Hà Nội

Khung Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành: Từ điều hành theo truyền thống sang điều hành bằng dữ liệu

(Chinhphu.vn) - Xây dựng Khung Bộ chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành để thông tin chính xác, kịp thời; làm tăng thêm tính chính xác trong công tác quản lý; tăng trách nhiệm giải trình của cá nhân, cơ quan và nâng cao trách nhiệm quản lý của các cấp trong chỉ đạo, điều hành.

05/01/2023 13:27
Khung Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành: Từ điều hành theo truyền thống sang điều hành bằng dữ liệu - Ảnh 1.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: VGP/Gia Huy

Ngày 5/1, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội thảo tham vấn về: Xây dựng Khung Bộ chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ; đại diện 18 tỉnh, thành phố… Hội thảo có sự hỗ trợ của dự án "Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa" (Dự án LinkSME).

Nâng cao trách nhiệm quản lý của các cấp trong chỉ đạo, điều hành

Được sự Uỷ quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) nhấn mạnh, việc quản trị, điều hành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này để giúp các nhà lãnh đạo các cấp trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Theo ông Ngô Hải Phan, mục tiêu của hội thảo nhằm nhìn lại một số việc trong thời gian qua VPCP đã triển khai nhằm thay đổi thói quen từ điều hành truyền thống sang điều hành dựa trên dữ liệu. Từ những định hướng của Chính phủ, VPCP đã cố gắng tìm hướng đi và bước đầu có kết quả nhất định. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu, triển khai nội dung này cần sự đồng hành của các Bộ, ngành, địa phương.

Từ đó, hội thảo sẽ trao đổi, tìm ra bài học kinh nghiệm, từ đó giúp xây dựng Khung Bộ chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành nhằm triển khai trong toàn bộ cơ quan trọng hệ thống hành chính Nhà nước trên toàn quốc.

Khung Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành: Từ điều hành theo truyền thống sang điều hành bằng dữ liệu - Ảnh 2.

Hội thảo tham vấn về: Xây dựng Khung Bộ chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước - Ảnh: VGP/Gia Huy

Đại diện cho nhóm chuyên gia tư vấn, GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái chia sẻ về một số vấn đề xây dựng khung chỉ đạo, điều hành (tập trung vào bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành cấp toàn quốc, cấp ngành và cấp địa phương). Theo GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái, đây là vấn đề mới nhưng rất cần thiết, bởi kinh tế-xã hội đã phát triển đòi hỏi sự chỉ đạo, điều hành chuyển từ phương thức truyền thống sang điều hành bằng dữ liệu. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi, xây dựng Khung Bộ chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cần sự chung tay, góp sức của các Bộ, ngành, các cơ quan.

Yêu cầu đặt ra ở bước đi trước mắt là hình thành Khung Bộ chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, làm rõ sự khác biệt giữa thông tin thống kê và thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành và địa phương.

Về sự cần thiết phải chỉ đạo điều hành bằng dữ liệu, hình thành Khung Bộ chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái nêu lên 4 nội dụng chính, đó là xu hướng xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng, có thông tin chính xác, kịp thời, đáng tin cậy từ thực tiễn là yếu tố cơ bản để đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả và hiệu lực của chính sách đề ra.

Thứ hai là tình hình kinh tế-xã hội ngày càng biến động rất nhanh chóng, các phương pháp chỉ đạo, điều hành truyền thống không ứng phó kịp, đòi hỏi cần có những thông tin nhanh, nhạy và chính xác hơn. 

Thứ ba là thành tựu của lĩnh vực CNTT cho phép cung cấp thông tin theo thời gian thực, sự phát triển của CNTT cho phép cập nhật rất nhanh tình hình ngay khi các sự kiện, hiện tượng diễn ra. 

Thứ tư là thông tin điều hành vừa là sự bổ sung quan trọng cho các thông tin thống kê, vừa tăng cường thêm sự nhất quán giữa các nguồn số liệu, làm tăng thêm tính chính xác trong chỉ đạo, điều hành.

Theo đó, để nâng cao trách nhiệm quản lý của các cấp trong chỉ đạo, điều hành, một hệ thống theo dõi, giám sát và báo cáo xuyên suốt từ dưới lên trên được liên kết tự động qua hệ thống CNTT sẽ làm tăng trách nhiệm giải trình của cá nhân, cơ quan điều hành, tránh xu hướng lấy lý do không biết để lảng tránh trách nhiệm.

Cũng theo GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái, Hệ thống thông tin điều hành với Hệ thống thông tin thống kê đều phải dựa trên một cơ sở thống nhất về khái niệm, ý nghĩa kinh tế, phạm vi đo lường, phương pháp/cách thức thu thập và đầu mối ban đầu chịu trách nhiệm thu thập thông tin.

Hai hệ thống thông tin này không loại trừ lẫn nhau, ngược lại có tính chất bổ sung lẫn cho nhau. Đây đều là các nguồn thông tin chính thức được các bên có thẩm quyền cung cấp và thông báo, với mức độ chính xác và tin cậy có thể khác nhau (phụ thuộc thời gian, tình huống, đối tượng). Có nhiều dữ liệu được sử dụng chung cho cả mục tiêu thống kê lẫn mục tiêu chỉ đạo, điều hành, dẫn đến nhiều khi rất khó phân biệt thành hai loại thông tin.

Về quá trình xây dựng, GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái cho biết, đây là sản phẩm chưa có tiền lệ, do đó cần xây dựng mới hệ thống, cần sự tham gia tích cực và chủ động của các Bộ, ngành, địa phương. Khung thông tin điều hành cần được phân kỳ, tần suất thu thập dưới 1 tháng, hàng tháng, quý, 6 tháng và năm. Khung hệ thống thông tin điều hành cần phân định rõ các thông tin liên quan việc chỉ đạo điều hành theo thời gian thực (online) hoặc báo cáo định kỳ theo phạm vi tuần, ngày để thiết kế phù hợp, gắn với sử dụng thông tin thống kê.

