Hà Nội

Nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thực chất

(Chinhphu.vn) - Nếu chúng ta nói cắt giảm, đơn giản hóa được nhiều thủ tục hành chính nhưng thực chất công việc trong nội bộ còn qua nhiều tầng nấc, người dân, doanh nghiệp không cảm nhận được sự chuyển động tích cực thì chúng ta cải cách không thành công.

04/04/2024 16:26
Nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thực chất- Ảnh 1.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 4/4, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), tái cấu trúc quy trình TTHC, cung cấp dịch vụ công liên thông. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các điểm cầu các bộ, cơ quan, địa phương.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP), trong thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh việc tham mưu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định thủ tục hành chính, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án, Kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Đề án 06, Kế hoạch rà soát TTHC nội bộ theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg, Chương trình đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh…

Vì vậy, việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC (bao gồm cả TTHC nội bộ) và tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công tại các bộ, ngành, địa phương đã đạt được những kết quả bước đầu.

"Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế cần khắc phục liên quan đến nhận thức về công tác cải cách TTHC, sự gắn kết giữa cải cách TTHC với chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là Đề án 06 cũng như công tác cải cách TTHC nội bộ. Ngay trong nội bộ của từng cơ quan, một số thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, chưa xử lý điện tử hồ sơ toàn trình...", ông Ngô Hải Phan nêu.

Theo báo cáo của Cục Kiểm soát TTHC, đến nay, vẫn còn 9 bộ, ngành chưa hoàn thành việc công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, trong khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải hoàn thành trước 15/12/2023.

11/20 bộ, cơ quan và 6/63 địa phương chưa hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

12/28 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 422/QĐ-TTg chưa được các bộ, cơ quan hoàn thành tái cấu trúc quy trình, cung cấp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; còn một số bộ, cơ quan, địa phương nhận diện chưa đúng, công bố chưa đầy đủ TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý và thẩm quyền giải quyết theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

TTHC nội bộ thực hiện trong từng địa phương có sự chênh lệch lớn, từ dưới 10 TTHC đến hơn 200 TTHC, cho thấy việc nhìn nhận về TTHC nội bộ có sự không thống nhất giữa các bộ, địa phương.

Bên cạnh đó, còn 3 bộ chưa trình Thủ tướng Chính phủ phương án đơn giản hóa các nhóm TTHC nội bộ trọng tâm ưu tiên; mới có 7/22 bộ, cơ quan đã thực thi việc cắt giảm TTHC nội bộ, nhưng số lượng TTHC nội bộ của các bộ được cắt giảm còn rất khiêm tốn so với mục tiêu và yêu cầu đề ra...

Ngoài ra, để xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình rà soát, xử lý khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, đến hết ngày 3/4/2024, VPCP mới nhận được báo cáo của 9/29 bộ, ngành và 40/63 địa phương.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách TTHC, bảo đảm thực chất, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng cho các Bộ, ngành, địa phương tại Nghị quyết số 01, Nghị quyết 02; Chỉ thị số 04/CT-TTg…

Đặc biệt, tại Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 25/01/2024 ban hành Kế hoạch cải cách TTHC trọng tâm năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao các nhiệm vụ cụ thể, thời hạn hoàn thành cho bộ, ngành, địa phương trong việc: Rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa đối với 36 giấy phép kinh doanh; tiếp tục nhận diện, công bố, rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ; tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/2/2024, Thủ tướng yêu cầu tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp 28 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng dịch vụ công Quốc gia trong năm 2024.

Trên cơ sở đó, VPCP đã ban hành 2 văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC (gồm giấy phép kinh doanh và TTHC nội bộ) và tái cấu trúc quy trình TTHC, cung cấp dịch vụ công liên thông (văn bản số 1892/VPCP-KSTT ngày 23/3/2024, văn bản số 1927/VPCP-KSTT ngày 25/3/2024).

Nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thực chất- Ảnh 2.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các điểm cầu các bộ, cơ quan, địa phương - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Người dân, doanh nghiệp phải cảm nhận được sự chuyển động tích cực 

Tại hội nghị, các báo cáo viên của Cục Kiểm soát TTHC đã trao đổi, hướng dẫn về 3 nội dung gồm: Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh; Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ; Hướng dẫn tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông.

Hội nghị cũng thảo luận, trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại bộ, ngành, địa phương, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Hùng Huế, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC khối Kinh tế ngành đặt vấn đề, chúng ta đã có giai đoạn rất dài thực hiện cải cách TTHC, cắt giảm các quy định, giấy phép, các nội dung liên quan đến quy định kinh doanh nhưng tại sao người dân và doanh nghiệp vẫn còn nhiều ý kiến, phản ánh kiến nghị bức xúc liên quan đến quá trình, thủ tục hành chính hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. 

"Thủ tướng cũng từng nhấn mạnh nhiều lần đây vẫn là rào cản trong việc thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trong quá trình tham mưu, thực hiện, nhiều bộ ngành có ý kiến rằng chúng ta đã trải qua nhiều chương trình cải cách thì còn cải cách được nữa hay không?"

Nêu việc đổi mới cơ chế quản lý, ông Nguyễn Hùng Huế đề xuất các bộ ngành tiếp tục rà soát, loại bỏ các quy định TTHC can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức. Rà soát các TTHC có tính chất quản lý theo kế hoạch hóa tập trung, bao cấp để chuyển sang cơ chế thị trường. Đồng thời áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới, nhất là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để cắt giảm TTHC, ví dụ: Liên thông, tái sử dụng dữ liệu điện tử giữa Hải quan, Đăng kiểm, Công an để bỏ thủ tục xác nhận nguồn gốc xe nhập khẩu…

Ông Ngô Hải Phan cũng nêu ý kiến: "Chúng ta nói đã cắt giảm được bao nhiêu thủ tục hành chính, phân cấp được bao nhiêu, đã đơn giản hóa được nhiều thủ tục hành chính nội bộ nhưng thực chất công việc trong nội bộ còn qua nhiều tầng nấc, người dân, doanh nghiệp không cảm nhận được cải cách thì chúng ta cải cách không thành công".

Theo ông Ngô Hải Phan, nếu vẫn thực hiện TTHC trên môi trường mạng nhưng song song với đó, vẫn thực hiện TTHC bằng hồ sơ giấy tờ thì công việc của người dân lại tăng lên gấp đôi, công việc của cán bộ công chức cũng tăng gấp đôi; như vậy hiệu quả của cải cách hành chính vẫn chưa đạt được.

"Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm, nếu chúng ta cùng nhau đồng hành sẽ thành công", ông Ngô Hải Phan tin tưởng.

Đồng thời đề nghị các bộ ngành, địa phương căn cứ vào nội dung tập huấn để tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết 01, Nghị quyết 02, Quyết định số 104/QĐ-TTg, Quyết định số 206/QĐ-TTg, Quyết định số 1085/QĐ-TTg…

Theo đó, rà soát lại các dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm việc thực hiện hiệu quả, thực chất, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm. Các bộ khẩn trương ban hành danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để các địa phương có cơ sở xây dựng lộ trình, thống nhất triển khai.

Các Bộ, ngành, địa phương được giao triển khai tái cấu trúc quy trình, xây dựng các dịch vụ công trực tuyến liên thông điện tử tại Quyết định số 206 khẩn trương tổ chức triển khai theo đúng tiến độ, chất lượng được giao tại Quyết định.

Ngoài ra, các bộ khẩn trương hoàn thành rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với các nhóm TTHC nội bộ trọng tâm ưu tiên theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 chưa hoàn thành. Các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, chủ động công bố bổ sung danh mục TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan...

Trong quá trình thực hiện, VPCP sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Hoàng Giang

Top