Hà Nội

Cắt giảm quy định kinh doanh để mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp

(Chinhphu.vn) – Các Bộ, ngành và các chuyên gia đã cùng trao đổi, tham vấn phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm mang lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan hành chính Nhà nước.

28/12/2023 11:46
Cắt giảm quy định kinh doanh để mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp- Ảnh 1.

Hội thảo: "Tham vấn phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh" - Ảnh: VGP/Gia Huy

Sáng 8/12, Văn phòng Chính phủ (VPCP) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đồng tổ chức Hội thảo: "Tham vấn phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh". Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, địa phương (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương), một số Hiệp hội doanh nghiệp…

Cắt giảm, đơn giản hoá ít nhất 20% số quy định, 20% số chi phí tuân thủ quy định

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Đỗ Thái Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) nhấn mạnh, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 đến nay đã thực hiện được 3 năm. Nghị quyết 68/NQ-CP có vai trò rất quan trọng, mang lợi lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, người dân mà còn mang lại lợi ích cho các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan tham gia quản lý các lĩnh vực.

Mục tiêu của Chính phủ cho giai đoạn 2020-2025 trong Nghị quyết này yêu cầu cắt giảm, đơn giản hoá ít nhất 20% số quy định, cùng với đó là cắt giảm 20% số chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trong Nghị quyết 68/NQ-CP, Chính phủ cũng xác định cụ thể các nội dung công việc, thời gian hoàn thành các sản phẩm và trách nhiệm của từng Bộ, cơ quan làm sao bảo đảm chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Việt cắt giảm, đơn giản hoá quy định kinh doanh phải lượng hoá được lợi ích mang lại cho doanh nghiệp, người dân và xã hội, không gây ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, phải tạo ra được thuận lợi cho việc tuân thủ pháp luật, không gây ra khoảng trống trong thực thi pháp luật cũng như xây dựng pháp luật.

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, các Bộ, ngành đã rà soát, đưa ra các phương án đơn giản hoá quy định kinh doanh của lĩnh vực phụ trách. Vì vậy, hội thảo nhằm trao đổi về các phương án mà các Bộ đã đưa ra, qua đó, các ý kiến tham gia của các chuyên gia Nhật Bản tại hội thảo sẽ góp phần để các phương án cắt giảm, đơn giản hoá của các Bộ được hoàn thiện hơn một bước. 

Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Đỗ Thái Hà bày tỏ cảm hơn JICA đã hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho VPCP và các Bộ, ngành triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời cảm ơn các Bộ, cơ quan đã đồng hành cùng VPCP trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Cắt giảm quy định kinh doanh để mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp- Ảnh 2.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC nhấn mạnh về Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tại hội thảo, ông Kono Ryuzo, cố vấn trưởng Dự án JICA đánh giá cao những nỗ lực của VPCP và các Bộ, cơ quan trong thời gian qua để thực hiện các phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Ông Kono Ryuzo chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1682/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, điều này cho thấy, Chính phủ Việt Nam quan tâm rất lớn đến cải cách TTHC.

Với tư cách đại diện của JICA, ông Kono Ryuzo bày tỏ vui mừng để hỗ trợ VPCP tổ chức các hoạt động liên quan đến cắt giảm, đơn giản hoá hoạt động kinh doanh. Các chuyên gia của Nhật Bản và các Bộ của Việt Nam sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm, cùng học hỏi để tìm ra những hướng giải quyết cho các phương án cắt giảm, đơn giản hoá kinh doanh.

Tại hội thảo, chuyên gia JICA đã chia sẻ tổng quan những chuyển biến lớn gần đây liên quan đến việc đơn giản hoá TTHC ở Nhật Bản.

Những biện pháp cụ thể mới cần được thực hiện để cải cách quy định dưới góc nhìn của doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đưa vào áp dụng các biện pháp cải cách quy định/thể chế nhằm thúc đẩy phát triển số hóa.

Nhật Bản hướng đến mục tiêu trở thành "Quốc gia có môi trường kinh doạnh thân thiện nhất thế giới" để hỗ trợ mạnh mẽ việc nâng cao năng suất của doanh nghiệp, nhằm hướng tới hiện thực hóa "Nền kinh tế GDP 600 nghìn tỉ yên". Để đạt được tăng trưởng bền vững, Nhật Bản - quốc gia đầu tiền trên thế giới bước vào giai đoạn xã hội suy giảm dân số toàn diện, sẽ cần cải cách các quy định, đơn giản hóa thủ tục hành chính và áp dụng các biện pháp cải cách quy định/thể chế nhằm thúc đẩy phát triển số hóo. Đồng thời, Nhật Bản cũng sẽ triển khai các hoạt động một cách có kế hoạch nhằm cắt giảm chi phí thủ tục hành chính/quy định của doanh nghiệp, với các mục tiêu đã được xác định.

