Hà Nội
Nâng cao năng lực tham mưu, phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường điện tử
(Chinhphu.vn) - Trong 2 ngày (09-10/12), tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Trung tâm Việt - Úc (VAC) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực tham mưu, phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trên môi trường điện tử”.
Hội thảo có sự tham gia của ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ); ông Nguyễn Quang Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Thư ký - Biên tập, phụ trách Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bà Carol Holmes, Quyền Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam; ông Quentin Derrick, Giám đốc quốc tế, Trung tâm Việt - Úc; cùng sự tham gia của đại diện 11 bộ ngành, 30 địa phương và đại diện các Vụ, Cục thuộc Văn phòng Chính phủ.
Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số là một trong những ưu tiên hàng đầu
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng, Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số là một trong những ưu tiên hàng đầu để tạo nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia mạnh mẽ, toàn diện, trong đó luôn xác định cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp làm cơ sở cho việc chỉ đạo, điều hành trực tuyến, dựa trên dữ liệu, như: Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý; Phát triển hạ tầng số, các nền tảng số dùng chung; Thúc đẩy số hóa quy trình, phát triển thông tin, dữ liệu số; kết nối, chia sẻ, tái sử dụng thông tin, dữ liệu; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tổng hợp, báo cáo, phân tích dữ liệu, xây dựng các mô hình dự báo hỗ trợ chỉ đạo, điều hành, ra quyết định, tạo đột phá trong cải cách hành chính, hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, hiện đại, phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Đến nay, nhiều bộ ngành, địa phương đã thực hiện số hóa quy trình, xây dựng các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, các nhóm chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, mang lại những chuyển biến tích cực, nâng cao năng lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành và tham mưu, hoạch định chính sách.
Ông Ngô Hải Phan cho biết, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Văn phòng Chính phủ vận hành thời gian qua đã tích cực kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các bộ, cơ quan, địa phương, hình thành các kho dữ liệu, các nhóm chỉ số chỉ đạo, điều hành; đồng thời, phục vụ lãnh đạo Chính phủ họp, chỉ đạo trực tuyến tại Trung tâm, trong đó có công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được quan tâm coi trọng.
Tuy nhiên, chúng ta mới ở giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu còn thiếu tính liên kết, đồng bộ, việc liên thông chia sẻ dữ liệu còn hạn chế; chất lượng thông tin, dữ liệu cần tiếp tục cải thiện, chuẩn hóa; an toàn thông tin, an ninh mạng phải được coi trọng. Đặc biệt, việc xây dựng, hình thành các nhóm chỉ số về kinh tế - xã hội phục vụ tổng hợp, phân tích, dự báo, hỗ trợ điều hành, ra quyết định của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương là thực sự cần thiết, là cơ sở tạo nên lượng dữ liệu lớn, đa chiều, hình thành dòng chảy dữ liệu giữa trung ương và cơ sở.
Quyết liệt hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia
Trước những yêu cầu đặt ra, để thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực tham mưu, phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã có quy định ưu tiên việc thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử các hoạt động quản trị nội bộ, cung cấp dịch vụ công, chỉ đạo, điều hành.
Bên cạnh đó, Nghị định số 137/2024/NĐ-CP quy định về bộ chỉ số và hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, ngày 20/9/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương dựa trên dữ liệu, theo thời gian thực.
Cụ thể, tập trung: Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách - rà soát, ban hành các chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, địa phương; Xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành; Phát triển, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu; Xây dựng các kịch bản chỉ đạo, điều hành trực tuyến; Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, phát triển nhân lực; Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
Tại hội thảo, bà Carol Holmes, Quyền Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam khẳng định, chuyển đổi số vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhằm hỗ trợ cung cấp dịch vụ công để phục vụ cho người dân một cách tốt nhất. Đây cũng là một trong những yếu tố then chốt của mối quan hệ song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Australia. Chính vì vậy, hội thảo thể hiện mạnh mẽ cam kết giữa hai quốc gia, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số.
"Với những nội dung rất quan trọng được chia sẻ, trao đổi tại hội thảo như xem xét các vấn đề cải cách hành chính, chuyển đổi số, chất lượng dữ liệu… tôi tin rằng các chuyên gia Australia cũng sẽ học hỏi thêm được những kinh nghiệm quý báu từ phía các chuyên gia Việt Nam để cùng áp dụng vào thực tiễn", bà Carol Holmes bày tỏ.
Tại hội thảo, đại diện các bộ ngành, địa phương sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, hình thành, quản trị, phát triển thông tin, dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành, địa phương mình. Các chuyên gia quốc tế cũng sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách tiếp cận trong việc thu thập, tạo lập dữ liệu; quản trị dữ liệu, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng dữ liệu; ứng dụng công nghệ trong phân tích, dự báo phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
Trung tâm Việt - Úc (VAC) là một trung tâm năng động, quy tụ sự tham gia của các chuyên gia Úc và Việt Nam nhằm hỗ trợ đội ngũ lãnh đạo tương lai của Việt Nam giải quyết các thách thức quốc gia, khu vực và quốc tế.
VAC là trung tâm của mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Úc, qua đó tăng cường liên kết giữa người dân và các cơ quan của hai nước.
VAC thực hiện các hoạt động đào tạo, xây dựng năng lực và nghiên cứu mục tiêu và được coi là một nơi tin cậy để kết nối và thảo luận các lĩnh vực ưu tiên của hai chính phủ. Đồng thời, hỗ trợ các chuyên gia Úc, bao gồm các học giả, cán bộ chính phủ và các nhà hoạch định chính sách, phối hợp và xây dựng kỹ năng cho các lãnh đạo của Việt Nam.
Cam kết chung của Việt Nam và Úc đối với các mục tiêu của VAC đã được tái khẳng định trong Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Úc năm 2024, có vai trò nền tảng để nâng cao năng lực cho toàn bộ nền công vụ của Việt Nam.
Ngoài ra, tăng cường năng lực xây dựng chính sách toàn diện là nền tảng cho các hoạt động và mục tiêu của VAC, bao gồm hỗ trợ các lãnh đạo nữ tương lai thông qua Hành trình Hỗ trợ Phụ nữ trong Lãnh đạo.
Thùy Chi