Hà Nội

Việt Nam-Singapore chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi khu vực công trong thời đại 4.0

(Chinhphu.vn) - Hội thảo trực tuyến với chủ đề: Chuyển đổi khu vực công trong thời gian cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm góp phần để Việt Nam và Singapore đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm quản lý, các sáng kiến, nền tảng trong chuyển đổi số trên 3 trụ cột, gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

21/02/2023 10:59
Việt Nam-Singapore chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi khu vực công trong thời đại 4.0 - Ảnh 1.

Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam (bên phải) và Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan tại hội thảo - Ảnh: VGP/Quang Thương

Sáng 21/2, tại Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ (VPCP) phối hợp với Học viện Hành chính quốc tế Singapore và Quỹ Temasek tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề: Chuyển đổi khu vực công trong thời gian cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại đầu cầu VPCP, hội thảo có sự tham dự của Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam; ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP); đại diện các Bộ, cơ quan và các Vụ, cục, đơn vị của VPCP. Tại đầu cầu Singapore, hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia Trường Chính sách công Lý Quang Diệu; Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm, Singapore…

Chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp

Thừa Ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, chủ trì và hát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Singapore ngày càng phát triển tốt đẹp. Việt Nam và Singapore đã trở thành đối tác chiến lược, tin cậy, hợp tác toàn diện trên nhiều mặt chính trị, đối ngoại, kinh tế, đầu tư. Việc đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực mà Singapore có thế mạnh sẽ giúp Việt Nam phát triển ngày càng bền vững.

Mới đây, trong chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại buổi hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 09/02/2023, hai bên đã nhất trí xem xét nâng cấp cơ chế hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh tình hình mới. Một trong số này là thiết lập quan hệ Đối tác kinh tế số, kinh tế xanh Việt Nam - Singapore.

Theo đó, Việt Nam và Singapore sẽ đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm quản lý, các sáng kiến, nền tảng trong chuyển đổi số trên 3 trụ cột, gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Phía Singapore sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực ưu tiên, như quản lý dân cư, tài chính ngân hàng, đất đai, thương mại điện tử...

Việt Nam-Singapore chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi khu vực công trong thời đại 4.0 - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: VGP/QT

Ông Ngô Hải Phan chia sẻ, hiện nay xu hướng hợp tác phát triển, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra thời cơ và thách thức yêu cầu các quốc gia đẩy nhanh quá trình đổi mới công tác quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành các Chương trình, Chiến lược quốc gia quan trọng như Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện một số chủ trương, chính sách tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số…

Việc thực hiện chuyển đổi số của Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào: Thứ nhất là chỉ đạo, điều hành, hoạt động trong nội khối cơ quan nhà nước và thứ hai là trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, VPCP đã đẩy mạnh việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đồng thời đưa vào vận hành các nền tảng quan trọng phục vụ hiện đại hóa phương thức hoạt động như Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực và thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đã phát triển các công cụ kỹ thuật số để đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Bên cạnh đó, để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là một yêu cầu cấp bách, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, công chức tại Văn phòng Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương.

Việt Nam-Singapore chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi khu vực công trong thời đại 4.0 - Ảnh 3.

Hội thảo trực tuyến với chủ đề: Chuyển đổi khu vực công trong thời gian cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh: VGP/QT

Singapore luôn giữ cam kết hỗ trợ cho quá trình phát triển của Việt Nam

Phát biểu chào mừng hội thảo, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam cũng nhấn mạnh, năm 2023 đánh dấu 2 dốc mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore. Thứ nhất, hai bên đang tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Singapore; thứ hai là kỷ niêm 10 năm quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia.

Theo Đại sứ Jaya Ratnam, nền tảng quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam - Singapore là quan hệ chặt chẽ trong phát triển nguồn nhân lực. Cả hai quốc gia đều đặt quan tâm cao về phát triển nguồn nhân lực, coi đây là yếu tố chính, quan trọng trong mối quan hệ phát triển giữa hai quốc gia, thông qua đó triển khai các chương trình hợp tác giữa hai nước. Đã có khoảng hơn 1.000 cán bộ Việt Nam được đào tạo qua trương chình này.

Cũng theo Đại sứ, Singapore luôn giữ cam kết để hỗ trợ cho quá trình phát triển của Việt Nam để phát triển thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Cả Singapore và Việt Nam đều có những thách thức về nền hành chính công, trong bối cảnh này, cả hai quốc gia đều cần thay đổi và thích nghi liên tục, tận dụng thế mạnh để học hỏi lẫn nhau, hỗ trợ nhau giải quyết những thách thức chung, nhằm phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Trong đó có sự hợp tác về kỹ thuật số, công nghệ số, năng lượng, phát triển hạ tầng, đổi mới sáng tạo…

Tại hội thảo, Cục Kiểm soát TTHC đã chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam trong xây dựng, thực hiện và cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, trải qua nhiều giai đoạn cải cách TTHC, đến nay, triển khai Quyết định số 468/QĐ-TTg và Nghịa đinh số 107/2021/NĐ-CP mục tiêu hướng tới chỉ cung cấp thông tin, giấy tờ một lần; thực hiện TTHC khoogn phụ thuộc địa giới hành chính; tự động hóa trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; chỉ đạo, điều hành bằng dữ liệu theo thời gian thực.

Theo đó, một số chỉ tiêu về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử (Phụ lục III Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/01/2023) là: Số lượng thu nhận hồ sơ tài khoản định danh điện tử cấp cho người dân 40 triệu; Tỷ lệ người dân có sử dụng dịch vụ công trực tuyến 20%; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước bình quân cả nước (SIPAS) 87,7; Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 40%; Tỷ lệ kết quả xử lý hồ sơ TTHC của bộ, ngành, địa phương được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 100%...

PGS. TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu chia sẻ tại hội thảo về cách mạng công nghiệp 5.0: Tác động, thách thức và cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách; Cơ hội và thách thức đối với các quốc gia trong thế giới phát triển nhanh và đột phà và ý nghĩa đối với các nhà hoạch định chính sách.

Tại hội thảo, bà Loh Woon Sien, Giám đốc chiến lược và kinh tế số, Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm, Singapore cũng chia sẻ về tạo dựng Hệ sinh thái cho nền kinh tế số và xây dựng một xã hội hòa nhập; tổng quan về các sáng kiến quốc gia thông minh của Singapore; cách tiếp cận của Singapore đối với nền kinh tế số và các sáng kiến thúc đảy hòa nhập kinh tế số.

Theo ông Ngô Hải Phan, hội thảo nhằm chia sẻ các kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia Singapore trong chuyển đổi khu vực công trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; các khuyến nghị hữu ích từ phía các bạn chuyên gia đối với thực trạng của Việt Nam. Các đại diện Việt Nam cũng trao đổi, chia sẻ về các khó khăn, vướng mắc của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để cùng nhau thảo luận, tìm cách tháo gỡ.

Gia Huy

Top