Hà Nội

Phát huy vai trò ‘cầu nối’ giữa Chính phủ với doanh nghiệp và người dân

(Chinhphu.vn) - Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, hằng năm, Việt Nam phấn đấu rà soát, bãi bỏ tối thiểu 5% điều kiện đầu tư, kinh doanh không hợp pháp hoặc không còn phù hợp thực tiễn để bảo đảm đến năm 2030 bãi bỏ tối thiểu 30% điều kiện đầu tư, kinh doanh so với năm 2024. Việc này đang được Hội đồng tư vấn phối hợp với các Bộ ngành, địa phương quyết liệt triển khai.

08/11/2024 17:07
Phát huy vai trò ‘cầu nối’ giữa Chính phủ với doanh nghiệp và người dân- Ảnh 1.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/GO

Ngày 8/11, tại Vĩnh Phúc, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực của các cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Hội đồng tư vấn).

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, các cán bộ đầu mối của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính, các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cùng các chuyên gia tham dự trực tuyến từ Australia.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế. Chính phủ xác định, cải cách TTHC phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Cải cách TTHC có tác động to lớn đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. 

Thông qua việc cải cách TTHC sẽ gỡ bỏ những rào cản về TTHC đối với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC.
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan

Vì thế, hội nghị tập huấn là dịp để các cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn có cơ hội nâng cao kỹ năng triển khai các nhiệm vụ chính của Hội đồng. Đây là những kỹ năng quan trọng mà các Ban công tác, các cơ quan thành viên cần nắm vững để có thể triển khai hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng trong thời gian tới.

Phát huy vai trò ‘cầu nối’ giữa Chính phủ với doanh nghiệp và người dân- Ảnh 2.

Bà Cherie Russell, Tham tán Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/GO

Đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, bà Cherie Russell, Tham tán Hợp tác phát triển cho biết, tháng 3/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Australia đã cùng công bố nâng cấp mối quan hệ song phương giữa Việt Nam - Australia lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Cũng như nhiều quốc gia khác, Australia tiến hành cải cách hành chính mạnh mẽ mà trọng tâm là cải cách nền công vụ, được thể hiện qua các chương trình cải cách từng giai đoạn, theo mỗi lĩnh vực cụ thể. Hai Chính phủ cũng như hai nước đã có những kết quả hợp tác đáng ghi nhận, trong đó có việc hợp tác về cải cách TTHC. "Chúng tôi tin tưởng rằng, việc hợp tác trong cải cách TTHC sẽ đem đến cho Việt Nam và Australia những điều kiện thuận lợi để hai bên cùng tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả, thông thoáng cho doanh nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng đời sống của người dân", bà Cherie Russell nhấn mạnh.

Phát huy vai trò là "cầu nối" hiệu quả trong cải cách TTHC

Ông Ngô Hải Phan cho biết, nhận thấy tầm quan trọng của việc cải cách TTHC, năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay Tổ trưởng Tổ công tác là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Tổ phó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Thứ trưởng Bộ Công an.

Đồng thời kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng tư vấn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, các Phó Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT và Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, VPCP.

10 tháng đầu năm, với nhiều phiên họp và việc bắt tay phối hợp trong việc cải cách TTHC, một số kết quả đã đạt được rất tích cực. Cụ thể, đã cắt giảm, đơn giản hóa 356 quy định kinh doanh (QĐKD) tại 31 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (nâng tổng số QĐKD được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay lên 3.131 QĐKD tại 272 VBQPPL); phân cấp 160 TTHC tại 29 VBQPPL (nâng tổng số TTHC được phân cấp từ năm 2022 đến nay lên 316/699 TTHC tại 62 VBQPPL, đạt 51,5%); đơn giản hóa 279 TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư tại 30 VBQPPL (nâng tổng số TTHC được đơn giản hóa lên 860/1.084 TTHC, đạt 79%).