Khung Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành: Từ điều hành theo truyền thống sang điều hành bằng dữ liệu - Ảnh 3.

Đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: VGP/Gia Huy

Quản trị thực thi công việc trên các nền tảng số

Tại hội thảo, các Bộ, địa phương đã chia sẻ về kinh nghiệm vận hành hệ thống phục vụ sự chỉ đạo, điều hành tại các Bộ, địa phương.

Như tại Bộ Tài chính, Chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) được xây dựng phân tổ theo nhiều lớp phục vụ cho nhu cầu của từng đối tượng quản lý. Ví dụ đối với chỉ tiêu về thu Ngân sách Nhà nhước, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Chính phủ quan tâm đến các số liệu tổng quát như tổng thu Ngân sách, thu Ngân sách Trung ương, thu Ngân sách địa phương. Đối với lãnh đạo Tổng cục thuế cũng quan tâm đến các số liệu chi tiết hơn (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuê giá trị gia tăng). Để xây dựng các chỉ số KPI, Bộ Tài chính phải tiến hành khảo sát và làm việc với từng đơn vị nghiệp vụ để xác định nhu cầu.

Về việc xây dựng các chế độ báo cáo định kỳ, để triển khai điện tử hóa các chế độ báo cáo trong ngành Tài chính thì việc đầu tiên Bộ Tài chính cần triển khai chính là ban hành danh mục chế độ báo cáo định kỳ và danh mục chế độ báo cáo cần điện tử hóa.

Hiện nay, hệ thống của Bộ Tài chính đã cung cấp các dữ liệu trong các lĩnh vực như tổng thu, tổng chi Ngân sách, thu chi Ngân sách Trung ương, thu chi Ngân sách địa phương, thu chi theo loại hình như thu nội địa, dầu thô, thu xuất nhập khẩu, thu viện trợ, chỉ số chứng khoán, trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu, cán cân thương mại, thu theo sắc thuế, thu theo khu vực. Phần lớn các dữ liệu của Bộ Tài chính đều được cung cấp với tần suất theo ngày, với Chứng khoán cung cấp 3 phút/lần để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Chính phủ.

Còn với Bộ Y tế, nguyên tắc xây dựng hệ thống của Bộ là Bộ chỉ số được thiết lập trên cơ sở Khung giám sát hệ thống y tế; kết hợp giữa các chỉ số sẵn có trong nước và tham khảo các chỉ số báo cáo y tế của WHO; với mục tiêu thiết lập bộ chỉ số cơ bản, toàn diện về các lĩnh vực của hệ thống y tế, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó dựa trên các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao cho Bộ Y tế; các chỉ số liên quan đến Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); các chỉ số thống kê thường kỳ; các chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành tại Bộ Y tế.

Về phía địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết Thành phố đã triển khai Hệ thống quản trị thực thi công việc của UBND Thành phố trên các nền tảng số. Triển khai chức năng Trung tâm điều hành thông minh TP HCM liên thông kết nối với Hệ thống chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ. Tích hợp thông tin, xây dựng Kho dữ liệu tổng hợp phục vụ thống kê, phân tích, dự báo và hỗ trợ ra quyết định…

Đối với việc theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gồm 19 chỉ tiêu, dữ liệu của TP HCM được cập nhật hàng tháng theo báo cáo kinh tế - xã hội của UBND. Hiện nay, TP HCM thực hiện thí điểm với 5 sở, ngành về dữ liệu (được cập nhật hàng tháng): Tài Chính, Kế hoạch Đầu tư, Giao thông Vận tải, Công thương, Du lịch.

Tháng 10/2022, Thành phố đã ra mắt Hệ thống giải quyết Thủ tục hành chính của Thành phố, tích hợp cổng Dịch vụ công Quốc gia trên cơ sở thay thế các phần mềm một cửa riêng lẻ tại các đơn vị trên địa bàn Thành phố. Đến cuối năm 2022, Thành phố đã hoàn tất kế hoạch giai đoạn 1 chuyển tiếp từ hệ thống một cửa cũ đối với 100% thủ tục hành chính được UBND phê duyệt đủ điều kiện và 377 dịch vụ công trực tuyến.

Hệ thống giám sát thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố hiện đã vận hành, liên thông kết nối từ Hệ thống quản lý văn bản điều hành, theo dõi tình hình kết quả xử lý nhiệm vụ của Lãnh đạo UBND Thành phố và nhắc nhở bằng tin nhắn SMS cho 95 đơn vị trên địa bàn Thành phố; nhắc việc khi giao nhiệm vụ cho đơn vị xử lý; nhắc việc khi thời hạn xử lý nhiệm vụ còn 01 ngày; nhắc việc khi thời hạn xử lý nhiệm vụ còn 3 ngày; nhắc việc hằng tuần vào thứ 2 đầu tuần thông tin số việc còn tồn của từng đơn vị thực hiện.

Tại tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2020 đến nay, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới điều hành trên dữ liệu số. Đến nay, nền tảng số kết nối của tình đã đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở: Hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống thông tin giải quyết TTHC; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; trục liên thông văn bản điện tử; cổng thông tin điện tử; nền tảng họp trực tuyến, các nền tảng và ứng dụng trong y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp

Hệ thống báo cáo của tỉnh Lâm Đồng đã có 100% chế độ báo cáo riêng của tỉnh đều được dựng lên hệ thống, 08 chỉ tiêu kinh tế xã hội đã kết nối ra hệ thống của Chính phủ.

Gia Huy

Top