Hà Nội

Chủ động nắm bắt vướng mắc, đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính

(Chinhphu.vn) - Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động nắm bắt, tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân; đồng thời đề xuất các sáng kiến cải cách.

20/03/2024 12:06
Chủ động nắm bắt vướng mắc, đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính- Ảnh 1.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (VPCP), Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 20/3, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Hội đồng tư vấn)  tổ chức Hội nghị tập huấn, triển khai hoạt động của Hội đồng tư vấn.

Phát huy vai trò 'cầu nối' giữa Chính phủ, Thủ tướng với người dân, doanh nghiệp

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên được thành lập năm 2008, từ đó đến nay, đã trải qua nhiều lần thay đổi và kiện toàn.

Năm 2023, để tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò "cầu nối" giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã kiện toàn Hội đồng tư vấn theo hướng "gọn nhẹ, thực chất, hiệu quả" với 30 thành viên là đại diện lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP là Chủ tịch Hội đồng.

Ngay sau khi Hội đồng được kiện toàn, để kịp thời triển khai các nhiệm vụ được giao, Chủ tịch Hội đồng đã khẩn trương phê duyệt danh sách thành viên, danh sách các Ban công tác, ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động và Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng.

Ngày 26/02/2024, Hội đồng đã có buổi làm việc với Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì.

Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Hội đồng đã đạt được một số kết quả nổi bật, có thể kể đến như: Xây dựng Báo cáo thường niên về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI); đặc biệt, trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của Hội đồng tại Báo cáo APCI 2021, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, sau Hội nghị, đã ban hành Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như các báo cáo đề xuất, sáng kiến và đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.

Hội đồng tư vấn đã tổ chức 42 phiên làm việc, hội nghị đối thoại để lắng nghe, tiếp nhận và đề xuất giải pháp xử lý đối với gần 500 vấn đề, nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (trong giai đoạn 2017-2020); đã tổng hợp, chuyển Tổ công tác chỉ đạo các bộ, địa phương xem xét, xử lý 125/158 phản ánh, kiến nghị của các cơ quan thành viên Hội đồng và cộng đồng doanh nghiệp (từ tháng 8/2023 đến nay); đồng thời thường xuyên tham gia ý kiến đối với các dự thảo phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính cũng như các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khi được lấy ý kiến.

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn, triển khai hoạt động của Hội đồng tư vấn, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (VPCP), Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng tư vấn cho biết, đây là một trong những hoạt động của Hội đồng tư vấn trong năm 2024 nhằm nâng cao kỹ năng cho cán bộ các cơ quan thành viên về tổng hợp những phản ánh, kiến nghị, đề xuất sáng kiến cải cách.

Ông Ngô Hải Phan cũng cảm ơn JICA đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam.

Theo ông Ngô Hải Phan, muốn tổ chức thi hành pháp luật tốt thì luật phải đi từ thực tiễn cuộc sống; do đó, cần lắng nghe những phản ánh, kiến nghị từ người dân, doanh nghiệp, những đối tượng đang thụ hưởng chính sách để nhận diện những rào cản, tìm ra những vướng mắc, bất cập, điểm nghẽn trong thực thi pháp luật, gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho đời sống của người dân để từ đó kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ.

Theo ông Kono Ryuz, Cố vấn trưởng Dự án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam" của JICA, nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trực tiếp chỉ đạo.

Nhật Bản cũng có Hội đồng xúc tiến cải cách quy định. Từ góc độ thúc đẩy các chính sách liên quan đến chính sách kinh tế cơ bản và trọng yếu, dựa trên ý kiến của Thủ tướng, Hội đồng này tiến hành xem xét một cách toàn diện các vấn đề cơ bản về cải cách các quy định cần thiết (bao gồm cải cách các quy định sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông và các biện pháp khác để đơn giản hóa thủ tục)....

Với tư cách là đại diện Dự án của JICA, ông Kono Ryuz bày tỏ vui mừng khi có thể hỗ trợ cho hoạt động này, qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam; đồng thời tin tưởng rằng công tác cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam sẽ thành công.

Chủ động nắm bắt vướng mắc, đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính- Ảnh 2.

Hội nghị tập huấn, triển khai hoạt động của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tại Hội nghị, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP), Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trao đổi, chia sẻ về: Vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính sau khi kiện toàn và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; xây dựng các Báo cáo chuyên đề theo nhiệm vụ được giao; phương pháp đóng góp ý kiến về các thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh dự kiến ban hành trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; tổng hợp phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân và tổng hợp, báo cáo; khai thác, sử dụng Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Chuyên gia Dự án của JICA cũng chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong quá trình cải cách và nâng cao năng lực phản ánh chính sách của cơ quan nhà nước.

Chủ động nắm bắt vướng mắc, đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính- Ảnh 3.

Ông Trần Đức Trung, Chánh Văn phòng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính-VPCP trao đổi, chia sẻ về vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính sau khi kiện toàn và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Theo Kế hoạch hoạt động năm 2024, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ có 23 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có 10 nhiệm vụ chung, 5 nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất, sáng kiến và 8 nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Để Hội đồng có thể hoàn thành được Kế hoạch đã đề ra cũng như các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, ông Ngô Hải Phan đề nghị các Ban công tác, các cơ quan thành viên Hội đồng tập trung chủ động xác định các nhiệm vụ cụ thể, phối hợp chặt chẽ với VPCP - cơ quan thường trực Hội đồng trong quá trình triển khai nhiệm vụ; bố trí, huy động nguồn lực từ phía các doanh nghiệp, hội viên, phát huy tối đa "nội lực" từ phía các cơ quan thành viên Hội đồng.

Đồng thời đề nghị các cơ quan thành viên tiếp tục nghiên cứu, xây dựng một số các báo cáo chuyên đề thực tiễn cuộc sống và hoạt động kinh doanh để xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo tháo gỡ; chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin, tài liệu chi tiết, rõ ràng về các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cần giải quyết, đề xuất giải pháp, từ đó nâng cao năng lực phản ứng chính sách.

Hoàng Giang

Top