Đối với việc thực hiện cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương cho thấy, gần 4,5 nghìn dịch vụ công trực tuyến, chiếm hơn 70% tổng số TTHC được công bố, công khai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của các bộ, ngành đạt 51,42% (tăng 22% so với năm 2023), địa phương đạt 58,84% (tăng 14,77% so với năm 2023). Tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC cũng như số hóa hồ sơ đều đạt kết quả tích cực.

Đặc biệt, mức độ hài lòng của doanh nghiệp và người dân đối với việc cung cấp dịch vụ của địa phương đạt 93,31%. Đây là điều đáng ghi nhận trong công tác thực hiện TTHC.

Mục tiêu từ năm 2025 đến 2030, Việt Nam phấn đấu giảm tối thiểu 30% giấy phép; giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính nội bộ trong hoạt động cấp phép; 100% thông tin, giấy tờ, tài liệu trong thủ tục cấp phép chỉ cung cấp một lần cho cơ quan nhà nước; đồng thời số hóa, cung cấp 100% thủ tục hành chính về cấp phép trên môi trường điện tử. Đây là những mục tiêu mà cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân hết sức quan tâm và đồng lòng ủng hộ.

Chia sẻ về Mô hình Hội đồng tư vấn - Góc nhìn từ Australia

Tại hội nghị, chia sẻ về Mô hình Hội đồng tư vấn ở Australia, với sự điều phối của ông Quentin Derrick, Giám đốc Trung tâm quốc tế Việt - Úc, diễn giả bà Kelly Wood, Vụ trưởng Vụ Cải cách quy định dịch vụ công, Bộ Tài chính Australia cho biết, Chính phủ Australia luôn xác định, muốn Hội đồng tư vấn của Chính phủ Australia hoạt động hiệu quả thì trước tiên Hội đồng phải có cơ cấu tổ chức phù hợp; có sự phối hợp chặt chẽ từ cấp Trung ương đến địa phương; các báo cáo mà Hội đồng gửi lên cấp trên phải phù hợp với nhu cầu, đề bài mà cấp trên yêu cầu. Đồng thời Hội đồng cũng thường xuyên có các cuộc làm việc và thảo luận với lãnh đạo các Bộ, các hiệp hội ngành nghề để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của họ.

Phát huy vai trò ‘cầu nối’ giữa Chính phủ với doanh nghiệp và người dân- Ảnh 3.

Với sự điều phối của ông Quentin Derrick, Giám đốc Trung tâm quốc tế Việt - Úc, các diễn giả chia sẻ thông tin về CCHC ở Australia. Ảnh: VGP/GO

Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Layton Pike - Giám đốc Quốc tế, RMIT, cho biết: Chính phủ Australia có các cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp nêu ra những vấn đề, khó khăn mà họ gặp phải, nhất là các vấn đề liên quan đến chính sách và TTHC. Đồng thời Hội đồng tư vấn của Australia cũng luôn lắng nghe, có sự trao đổi nhiều chiều liên quan đến việc ban hành chính sách và các TTHC.

Giáo sư Ken Smith, nguyên Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Chính phủ Australia và New Zealand thông tin, trước khi ban hành một chính sách hay TTHC nào đó, các cấp lãnh đạo sẽ xem xét các chính sách đó tác động đến xã hội đến đâu. Khi chính sách hay TTHC đi vào cuộc sống thì cần cải tiến điều gì để cho phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, Australia có một cơ quan độc lập để đánh giá tác động của các chính sách, TTHC này.

Những kết quả mà Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đạt được trong thời gian qua là đáng ghi nhận, đồng thời mong muốn hoạt động cải cách TTHC ở Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Giáo sư Ken Smith

Tại hội nghị, các diễn giả cũng chia sẻ thêm, tại Australia, các lĩnh vực cải cách đều được thúc đẩy và triển khai từ phía các cơ quan liên bang, các quan chức cấp thứ trưởng, vụ trưởng... trong việc giám sát các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của toàn bộ nền công vụ. Kế hoạch cải cách này đặt người dân ở vị trí trung tâm của mục tiêu cải cách dịch vụ công, hướng tới một nền công vụ tốt nhất thế giới. Chính phủ Australia đã thông qua Kế hoạch cải cách từ năm 2010, Văn phòng Thủ tướng và nội các chịu trách nhiệm chính và đóng vài trò quan trọng trong quá trình triển khai và thực hiện kế hoạch này.

