Hà Nội

Bắc Giang: Nhiều nỗ lực về cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công

(Chinhphu.vn) - Bày tỏ ấn tượng với kết quả của tỉnh Bắc Giang về chỉ số PARIndex, chỉ số PCI..., Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, giải quyết TTHC, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu… nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp.

02/06/2023 11:17
Bắc Giang: Nhiều nỗ lực về cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang - Ảnh: VGP/Quang Thương

Sáng 2/6, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang về công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về phía đầu cầu tỉnh Bắc Giang có sự tham dự của ông Lê Ánh Dương, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực và lãnh đạo các sở, ngành.

Chương trình làm việc của VPCP với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị định số 79/2022/NĐ-CP ngày 6/10/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của VPCP. Trước tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước, lãnh đạo Bộ Y tế.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác cải cách TTHC

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh, trong thời gian qua, Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC để phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, công tác này đạt được những kết quả hết sức tích cực, đặc biệt là trong 5 tháng đầu năm 2023.

Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế vướng mắc trong kiểm soát TTHC, ngày hôm qua (1/6), Thủ tướng Chính phủ có văn bản 493/TTg-KSTT yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả.

Để bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thời gian tới ở 4 nội dung: TTHC ở nhiều lĩnh vực còn rườm rà, nhất là TTHC trong nội bộ cơ quan hành chính Nhà nước; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, còn tình trạng làm thay, làm hộ người dân khi làm TTHC; công tác chỉ đạo, điều hành vẫn còn theo phương thức truyền thống, hệ thống thông tin còn thiếu đồng bộ, hệ thống thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều; việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng "cát cứ thông tin".

Vì vậy, VPCP làm việc với các bộ, ngành địa phương, trong đó có UBND tỉnh Bắc Giang nhằm trao đổi, đánh giá kết quả được trong công tác kiểm soát TTHC, nhận định những điểm còn hạn chế để có các giải pháp tháo gỡ thời gian tới.

Bắc Giang: Nhiều nỗ lực về cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công - Ảnh 2.

Chương trình làm việc của VPCP với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị định số 79/2022/NĐ-CP của Chính phủ - Ảnh: VGP/Quang Thương

Bắc Giang: 3 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền điện tử

Cuộc làm việc nhằm đánh giá các nội dung: Kiểm soát TTHC; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; rà soát, đơn giản hóa các TTHC nội bộ; triển khai phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC; bảo đảm thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, công tác cải cách hành chính nói chung, kiểm soát TTHC nói riêng được các cấp, các ngành tỉnh Bắc Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Vai trò của người đứng đầu đã được nâng lên theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh: "Từ năm 2023 trở đi, không xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đối với người đứng đầu các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh có xếp hạng Chỉ số CCHC 2 năm liên tục đứng cuối hoặc 3 năm liên tục đứng trong nhóm 3 cơ quan cuối cùng…".

Công tác CCHC tỉnh Bắc Giang được triển khai toàn diện, thể hiện qua kết quả các chỉ số đánh giá năm 2022: Chỉ số chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) đạt 72,8 điểm, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố (tăng 29 bậc so với năm 2021); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đạt 88,54 điểm, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc so với năm 2021).

Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang có 3 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước lĩnh vực: "Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số".

Về công bố, công khai TTHC, từ 2021 đến nay, tỉnh đã ban hành 89 quyết định công bố 1.789 TTHC thuộc phạm vi giải quyết của tỉnh.

Đối với nội dung này, theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Trước tiên phải khẳng định Bắc Giang là một trong những tỉnh làm khá tốt công tác kiểm soát TTHC và bảo đảm thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Đánh giá độc lập của Cục Kiểm soát TTHC cho thấy, việc công bố công khai TTHC của tỉnh Bắc Giang thực hiện tương đối tốt, nhất là từ khi áp dụng Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên vẫn còn một số QĐCB, TTHC chưa được công bố công khai kịp thời.

Bắc Giang: Nhiều nỗ lực về cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công - Ảnh 3.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhận định, trong thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang đã rất quan tâm chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt thực hiện công tác kiểm soát TTHC - Ảnh: VGP/Quang Thương

Về rà soát, đánh giá và cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, hàng năm, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đều yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện rà soát, đánh giá và cắt giảm đơn giản hóa TTHC lồng nghép với Kế hoạch thực hiện kiểm soát TTHC và cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trong 2 năm (2021-2022), tổng số TTHC thực hiện rà soát là 245 TTHC, trong đó, đã đề xuất, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa 43 TTHC, chủ yếu tập trung vào vấn đề: Cắt bỏ các giấy tờ hồ sơ không cần thiết, đơn giản hóa mẫu hóa tờ đơn, tờ khai...

Tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cắt giảm thời hạn giải quyết TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, chỉ đạo các sở, ngành thực hiện rà soát, cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết TTHC so với quy định hiện hành đối với 277 TTHC, nhất là các TTHC liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh như đăng ký thành lập doanh nghiệp, chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng...

Về nội dung này, Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) nhận định, Bắc Giang là tỉnh khá chủ động trong việc rà soát, ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC. Năm 2022, cắt giảm thời gian giải quyết của 241 TTHC cấp tỉnh, 31 TTHC cấp huyện và 5 TTHC cấp xã.

Việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, năm 2022, tỉnh Bắc Giang đã hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một điện tử cửa của tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Dữ liệu của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được liên thông với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh đang cung cấp 1.773 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Bắc Giang, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết đối với các TTHC đủ điều kiện, trong đó đã tích hợp, cung cấp đầy đủ 3 dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch (khai sinh, kết hôn, khai tử).

Qua khảo sát thực tế, thấy tỉnh có sáng kiến thu hút người dân, doanh nghiệp thực hiện thanh toán trực tuyến đó là thực hiện quay số trúng thưởng, áp dụng cho những cá nhân, tổ chức thực hiện thanh toán trực tuyến khi thực hiện TTHC.

Ông Ngô Hải Phan nêu đề nghị, tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; chú trọng đào tạo, tập huấn sử dụng công nghệ cho công chức bộ phận một cửa để thực hiện việc tiếp nhận, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và hướng dẫn công dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài ra, cần thường xuyên, theo dõi, đôn đốc các sở ngành, cơ quan trực thuộc trong thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm đúng thời hạn, yêu cầu, hiệu quả; cập nhật kịp thời kết quả thực hiện trên Hệ thống thông tin theo dõi nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ.

Bắc Giang: Nhiều nỗ lực về cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công - Ảnh 4.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) nêu ý kiến tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Quang Thương

Đẩy nhanh số hóa để từ tháng 6/2023 người dân không phải cung cấp thông tin khi thực hiện TTHC

Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhận định, trong thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang đã rất quan tâm chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt thực hiện công tác kiểm soát TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Các cấp các ngành cũng chủ động triển khai công tác cải cách TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Bộ Phận một cửa của tỉnh Bắc Giang đã phát huy được là trung tâm kết nối người dân với các phòng ban chuyên môn, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tương đối đồng bộ...

Nhờ vậy sự quyết liệt và đồng bộ, kết quả xếp hạng của tỉnh Bắc Giang về chỉ số cải cách hành chính (PARIndex) và chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2022 của tỉnh tăng đáng kể so với năm 2021, và theo Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, tỉnh Bắc Giang đang đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố.

"Đây là những chỉ số rất ấn tượng của tỉnh Bắc Giang, là cố gắng lớn của tỉnh và các sở, ngành, quận, huyện và cấp xã phường trong thời gian qua", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nêu nhận định.

Đối với những hạn chế được nêu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị người đứng đầu các cơ quan, địa phương cần quan tâm sâu sát và chỉ đạo quyết liệt đối với công tác này hơn nữa; linh hoạt trong chỉ đạo điều hành và triển khai nhiệm vụ được giao. Có cơ chế trưng tập cán bộ có chuyên môn giỏi về làm việc tại Văn phòng UBND tỉnh để thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong một thời gan nhất định, có sản phẩm cụ thể.

Ngoài ra, cần chỉ đạo quyết liệt, rà soát hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ triển khai Đề án 06, Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ triển khai hiệu quả các dịch vụ công thiết yếu và các ứng dụng của dữ liệu dân cư.

Tiếp tục hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về kết quả giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ. Trong đó, tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để từ tháng 6/2023 người dân không phải cung cấp lại thông tin khi thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền. Gắn trách nhiệm số hóa với quá trình thực thi nhiệm vụ, tiếp nhận giải quyết TTHC của tất cả các cán bộ, công chức.

Tiếp tục đổi mới lề lối phương thức làm việc thông qua xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Tiếp tục rà soát, thống kê và đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn, kịp thời sửa đổi những quy định chưa phù hợp, chưa sát thực tế, rút ngắn thời gian trong giải quyết các công việc nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Tiếp tục đề xuất các phương án phân cấp trong giải quyết TTHC, giảm thiểu khâu trung gian tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng đề nghị tỉnh thực hiện nghiêm túc việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ.

Gia Huy

Top