Hà Nội
Nhiều kinh nghiệm sáng tạo trong giải quyết thủ tục hành chính tại các địa phương
(Chinhphu.vn) - Chiến dịch “69 ngày đêm” nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “5 tại chỗ”, thực hiện số hóa, phát huy vai trò của thanh niên... là những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong đổi mới giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa ở nhiều địa phương.
Sáng 30/6, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) chủ trì hội nghị với các bộ, cơ quan liên quan và trực tuyến đến Văn phòng UBND các địa phương nhằm trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); Nghị định số 107//2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và Quyết định số 468/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Kết quả số hóa hồ sơ đã hình thành các kho dữ liệu lớn
Thông tin về các kết quả đạt được của các Bộ, cơ quan, địa phương về triển khai các Nghị định, Quyết định nêu trên, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC nhận định, sau khi văn bản ban hành, các Bộ, ngành, địa phương đều chỉ đạo thực hiện các nội dung đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Sau hai năm triển khai thực hiện, ông Ngô Hải Phan nêu nhận định, đã thu được nhều kết quả đáng được ghi nhận, tiêu biểu là việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra, trong đó gắn việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình thực thi nhiệm vụ, tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Đây là giải pháp quan trọng để hình thành, làm giàu, làm sạch, làm sống dữ liệu (tài nguyên chiến lược của cách mạng số). Đến nay, đã có 32,05% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 67,32% hồ sơ TTHC được số hóa. Thông qua việc số hóa trong tiếp nhận, giải quyết TTHC đã giúp làm giàu, làm sạch, làm sống dữ liệu của các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hình thành các kho dữ liệu lớn phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.
Một số bộ, địa phương triển khai tốt nhiệm vụ này là: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị, Lâm Đồng…
Các bộ, cơ quan, địa phương đã đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở khai thác, tái sử dụng dữ liệu để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giúp việc thực hiện TTHC của người dân, doanh nghiệp được thuận lợi, đơn giản, thực chất. Đồng thời, việc tái cấu trúc quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết TTHC giúp đơn giản hóa trình tự, các bước, công việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tăng năng suất lao động.
Đến nay, đã có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP.
Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực tái cấu trúc quy trình, cung cấp 4.421 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (chiếm tỷ lệ 68,9% ); tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 61,4%; tỷ lệ hài lòng đối với việc giải quyết TTHC đạt 86,64%.
"Quá trình triển khai thực hiện, các bộ, ngành địa phương đều nỗ lực nghiên cứu, đưa ra các giải pháp để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao", Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết.
Cà Mau với Chiến dịch ‘69 ngày đêm’ nâng cao hiệu quả dịch vụ công
Trong 2 năm triển khai, nhiều đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả, mang tính điển hình như: Bộ Công an trong triển khai các nhiệm vụ về đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC; tỉnh Cà Mau với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tuyên truyền thực hiện cải cách TTHC; tỉnh Bắc Giang, Lâm Đồng với các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của bộ phận Một cửa; tỉnh Lâm Đồng thực hiện thuê dịch vụ bưu chính công ích giúp tăng năng suất lao động, giảm lượng lớn nhân lực, cụ thể, tại Trung tâm phục vụ hành chính công đã giảm 40 người, cấp huyện giảm từ 4-5 công chức/01 bộ phận Một cuaw cấp huyện.
Tỉnh Thái Nguyên có mô hình giải quyết TTHC lưu động, thành lập Tổ Đoàn viên Chuyển đổi số, chuyển giao Khoa học kỹ thuật lấy Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là lực lượng nòng cốt hỗ trợ người dân thực hiện TTHC tại nhà; xây dựng kế hoạch triển khai, quy trình hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC trực tuyến tại nhà thông qua đường dây nóng, các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội; xây dựng bộ tài liệu, video hướng dẫn thực hiện TTHC trực tuyến đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của sở và các trang mạng xã hội để tổ chức, cá nhân biết, thực hiện …
Tại hội nghị, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đại diện tỉnh Cà Mau cho biết, Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu để tỉnh ban hành Chiến dịch "69 ngày đêm nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau" với 3 mục tiêu cụ thể: Tăng tỉ lệ nộp hồ sơ trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến và tăng tỷ lệ thanh toán trực tuyến.
