Hà Nội

Phối hợp cải cách quy định kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

(Chinhphu.vn) - Sáng 26/9, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) đã có cuộc làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới về các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, qua đó hai bên sẽ cùng nhau hợp tác thúc đẩy cải cách các quy định kinh doanh, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

26/09/2024 12:05
Phối hợp cải cách quy định kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển- Ảnh 1.

Cuộc làm việc giữa lãnh đạo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính với đại diện Ngân hàng Thế giới về các hoạt động cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: VGP/Giang Oanh

Tham gia buổi làm việc có ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, cùng các cán bộ của Cục. Phía Ngân hàng Thế giới có ông Francesco Strobbe, Giám đốc Ban Tài chính - Cạnh tranh và Đổi mới sáng tạo, khu vực châu Á-Thái Bình Dương; ông Đặng Quang Vinh, Chuyên gia cao cấp khu vực tư, Ngân hàng Thế giới.

Phối hợp cải cách quy định kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển- Ảnh 2.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính: Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 3.000 quy định kinh doanh. Ảnh: VGP/Giang Oanh

Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 3.000 quy định kinh doanh

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính chia sẻ và cảm ơn Ngân hàng Thế giới cùng các chuyên gia đã hỗ trợ Cục Kiểm soát thủ tục hành chính xây dựng Báo cáo về "Đánh giá mức độ hoàn thiện của hoạt động cấp phép của Việt Nam" đối với 3 nhóm thủ tục hành chính cấp phép gồm: Giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa; Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Đồng thời giúp xây dựng Báo cáo "Cải thiện các quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam" để đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Vào tháng 7/2024, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã có thư phản hồi thống nhất về các nội dung hợp tác giai đoạn 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025; trong đó, tập trung vào xây dựng chương trình cải cách cấp phép kinh doanh và tiến hành nghiên cứu, rà soát các lĩnh vực ưu tiên để cải cách quy định kinh doanh và cung cấp dịch vụ công.

Ông Ngô Hải Phan cho biết, từ năm 2021 đến nay, Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa được hơn 3.000 quy định kinh doanh tại 261 văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác và kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động sự chung tay từ phía khu vực tư, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình cải cách.

"Hiện nay, Cục đang xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép kinh doanh; và Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025-2030", ông Ngô Hải Phan nói.

Phối hợp cải cách quy định kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển- Ảnh 3.

Ông Francesco Strobbe, Giám đốc Ban Tài chính - Cạnh tranh và Đổi mới sáng tạo, Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao những kết quả mà Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã thực hiện. Ảnh: VGP/Giang Oanh

Cải cách thủ tục hành chính hướng đến khu vực tư

Ông Ngô Hải Phan cho biết thêm, việc tổ chức hiệu quả mô hình một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp theo hướng số hóa, phi địa giới hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công đã mang đến nhiều kết quả tích cực. Việc đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia và Bộ Chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đã được Trung ương, các Bộ ngành, doanh nghiệp và người dân đánh giá rất cao, đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Sau khi nghe lãnh đạo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính chia sẻ, ông Francesco Strobbe, Giám đốc Ban Tài chính - Cạnh tranh và Đổi mới sáng tạo, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới cho biết, Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao những kết quả mà Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã thực hiện được. Những cải cách này không những tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp mà cao hơn là tạo cho Việt Nam một môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, qua đó thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển. 

Ông Francesco Strobbe cho biết, bên cạnh những kết quả cải cách thủ tục hành chính mà Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã đạt được, phía Ngân hàng Thế giới cũng quan tâm đến việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến khu vực tư nhân, sẽ giúp tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc khu vực này phát triển hơn nữa.

Liên quan đến dự thảo Báo cáo "Cải thiện các quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam" và "Báo cáo đánh giá quy định và cung cấp dịch vụ công tại một số địa phương" trên cơ sở phương pháp B-Ready của Ngân hàng Thế giới, ông Francesco Strobbe cho biết, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia của mình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp cung cấp thông tin với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính để hoàn thiện những báo cáo này.

Tại cuộc làm việc, ông Ngô Hải Phan khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp là trọng tâm. Chính vì mục tiêu đó mà thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác và kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động sự chung tay từ phía khu vực tư, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình cải cách.

Đề xuất một số nội dung trọng tâm cần triển khai trong 3 tháng cuối năm 2024 và 2025, ông Ngô Hải Phan bày tỏ mong muốn, hai bên sẽ tiếp tục khẩn trương hoàn thiện và tổ chức công bố Báo cáo "Cải thiện các quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam" (thời gian dự kiến đầu tháng 10/2024); hoàn thiện đề xuất về "Báo cáo đánh giá quy định và cung cấp dịch vụ công tại một số địa phương" trên cơ sở phương pháp B-Ready của Ngân hàng Thế giới; triển khai hoạt động đánh giá mức độ hoàn thiện của hoạt động cấp phép tại Việt Nam và xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép kinh doanh...

Giang Oanh

Top