Hà Nội
Hỗ trợ phụ nữ trong vai trò lãnh đạo: Thúc đẩy bình đẳng, đa dạng, công bằng trong môi trường làm việc
(Chinhphu.vn) - Thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập là một trong những mục tiêu quan trọng trong quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện của chính phủ Việt Nam và Australia. Một trong những chương trình trọng điểm hiện thực hóa mục tiêu này là Hành trình Hỗ trợ phụ nữ trong vai trò lãnh đạo (Women in Leadership Journey - WILJ), được triển khai từ năm 2017 thông qua Aus4Skills và Trung tâm Việt – Úc.

Năm 2025, Chính phủ Australia đã công bố Chiến lược Bình đẳng giới quốc tế, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của mình trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em gái, và các nhóm yếu thế trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Chính phủ Australia đã hỗ trợ xây dựng Chiến lược Bình đẳng giới 2022–2027, nhằm hướng tới một xã hội công bằng và hòa nhập, và xây dựng một môi trường nơi mọi người đều được sống, làm việc, và phát triển với sự tôn trọng và phẩm giá.
Hành trình WILJ được thiết kế với một lộ trình toàn diện gồm 5 bước đào tạo trong 9 tháng, với những cuộc hội thảo, tọa đàm về các chủ đề chuyên sâu trong lĩnh vực Bình đẳng giới và hòa nhập, những chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế các mô hình hỗ trợ phụ nữ, người khuyết tật và các nhóm yếu thế khác, chương trình học tập chuyên sâu qua 4 thành phố lớn: Sydney, Canberra, Melbourne và Perth ở Australia và hội thảo tổng kết tại Hà Nội. Trong khuôn khổ chương trình, mỗi học viên sẽ thực hiện một dự án ứng dụng tạo tác động trực tiếp đến công tác bình đẳng giới và hòa nhập ở tổ chức hoặc trong cộng đồng.
Bước 3 của khóa học WILJ lần thứ 7 (WILJ7), do Đại học Curtin của Australia tổ chức từ ngày 8 đến 10/5/2025, là hoạt động quan trọng, giúp học viên khám phá và quan sát cách vận dụng các nguyên lý về bình đẳng giới và hòa nhập vào thực tiễn Việt Nam. Cốt lõi của chương trình là phương pháp tiếp cận liên tầng – nhấn mạnh đến sự giao thoa giữa các yếu tố như giới, dân tộc, khả năng, văn hóa, giáo dục và hoàn cảnh gia đình, xã hội trong việc phân tích bất bình đẳng một cách đa chiều, phản ánh tính phức tạp và đa dạng của các trải nghiệm cá nhân.

Đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cùng các học viên tham gia hội thảo về Chỉ số lãnh đạo nữ trong khu vực công
Ở hoạt động mở đầu, học viên được trang bị nền tảng lý thuyết về khái niệm liên tầng thông qua ví dụ điển hình là Dự án GREAT – sáng kiến do Đại sứ quán Australia tài trợ nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Sơn La và Lào Cai. Dự án không chỉ thúc đẩy sinh kế mà còn khuyến khích phụ nữ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị nông nghiệp, hướng đến mô hình phát triển toàn diện, bền vững và bao trùm.
Tiếp theo, đoàn học viên đến thăm HopeBox – doanh nghiệp xã hội hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Tại đây, học viên được tìm hiểu sâu về mô hình doanh nghiệp xã hội hướng đến phát triển bền vững của Hopebox và tham gia trải nghiệm các hoạt động thực tế tại doanh nghiệp.
Một trong những điểm sáng của Bước 3 là việc tiếp cận Chỉ số lãnh đạo nữ trong khu vực công, do Tiến sĩ Lương Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Quyền Phụ nữ (GWR), chủ trì. Công cụ này giúp đo lường tiến độ thực hiện bình đẳng giới tại các cơ quan nhà nước, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong việc xây dựng môi trường làm việc công bằng và đa dạng.
Hoạt động cuối của Bước 3 tập trung vào thực hành – cung cấp cho học viên các công cụ như mô hình SMART và phương pháp đánh giá tác động cho việc thiết kế và triển khai dự án ứng dụng của học viên trong khóa học. Những kỹ năng này giúp học viên chuyển hóa kiến thức thành hành động cụ thể và hiệu quả.

Nam học viên tham gia thảo luận về chủ đề thiên kiến giới và lồng ghép giới do PGS Samantha Owen, TS Nguyễn Thu Thủy Tiên, và TS Lương Thu Hiền trình bày.
Đáng chú ý, với nhận thức rằng bình đẳng giới và hòa nhập là trách nhiệm không chỉ của phụ nữ mà còn là của tất cả mọi người, ở Bước 3, chương trình đã tích cực kết nối các nhà lãnh đạo nam tham gia vào các hoạt động quan trọng nhằm nâng cao kiến thức, mạng lưới, và đồng minh cho công cuộc bình đẳng giới và hòa nhập. Ngoài các buổi hội thảo cốt lõi về "Tính liên tầng" và "Chỉ số lãnh đạo nữ trong khu vực công", nam lãnh đạo tham gia Bước 3 còn tham gia hai buổi hội thảo dành riêng cho nam giới về các chủ đề "Giới và thiên kiến giới", và "Hiểu về Giới và Lồng ghép giới". Thông qua các cuộc thảo luận này, chương trình kêu gọi nam giới cùng đồng hành trong tiến trình phá bỏ định kiến và đồng kiến tạo môi trường làm việc bình đẳng và bao trùm hơn.
Trải qua 7 khóa học, Hành trình Hỗ trợ phụ nữ trong vai trò lãnh đạo đã quy tụ 144 nữ lãnh đạo đến từ khu vực công và các tổ chức liên quan, giúp hình thành một mạng lưới các nhà lãnh đạo nữ năng động, có ảnh hưởng rộng khắp trong nhiều lĩnh vực. WILJ là minh chứng sinh động cho cam kết bền bỉ của Chính phủ Australia trong việc hợp tác với Việt Nam nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển năng lực lãnh đạo và bảo vệ quyền của phụ nữ và các nhóm yếu thế. Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ nâng cao kỹ năng, chương trình còn mở ra một không gian học tập quốc tế đầy cảm hứng, góp phần xây dựng môi trường làm việc công bằng và hòa nhập.