Hà Nội
Chuyển đổi số trong theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao
(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ đã tập trung vào việc hiện đại hoá phương thức chỉ đạo điều hành; xử lý công việc chuyển dần sang môi trường điện tử thông qua việc triển khai các nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hiện đại hoá phương thức chỉ đạo điều hành qua các hệ thống thông tin
Theo quy định tại Nghị định số 79/2022/NĐ-CP ngày 06/10/2022, Văn phòng Chính phủ (VPCP) là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, VPCP đã tích cực chuyển đổi số trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng chính phủ giao.
Để thực hiện được chức năng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước, một nhiệm vụ quan trọng là "giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết nhằm đôn đốc thực hiện, khắc phục tồn tại, hạn chế, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước".
Nhận thức tầm quan trọng của thông tin, dữ liệu, những năm vừa qua được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, VPCP đã tập trung vào việc hiện đại hoá phương thức chỉ đạo điều hành, xử lý công việc chuyển dần sang môi trường điện tử thông qua việc triển khai các nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được xây dựng, phát triển và phát huy hiệu quả như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối với 100% các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao. Từ năm 2021 đến nay, đã có khoảng 28,7 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục, riêng trong năm 2023 là 11 triệu văn bản điện tử.
Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia đến nay đã có 69/179 chế độ báo cáo được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Trung thâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của 15 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63 địa phương để cung cấp thông tin, dữ liệu với 338 chỉ tiêu, trong đó 38 chỉ tiêu là thông tin trực tuyến, đặc biệt đã hình thành 04 bộ chỉ số điều hành; thống kê; theo dõi, giám sát kinh tế-xã hội địa phương.
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) từ năm 2021 đến nay đã phục vụ 88 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và xử lý hơn 2.000 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ giúp thay thế hơn 676 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy, riêng trong năm 2023 đã phục vụ 22 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và xử lý 532 phiếu lấy ý kiến (thay thế hơn 162 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy); Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (Hệ thống theo dõi nhiệm vụ).
Hệ thống theo dõi nhiệm vụ: Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, địa phương
Trong các hệ thống nêu trên, Hệ thống theo dõi nhiệm vụ là công cụ kỹ thuật số phục vụ việc cập nhật, quản lý, giám sát, kiểm soát tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhằm bảo đảm hiệu lực chỉ đạo điều hành, tính thống nhất trong triển khai các nhiệm vụ, công việc trong hệ thống hành chính và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, cơ quan và địa phương.
Thông qua dữ liệu trên hệ thống, Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có góc nhìn trực quan, cập nhật, chính xác về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương. Dữ liệu chi tiết tới các cấp đơn vị và chuyên viên chủ trì xử lý, theo dõi trên Hệ thống theo phân cấp quản lý của các Bộ, ngành, địa phương.
Xếp hạng tình hình thực hiện nhiệm vụ tại các bộ, ngành
Hệ thống theo dõi nhiệm vụ là một hợp phần quan trọng trong kiến trúc chính phủ điện tử tại Văn phòng Chính phủ, có kết nối trực tiếp với các hệ thống tại Văn phòng Chính phủ như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) và kết nối với Hệ thống của các bộ, ngành, địa phương qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Quy trình nghiệp vụ chính của Hệ thống gồm 3 bước chính như sau: Đơn vị soạn thảo văn bản thuộc Văn phòng Chính phủ chỉ đạo, điều hành cập nhật các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương phân công thực hiện và cập nhật thông tin, tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các đơn vị, cá nhân trực thuộc và phê duyệt báo cáo gửi đi khi nội dung nhiệm vụ được cập nhật. Trường hợp thông tin nhiệm vụ không chính xác (như nhiệm vụ giao không đúng thẩm quyền, thời hạn), bộ, ngành, địa phương gửi lại VPCP để cập nhật thông tin nhiệm vụ giao.
Nhiệm vụ hoàn thành khi được đơn vị theo dõi nhiệm vụ tại Văn phòng xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Hệ thống theo dõi nhiệm vụ được triển khai trên toàn quốc từ cuối năm 2014, sau khoản 1 năm đã triển khai thí điểm trong VPCP, theo quy trình nghiệp vụ được tại Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Tới tháng 12/2022, VPCP đã thực hiện nâng cấp Hệ thống phiên bản 2.0 nhằm đáp ứng một số yêu cầu như: Mở rộng triển khai hệ thống trên mạng Truyền số liệu chuyên dùng của Chính phủ tới các cơ quan, đơn vị, cá nhân trực thuộc bộ, cơ quan, địa phương; bảo đảm thông tin tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương bằng dữ liệu theo thời gian thực thông qua các biểu đồ, giao diện trực quan đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ giao chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượngbảo đảm hệ thống triển khai an toàn, bảo mật, sử dụng tài khoản cán bộ, công chức đăng ký qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; mở rộng, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, cơ quan, đơn vị.
Kết quả thực hiện năm 2023 cho thấy, các đơn vị thuộc VPCP đã cập nhật trên 5.650 văn bản chỉ đạo, điều hành trong tổng số trên 21.000 văn bản phát hành (không bao gồm văn bản mật) với tổng số trên 18.950 nhiệm vụ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó có trên 9.630 nhiệm vụ đã hoàn thành và được xác nhận (chiếm 50,82%); trên 7.350 nhiệm vụ đang thực hiện còn trong hạn (chiếm 38,80%); trên 1.960 nhiệm vụ chưa hoàn thành bị quá hạn (chiếm 10,38%).
Tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, địa phương (toàn quốc) trong năm 2023
Theo Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản hướng dẫn kỹ thuật và thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ với Hệ thống thông tin của Đài Truyền hình Việt Nam và 18/63 tỉnh, thành phố với Hệ thống của Văn phòng Chính phủ để hình thành Hệ thống theo dõi nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Trong thời gian tới, theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ sẽ thực hiện một số biện pháp để nâng cấp hệ thống đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ và kỹ thuật mới như: Hoàn thiện hệ thống đáp ứng việc quản lý, cập nhật, theo dõi các nhiệm vụ, đề án thuộc Chương trình công tác năm, quý, tháng của Chính phủ.
Bổ sung chức năng để các bộ, ngành, địa phương cập nhật, quản lý các nhiệm vụ do Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên Hệ thống Hệ thống theo dõi nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với những cơ quan chưa có phân hệ hoặc phân hệ chưa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống bảo đảm thân thiện với người dùng, hoạt động thông suốt, an toàn, bảo mật 24/7; cung cấp các báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương bằng dữ liệu theo thời gian thực phục vụ các cuộc họp của Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương.
Đình Lợi