Chiến dịch của tỉnh Cà Mau được phát động ngày 1/3/2023, sau 1 tuần tỷ lệ thay đổi nhưng rất chậm, vì vậy, Văn phòng UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra để hiểu lý do vì sao chưa thực hiện được mục tiêu, kết quả sau kiểm tra cho thấy còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Lúc đó, Văn phòng UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị tất cả các cơ quan cùng vào cuộc, cử cán bộ hỗ trợ tại bộ phận Một cửa để hỗ trợ người dân. Sang tuần thứ 3, cơ bản khó khăn được giải quyết, cả 3 mục tiêu đề ra bắt đầu đạt và vượt kế hoạch. Sau 69 ngày của chiến dịch đã thành công ngoài mong đợi, đặc biệt là tỷ lệ thanh toán trực tuyến, trước đó tỷ lệ này chỉ khoảng 1% thì sau chiến dịch là 55%, (trong khi đó mục tiêu là 35%).
Giai đoạn tiếp theo, tỉnh Cà Mau đề ra giải pháp tập huấn cho học sinh, sinh viên thì ở nhà sẽ được con, cháu hướng dẫn bởi đây là lực lượng trẻ, tiếp thu công nghệ nhanh để hướng dẫn cho chính người trong gia đình.
Bắc Giang thực hiện có hiệu quả nguyên tắc "5 tại chỗ"
Tỉnh Bắc Giang là địa phương có nhiều kinh nghiệm triển khai thực hiện giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ tại Bộ phận Một cửa. Những nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh được thể hiện rõ thông qua kết quả đánh giá của chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Bắc Giang xếp thứ 2 toàn quốc) và PAR INDEX (chỉ số cải cách hành chính, Bắc Giang xếp thứ 4 toàn quốc) năm 2022.
Để đạt được kết quả nêu trên, tỉnh Bắc Giang thực hiện có hiệu quả nguyên tắc "5 tại chỗ" (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (đối với 70 TTHC của các sở, ban, ngành) và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã (ngày thứ 6 nhanh). Tỉnh cũng thực hiện quy trình điện tử: Ký số, in, đóng dấu, trả kết quả tại chỗ đối với 217 TTHC của các sở, ban, cơ quan chuyên môn.
Hiện nay, 100% các TTHC đưa vào giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa các cấp của tỉnh Bắc Giang được xây dựng quy trình giải quyết đảm bảo rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết gắn với công tác rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định và được cập nhật công bố, niêm yết công khai theo quy định. Cùng với đó, chỉ đạo sở, ban, ngành, địa phương tham mưu cắt giảm tối thiểu 10% TTHC mỗi năm (riêng năm 2022, đã thực hiện cắt giảm đối với 241 TTHC cấp tỉnh với thời lượng cắt giảm tối thiểu 30% trở lên so với quy định của Trung ương).
Đến nay, trung bình các TTHC thực hiện tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Bắc Giang đã được rút ngắn 30-60% thời gian giải quyết so với quy định.
Tỉnh Lâm Đồng cũng chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện nhiệm vụ số hóa, tái sử dụng giấy tờ số hóa, thuê doanh nghiệp bưu chính công ích thực hiện một số công việc tại Bộ phận Một cửa. Theo đó, tỉnh đã mạnh dạn chuyển giao cho bưu điện tỉnh trong giải quyết một số TTHC bao gồm việc tiếp nhận và trả kết quả tại cấp tỉnh và cấp huyện huyện. Từ năm 2022 tiếp tục giao nhiệm vụ thực hiện số hóa ngay từ khâu doanh nghiệp đến nộp hồ sơ tại bưu điện. Năm 2023, tỉnh tiếp tục tổ chức bộ phận hỗ trợ người dân do nhân viên bưu điện đảm nhận tại bộ phận hành chính công. Đến nay việc tiếp nhận, số hóa TTHC ở tỉnh Lâm Đồng được đánh giá là thành công, tỉnh tiếp tục nghiên cứu để thực hiện ở một số lĩnh vực khác.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan nêu đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, thực hiên có hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; rà soát đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Gia Huy