, quản lý và chia sẻ dữ liệu…
"WB sẵn sàng hợp tác với Văn phòng chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam để tăng cường các phân tích, đưa ra các khuyến nghị để xác định bước tiếp theo của cải cách", bà Zenaida Uriz nói.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đánh giá cao kinh nghiệm và phương pháp luận, cách làm của WB. "Báo cáo của WB sẽ là tư liệu để minh chứng những nỗ lực về cải cách của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua cũng như đưa ra các định hướng mà Việt Nam cần tập trung ưu tiên cải cách trong thời gian tới, thông qua việc đánh giá những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn. Nếu vượt qua được, có giải pháp tháo gỡ thì cải cách, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện hơn nữa trong tương lai", ông Ngô Hải Phan bày tỏ.
Ông Ngô Hải Phan cũng nhấn mạnh, vấn đề cải cách quy định, cắt giảm chi phí, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Đây là vấn đề được đưa vào chương trình nghị sự, các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng, họp Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng…
Mục tiêu đặt ra là không chỉ dừng lại ở việc cải cách quy định trên giấy mà còn cải cách cả việc thực hiện. Đây là mong muốn của Chính phủ, các cơ quan Chính phủ, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, vẫn còn những quy định xa rời thực tiễn, tạo điểm nghẽn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, cần tập trung cải cách, giải quyết những quy định không sát với thực tế, không cần thiết, gây ra tắc nghẽn, tạo nhiều tầng nấc, chi phí; đồng thời cần có những quy định để phân cấp từ trung ương cho địa phương, không phải qua trung gian.
Bên cạnh đó, áp dụng những giải pháp kỹ thuật số nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về quy định kinh doanh, để người dân có thể tìm kiếm, tra cứu một cách dễ dàng, giảm thiểu thời gian, chi phí, công sức tìm kiếm.
"Phạm vi cải cách hiện nay không chỉ là cải cách quy định mà cải cách cả việc thực hiện Việc thực hiện ở đây thông qua ứng dụng giải pháp kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, đưa công nghệ mới để đánh giá dựa trên dữ liệu, tạo sự công khai, minh bạch…", ông Ngô Hải Phan nói.
Đồng thời nhấn mạnh nhiều nhóm giải pháp đồng bộ để thực hiện cải cách như:Cơ sở dữ liệu dân cư, số định danh cá nhân, giao dịch điện tử, chính sách về an toàn thông tin, hạ tầng công nghệ, nguồn lực, con người…
Đối với Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, ông Ngô Hải Phan cho biết, đến nay đã thực hiện được 3 năm. Nghị quyết 68/NQ-CP có vai trò rất quan trọng, mang lợi lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, người dân mà còn mang lại lợi ích cho các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan tham gia quản lý các lĩnh vực.
Mục tiêu của Chính phủ cho giai đoạn 2020-2025 trong Nghị quyết này yêu cầu cắt giảm, đơn giản hoá ít nhất 20% số quy định, cùng với đó là cắt giảm 20% số chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Trong Nghị quyết 68/NQ-CP, Chính phủ cũng xác định cụ thể các nội dung công việc, thời gian hoàn thành các sản phẩm và trách nhiệm của từng Bộ, cơ quan làm sao bảo đảm chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Việc cắt giảm, đơn giản hoá quy định kinh doanh phải lượng hoá được lợi ích mang lại cho doanh nghiệp, người dân và xã hội, không gây ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, phải tạo ra được thuận lợi cho việc tuân thủ pháp luật, không gây ra khoảng trống trong thực thi pháp luật cũng như xây dựng pháp luật. Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, các bộ, ngành đã rà soát, đưa ra các phương án đơn giản hoá quy định kinh doanh của lĩnh vực phụ trách...
Dự kiến, chương trình làm việc của đoàn chuyên gia WB sẽ kéo dài đến hết ngày 24/1 với nhiều phiên trao đổi với VPCP, Bộ Y tế, UBND TP.Hà Nội, Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương. Qua đó, giúp VPCP, các bộ, ngành đánh giá giữa kỳ về công tác cải cách hành chính, công bố các đánh giá, đưa ra các khuyến nghị về cải cách giai đoạn 2025-2030.
Hoàng Giang