Hà Nội

Tháo gỡ khó khăn, cải cách TTHC mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh, công tác cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm và khó, do đó các bộ, địa phương phải tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình triển khai.

10/10/2024 13:49
Tháo gỡ khó khăn, cải cách TTHC mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân- Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP làm việc trực tiếp với lãnh đạo 3 Bộ và trực tuyến với lãnh đạo 7 địa phương về công tác cải cách TTHC. Ảnh: VGP/Giang Oanh

Sáng 10/10, tại Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đã có cuộc làm việc trực tiếp với lãnh đạo 3 Bộ (Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế) và trực tuyến với lãnh đạo 7 địa phương (An Giang, Bình Phước, Vĩnh Long, Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Đắk Lắk) về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương trong 9 tháng đầu năm về công tác này.

Thành phần cuộc họp, về phía VPCP, có đại diện các vụ, cục của VPCP gồm Cục Kiểm soát TTHC, Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ; Vụ Kinh tế tổng hợp, Vụ Khoa giáo - Văn xã, Vụ Công tác Quốc hội, Địa phương và Đoàn thể.

9 tháng, đã xem xét, xử lý theo thẩm quyền khoảng 1,3 nghìn phản ánh, kiến nghị

Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC cho biết, trong 9 tháng năm 2024, 3 bộ và 7 địa phương nêu trên đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, việc tích hợp, đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong giải quyết TTHC với Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) và một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác đã được tập trung triển khai; các bộ, địa phương đã ban hành danh mục thành phần hồ sơ phải số hóa; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, số hóa tăng so với cùng kỳ năm 2023; việc đánh giá chất lượng Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp đã giúp kiểm soát thực thi tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Công tác đánh giá tác động TTHC, thẩm định quy định TTHC đã được các bộ, địa phương thực hiện đúng quy định. Trong 9 tháng, Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá tác động TTHC tại 15 dự thảo VBQPPL; Bến Tre đã ban hành 2 Nghị quyết có quy định TTHC. Các bộ, địa phương còn lại không phát sinh dự thảo VBQPPL quy định TTHC.

Tuy nhiên, qua hồ sơ thẩm tra, nội dung đánh giá tác động TTHC tại dự thảo Luật Bảo hiểm y tế của Bộ Y tế chưa đáp ứng yêu cầu tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP. Bộ Nội Vụ ban hành Thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng "Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến" (có hướng dẫn về TTHC), tuy nhiên, trong báo cáo công tác cải cách TTHC, Bộ đều báo cáo không thẩm định đối với TTHC nào tại dự thảo Thông tư do Bộ trưởng ban hành.

Về việc cắt giảm quy định kinh doanh, đến thời điểm này, Bộ Y tế đã cắt giảm, đơn giản hóa 75/163 quyết định kinh doanh; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực thi 36/39 quyết định kinh doanh, 3 quyết định kinh doanh còn lại đã được Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thực thi phương án đơn giản hóa; Bộ Nội vụ đã cắt giảm 1 TTHC, đơn giản hóa 1 TTHC và 3 yêu cầu, điều kiện.

Tháo gỡ khó khăn, cải cách TTHC mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân- Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Trần Văn Sơn: Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: VGP/Giang Oanh

Về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành 1 Quyết định công bố 95 TTHC nội bộ. Tuy nhiên, đến nay Bộ vẫn chưa ban hành Quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa; Bộ Nội vụ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng số 41/110 TTHC nội bộ; Bộ Y tế đang thực hiện rà soát, đến nay chưa có kết quả.

Các địa phương cũng đã tập trung thực hiện nhiệm vụ này, trong đó: Trà Vinh đã công bố 155 TTHC tại 5 Quyết định, đã trình phê duyệt phương án đơn giản hóa 47 TTHC và thực thi 31 TTHC; Bình Phước đã ban hành 21 Quyết định công bố 153 TTHC nội bộ, đã phê duyệt phương án đơn giản hóa 75 TTHC và hoàn thành việc thực thi 12 TTHC; Bến Tre đã ban hành 18 Quyết định công bố 41 TTHC nội bộ; Đắk Lắk đã công bố 55 TTHC và phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ để đơn giản hóa 15/55 thủ tục, bãi bỏ 9 TTHC nội bộ cấp tỉnh, cấp huyện…

Về nhiệm vụ cải cách việc thực hiện TTHC, đến thời điểm hiện tại, các bộ, địa phương đã ban hành các Quyết định công bố TTHC và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, qua theo dõi, việc công bố, công khai TTHC tại các bộ, địa phương chưa đầy đủ kịp thời, đầy đủ.

Về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, hiện các bộ, địa phương đã tập trung thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về cơ chế, chính sách, TTHC. Trong 9 tháng năm 2024, đã tiếp nhận khoảng 1,6 nghìn phản ánh, kiến nghị, đã xem xét, xử lý theo thẩm quyền khoảng 1,3 nghìn phản ánh, kiến nghị, còn hơn 250 phản ánh, kiến nghị đang được tiếp tục xem xét, xử lý. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng về kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị tại một số địa phương đạt 100% (Trà Vinh, Vĩnh Long…).

