Hà Nội

Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả về đánh giá quy định cấp phép kinh doanh

(Chinhphu.vn) - Chiều 12/12, Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về: “Giới thiệu Bộ Công cụ đánh giá quy định cấp phép kinh doanh và khuyến nghị áp dụng tại Việt Nam”.

12/12/2023 17:22
Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả về đánh giá quy định cấp phép kinh doanh- Ảnh 1.

Hội thảo do Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức - Ảnh: VGP/GH

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, các hiệp hội: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Nông nghiệp số, Dược, Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam và các chuyên gia của Ngân hàng Thế thới…

Thừa Ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phannhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người dân, doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, các bộ, ngành tham gia hội thảo là đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia vào quá trình tham mưu cho Chính phủ, Thủ thướng Chính phủ về nhiệm vụ này.

Cũng theo ông Ngô Hải Phan, Việt Nam đang triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 với mục tiêu, yêu cầu là đến cuối năm 2025 cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ và chắt giảm 20% các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để môi trường kinh doanh tại Việt Nam được thuận lợi hơn, ít rào cản hành chính hơn, chi phí tuân thủ tốt hơn.

Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay về cách tiếp cận mới, công cụ mới quốc tế đang thực hiện để cắt giảm các quy định cấp phép kinh doanh, cắt giảm gánh nặng chi phí hành chính, để từ đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Các chuyên gia của WB cũng sẽ giúp VPCP, các bộ, ngành đánh giá giữa kỳ về công tác cải cách hành chính, công bố các đánh giá, từ đó đưa ra các khuyến nghị về cải cách giai đoạn 2025-2030.

Bà Zenaida Uriz, Chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) chia sẻ về niềm yêu mến khi đến Hà Nội và bày tỏ bà thích sự năng động và vẻ đẹp của Thành phố này.

Bà Zenaida Uriz đưa ra nhận định, để cải thiện môi trường kinh doanh cần loại bỏ đáng kể các quy định không cần thiết mà Việt Nam đang đặt mục tiêu trong thời gian tới. Việt Nam cũng cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, bao gồm khung quy định pháp quy, dịch vụ số, các quy định cấp phép kinh doanh...

Các chuyên gia sẽ chia sẻ các quy định cấp phép kinh doanh qua các ví dụ tại quốc gia đã áp dụng, từ đó đưa các khuyến nghị áp dụng tại Việt Nam. "WB cũng sẵn sàng hợp tác với VPCP, các bộ, ngành của Việt Nam để tăng cường các phân tích, đưa ra các khuyến nghị để xác định bước tiếp theo của cải cách", bà Zenaida Uriz chia sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả về đánh giá quy định cấp phép kinh doanh- Ảnh 2.
Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả về đánh giá quy định cấp phép kinh doanh- Ảnh 3.

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan và bà Zenaida Uriz, Chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Thế giới chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: VGP/GH

Tại hội thảo, các chuyên gia WB đã chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các nội dung: "Cải cách cấp phép – thông lệ quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam" và "Áp dụng công nghệ để cải thiện quy định và thực thi quy định".

Về công nghệ quản lý nhà nước (RegTech) ứng dụng trong quy định về kinh doanh, ông Aris Molfetas, Chuyên gia về Khu vực tư nhân của WB đã chia sẻ về công nghệ quản lý Nhà nước để cung cấp dịch vụ Chính phủ tới doanh nghiệp, bao gồm: Nền tảng cấp phép kinh doanh cho các dịch vụ thông tin, điều hướng và giao dịch, việc sử dụng công nghệ mới nổi trong việc thực hiện các quy định và thanh, kiểm tra trên môi trường điện tử.

Mục tiêu của chuyên đề này nhằm giúp hiểu rõ những thách thức chính mà công nghệ kỹ thuật số và công nghệ mới nỏi có thể giúp giải quyết trong bối cảnh cung cấp dịch vụ của Chính phủ cho doanh nghiệp. Tìm hiểu cách thức áp dụng các công nghệ kỹ thuật số và công nghệ mới nổi trong bối cảnh cung cấp dịch vụ của Chính phủ cho doanh nghiệp trên các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau.

Ông Aris Molfetas cũng giới thiệu về Cổng cấp phép kinh doanh và các chính sách quan trọng. Chính sách chính là xem xét, hợp lý hóa các yêu cầu cấp phép theo cách tiếp cận dựa trên rủi ro; phân công rõ ràng vai trò, trách nhiệm về quản lý nền tảng trực tuyến, cập nhật thông tin và đưa ra quyết định về ứng dụng; phát triển cơ chế đáng tin cậy để bảo đảm cập nhật có hệ thống thông tin cấp phép dựa trên mọi thay đổi về quy định; thống nhất các khoản thanh toán phí hành chính thành một khoản thanh toán tập trung và cung cấp nhiều tùy chọn thanh toán khác nhau…

Một số quốc gia đã triển khai công cấp phép kinh doanh với mức độ phát triển khác nhau nư: Dịch vụ thông tin cấp giấy phép kinh doanh của Úc; cơ sở dữ liệu về giấy phép của Vương quốc Anh; cấp phép điện tử ở Moldova; điểm đầu mối duy nhất ở Bavaria; Dịch vụ điện tử của Singapore dành cho doanh nghiệp…

Ông Aris Molfetas, Chuyên gia của WB cũng chia sẻ về việc WB đã phối hợp với APCA tiến hành đánh giá thí điểm mức độ trưởng thành của 3 lĩnh vực cấp phép kinh doanh tại Việt Nam: Quy trình cấp phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa; quy trình cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; quy trình cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Theo bà Zenaida Uriz, Chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Thế giới, từ đánh giá của 3 lĩnh vực cấp phép kinh doanh này giúp các các chuyên gia có các nhận định để đưa ra các khuyến nghị cho cải cách tiếp theo trong quy định cấp phép kinh doanh tại Việt Nam.

Gia Huy

Top