Lĩnh vực trọng tâm" được triển khai như sau: Mỗi bộ ngành sẽ xây dựng kế hoạch nhằm đạt được các mục tiêu cắt giảm và triển khai cắt giảm chi phí thủ tục hành chính dựa trên 3 nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục hành chính" và "các đề mục cần giải quyết để giảm chi phí thủ tục hành chính"; Phòng thủ tục hành chính sẽ theo sát việc triển khai của mỗi bộ ngành.

Tháng 6/2023, Nhật Bản có kế hoạch trọng điểm hướng tới hiện thực hóa xã hội số, theo đó, các chính sách trọng tâm hướng tới việc đảm bảo sự an toàn và thuận lợi trong cuộc sống của người dân và trong hoạt động của doanh nghiệp. Thẻ My number/ Dịch vụ hành chính số sẽ tạo điều kiện cho việc nộp đơn đăng ký và cấp phát thẻ, mở rộng các dịch vụ hành chính, liên kết với dịch vụ tư nhân, đẩy mạnh việc sử dụng tài khoản nhận tiền ngân sách, nâng cao tính tiện lợi của thẻ My number bằng cách cài đặt trên điện thoại thông minh của người dùng.

Cắt giảm quy định kinh doanh để mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp- Ảnh 3.

Ông Kono Ryuzo (bên phải), cố vấn trưởng Dự án JICA đánh giá cao nỗ lực của các bộ, cơ quan về cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh - Ảnh: VGP/Gia Huy

Nhiều TTHC không cần thiết được đề nghị cắt giảm, đơn giản hoá

Tại hội thảo, trên cơ sở rà soát độc lập, đại diện Cục Kiểm soát TTHC nêu đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa một số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, tư pháp…

Trên cơ sở rà soát và đánh giá, Cục Kiểm soát TTHC nêu đề xuất đơn giản hoá một số quy định về TTHC, đăng ký kinh doanh và chế độ báo cáo trong lĩnh vực tài chính. Về điều kiện kinh doanh, đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa một số điều kiện kinh doanh hiện nay trong các lĩnh vực dịch vụ thuế, điều kiện để đề nghị cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử; các điều kiện ban đầu gia nhập ngành về khía cạnh tài chính, cơ sở hạ tầng cũng như số lượng nhân sự cần được cắt giảm.

Về TTHC, có thể cắt giảm, đơn giản hóa một số TTHC không cần thiết, chưa hợp lý, gây khó khăn, tăng gánh nặng hành chính cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước khi thực hiện. Cắt giảm các thành phần hồ sơ phiếu lý lịch tư pháp, các thành phần hồ sơ không cần thiết trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thuế. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, cắt giảm các quy định chưa phù hợp khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến (như quy định nộp hồ sơ giấy, quy định gửi phong bì có dán tem…).

Ở lĩnh vực thuế, đề xuất tập trung rà soát, sửa đổi các quy định tại các Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành, hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính liên quan đến cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử theo hướng cắt giảm số năm kinh nghiệm, số lượng nhân sự … để tạo điều kiện cho sự phát triển của dịch vụ này, nhất là sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động cung ứng dịch vụ hóa đơn điện tử.

Cũng trên cơ sở rà soát độc lập, Cục Kiểm soát TTHC nêu kiến nghị, sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật theo hướng các cơ quan quản lý chuyên ngành cần tiến hành rà soát để loại trừ một số sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành thuộc nhóm 2 đang được quản lý chất lượng theo pháp luật chuyên ngành thì sẽ dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật chuyên ngành thay vì thực hiện yêu cầu chứng nhận hợp quy cho tất cả các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi chỉ thực hiện việc kiểm tra chỉ tiêu an toàn, chỉ tiêu chất lượng cùng với thủ tục đăng ký lưu hành, công bố thông tin sản phẩm theo quy định của pháp luật chuyên ngành mà không cần thực hiện thủ tục đánh giá hợp quy và công bố hợp quy, thủ tục tiếp nhận công bố hợp quy của sản phẩm.

Gia Huy

Top