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, địa phương trong công tác cải cách TTHC. Đồng thời đề nghị, các bộ cùng các địa phương tập trung trao đổi những vấn đề còn vướng mắc thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của VPCP, trong đó chú trọng vào 3 nhóm vấn đề chính là Cổng DVCQG; Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp; Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị trên Cổng DVCQG.

Những khó khăn, vướng mắc và giải đáp các kiến nghị

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo 3 Bộ và 7 địa phương đã nêu những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải.

Cụ thể, liên quan đến Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng DVCQG, UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Văn phòng Chính phủ cho mở tính năng ghi nhận đối với việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC cho đơn vị cấp 2 là các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường) trong quá trình nhận và xử lý hồ sơ giải quyết TTHC. Về việc này, VPCP cho biết đang hoàn thiện Bộ Chỉ số, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2024.

UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay, tất cả các hồ sơ, TTHC Sở Tư pháp (thuộc đối tượng trả kết quả bằng giấy tờ) chưa có quy định pháp luật về kết quả điện tử và hiện tại việc số hóa TTHC chỉ dừng lại ở việc số hóa đầu vào của TTHC. VPCP đề nghị UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Sở Tư pháp, các sở, ngành có liên quan nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật tại Điều 14 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, Điều 12 Nghị định số 87/2020/NĐ-CP, Thông tư số 03/2023/TT-BTP để tổ chức thực hiện hiệu quả tại địa phương.

Tháo gỡ khó khăn, cải cách TTHC mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân- Ảnh 3.

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan: VPCP luôn hỗ trợ, phối hợp với các bộ và địa phương trong cải cách TTHC. Ảnh: VGP/Giang Oanh

Liên quan đến hệ thống xử lý phản ánh, kiến nghị trên Cổng DVCQG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị được cung cấp danh sách các phản ánh, kiến nghị của Bộ chưa hoàn thành. Về việc này, VPCP đề nghị Bộ KHĐT thống kê, rà soát tình hình tiếp nhận, công khai phản ánh, kiến nghị do hệ thống của Bộ xây dựng riêng, hiện được đồng bộ với Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị trên Cổng DVCQG nên Bộ cần bổ sung tính năng theo dõi, đối soát dữ liệu đồng bộ, bảo đảm kịp thời phát hiện, khắc phục lỗi kỹ thuật. Các phản ánh, kiến nghị theo danh sách đề nghị của Bộ KHĐT, VPCP đã hỗ trợ xử lý việc đồng bộ, cập nhật kết quả.

Ngoài ra, các Bộ và địa phương cũng cho biết, hạ tầng CNTT hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, các bước thực hiện dịch vụ trực tuyến còn phức tạp, việc số hóa còn chậm, chưa bảo đảm đồng bộ tình trạng hồ sơ trên Cổng DVCQG…

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong sản xuất, kinh doanh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, việc cải cách TTHC có vai trò rất lớn, xuyên suốt trong quá trình xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo rất quyết liệt để cải cách TTHC, đặc biệt tập trung đối với cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, TTHC nội bộ, phân cấp trong giải quyết TTHC và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bộ trưởng cho rằng, các bộ đã chủ động triển khai công tác này.

Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra, cụ thể là các văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa (như quy định kinh doanh, TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, phân cấp giải quyết TTHC) chậm được ban hành.

Về phía địa phương, hiện vẫn còn những tồn tại như việc thực hiện tái cấu trúc quy trình TTHC và dịch vụ công chưa thực chất, dịch vụ công trực tuyến còn phức tạp, việc số hóa vẫn chậm, tỷ lệ tái sử dụng dữ liệu số hóa thấp, chưa bảo đảm đồng bộ tình trạng hồ sơ trên Cổng DVCQG.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh, công tác cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm và khó, do đó các bộ, địa phương cần phải tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình triển khai.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn đề nghị, thời gian tới, các bộ và địa phương cần thực hiện nghiêm việc cải cách TTHC ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, có kiểm soát chặt chẽ, đồng thời cần đánh giá tác động chính sách đối với các quy định TTHC, bảo đảm chỉ ban hành các quy định đúng thẩm quyền, cần thiết, hợp lý, thực hiện trên môi trường điện tử và chi phí thấp nhất.

Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, các bộ và địa phương cần thực hiện nghiêm việc công bố, công khai và minh bạch đầy đủ TTHC theo quy định. 100% hồ sơ TTHC của bộ, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC và liên thông, đồng bộ với Cổng DVCQG.

Đặc biệt, cần để nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để đáp ứng nhu cầu và sự mong đợi của người dân. Hoạt động này phải gắn số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận giải quyết TTHC, kết hợp với đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng lưu ý, các bộ và các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện giải quyết TTHC, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin sao cho đồng bộ và bảo đảm an ninh, an toàn.

Giang Oanh

Top