Hà Nội

Chính phủ Việt Nam đã chủ động hành động để hỗ trợ doanh nghiệp

(Chinhphu.vn) - Ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Văn phòng Dự án LinkSME nêu ý kién, dự thảo Báo cáo “Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19” trung thực, khách quan và cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã chủ động hành động để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng.

27/12/2022 17:01
Chính phủ Việt Nam đã chủ động hành động để hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ), Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: VGP/Gia Huy

Chiều 27/12, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo "Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19". Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thành viên của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo báo cáo được đánh giá trung thực, khách quan

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ), Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ cho biết, cùng với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) thông qua dự án "Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa" (Dự án LinkSME), Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo "Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19".

Thông qua hỗ trợ của Dự án LinkSME, hoạt động cải cách đã đạt được nhiều thành tựu tích cực, đến thời điểm này đã cắt giảm trên 2.000 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; các Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hoá trên 1.500 quy định. Theo thống kê cập nhật trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, hiện nay có trên 17.500 quy định, trong đó có trên 15.000 quy định đã được công khai, cắt giảm trên 2.000 quy định (khoảng 11%) các quy định. Theo mục tiêu cắt giảm, giai đoạn 2020-2025 phải cắt giảm 20% quy định, kèm theo đó là cắt giảm 20% chi phí tuân thủ.

Theo ông Ngô Hải Phan, đây cũng là một trong các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19. Cũng thông qua Dự án, Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế Một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng số hoá và không phụ thuộc địa giới hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, từ hành chính truyền thống sang hành chính phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe dự thảo Báo cáo "Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19", hội thảo sẽ nghe các ý kiến đánh giá từ những cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện và doanh nghiệp trực tiếp thụ hưởng chính sách. Từ đó, Hội đồng tư vấn sẽ có báo cáo tư vấn đến Thủ tướng Chính phủ về hiệu quả của chính sách trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Văn phòng Dự án LinkSME, trọng tâm của hội thảo là báo cáo đánh giá nghiên cứu "Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19". Nghiên cứu này đã đưa ra các đánh giá trung thực, khách quan, trong đó giải thích chính sách hỗ trợ nào hiệu quả, chính sách nào chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Phần lớn các chính sách, gói hỗ trợ mà dự thảo báo cáo đánh giá cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã chủ động hành động để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng. Ví dụ chính sách hỗ trợ về lãi suất, hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu…

Chính phủ Việt Nam đã chủ động hành động để hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 2.

Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo "Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19" - Ảnh: VGP/Gia Huy

Sự chủ động của các cơ quan là điểm sáng của xây dựng, thực thi chính sách

Nghiên cứu "Đánh giá hiệu quả của các Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19"do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng chính phủ thực hiện với sự hỗ trợ của Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (dự án LINKSME) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Nghiên cứu nhằm rà soát, nghiên cứu những vướng mắc, bất cập trên thực tế và tìm kiếm những bài học kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ một số đề xuất sửa đổi chính sách hoặc cải thiện công tác thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện hành liên quan đến phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19, nâng cao khả năng tiếp cận với các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Nghiên cứu tập trung vào 4 nhóm chính sách và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 do Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian từ tháng 1/2020 đến 6/2022 là: 1) nhóm chính sách hỗ trợ liên quan đến thuế, phí và lệ phí, 2) nhóm chính sách hỗ trợ liên quan đến tài chính và tín dụng, 3) nhóm chính sách hỗ trợ liên quan đến lao động và bảo hiểm xã hội (BHXH); và 4) nhóm chính sách liên quan đến thúc đẩy xuất khẩu, và bảo vệ chuỗi cung ứng.

Khảo sát được tiến hành thông qua phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại hoặc gặp gỡ tại doanh nghiệp, hiệp hội với 355 doanh nghiệp, 11 cơ quan thực thi chính sách, bao gồm các cơ quan thuế, BHXH, Hải quan tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM trong giai đoạn từ tháng 9 và tháng 10/2022.

Bài học về nghiên cứu và xây dựng chính sách được đưa ra là chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong các tình huống cấp bách cần phải kịp thời, đúng thời điểm và phương án thực thi chính sách phải cụ thể, có khả năng điều chỉnh trong các tình huống chưa từng có tiền lệ.

Sự quyết liệt về chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự tham gia tích cực của cơ quan nhà nước các cấp là điều kiện tiên quyết để có thể xây dựng, ban hành được những chính sách phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch COVID-19 và phù hợp với những diễn biến chưa từng có tiền lệ.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh biến chuyển qua từng ngày, sự chủ động và linh hoạt của Chính phủ trong việc ban hành, điều chỉnh các chính sách đã giúp thực hiện "mục tiêu kép" - vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Sự chủ động nắm bắt thực tế, điều chỉnh nhanh chóng các văn bản quy định về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ đã giải quyết được nhiều bất cập, khó khăn trên thực tế.

Sự tham gia tích cực và chủ động từ cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương cũng là điểm sáng của quá trình xây dựng và thực thi chính sách.

Gia Huy

Top