Phát huy vai trò ‘cầu nối’ giữa Chính phủ với doanh nghiệp và người dân- Ảnh 4.
Phát huy vai trò ‘cầu nối’ giữa Chính phủ với doanh nghiệp và người dân- Ảnh 5.

Đại diện các Ban của tổ công tác hướng dẫn kỹ năng tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Ảnh: VGP/GO

Giáo sư Ken Smith cho rằng, hoạt động cải cách TTHC ở Việt Nam và Australia có nhiều điểm giống nhau. Chính phủ mỗi nước đều hướng đến việc đơn giản hóa TTHC, cắt giảm những TTHC không cần thiết để tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Giáo sư Ken Smith đánh giá cao những kết quả mà Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đạt được trong thời gian qua, đồng thời mong muốn hoạt động cải cách TTHC ở Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Chia sẻ quan điểm về phía Việt Nam, ông Ngô Hải Phan khẳng định, hoạt động cải cách TTHC ở Việt Nam không chỉ dành cho doanh nghiệp Việt Nam mà còn dành cho doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đang có ý định đầu tư, kinh doanh vào Việt Nam. Ông Phan dẫn chứng, hiện nay hàng năm, Việt Nam phấn đấu rà soát, bãi bỏ tối thiểu 5% điều kiện đầu tư, kinh doanh không hợp pháp hoặc không còn phù hợp thực tiễn hoặc can thiệp sâu vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, để bảo đảm đến năm 2030 bãi bỏ tối thiểu 30% điều kiện đầu tư, kinh doanh so với năm 2024. Và việc này đang được Hội đồng tư vấn phối hợp với các Bộ ngành, địa phương quyết liệt triển khai.

Nâng cao kỹ năng để cải cách TTHC hiệu quả hơn

Tại hội nghị, các đại biểu đã được hướng dẫn và thực hành về kỹ năng nghiên cứu, tham gia ý kiến trong việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; kỹ năng tổng hợp các kiến nghị, đề xuất, phản ánh những khó khăn về cơ chế, chính sách, TTHC mà phía doanh nghiệp và người dân gửi đến, cách giải quyết cũng như đề xuất ý kiến góp ý đến Hội đồng bởi đại diện các ban công tác của Hội đồng tư vấn trình bày.

Phát huy vai trò ‘cầu nối’ giữa Chính phủ với doanh nghiệp và người dân- Ảnh 6.
Phát huy vai trò ‘cầu nối’ giữa Chính phủ với doanh nghiệp và người dân- Ảnh 7.

Các cán bộ thực thi kỹ năng thu thập ý kiến về cải cách TTHC. Ảnh: VGP/GO

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho rằng, những vấn đề được trình bày trong hội nghị rất trúng, rất đúng và phù hợp trong thời điểm hiện nay. Hoạt động cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam luôn xuất phát từ lợi ích của người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của những chủ thể này làm thước đo để đánh giá chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Vì thế, khi ban hành TTHC, tránh đưa ra các thủ tục gây rào cản đối với người dân và doanh nghiệp.

"Chúng tôi cũng xác định gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHC với chuyển đổi số, từ đó mạnh dạn thí điểm các mô hình mới trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chuyển đổi số chính là cuộc cách mạng giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí khi thực hiện các TTHC ", ông Phan nhấn mạnh.

Ông Phan cho rằng, năng lực và các kỹ năng của các cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn rất quan trọng. Bởi hoạt động này sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thành viên khi thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin, tài liệu chi tiết, rõ ràng về các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC, sắp xếp thứ tự ưu tiên cần giải quyết và đề xuất giải pháp (nếu có). Hiện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính được xem là cơ quan gác cửa cho tất cả các TTHC ban hành ra. Vì thế, việc nâng cao năng lực cho các cán bộ, các cơ quan thành viên, cùng với việc chia sẻ kinh nghiệm từ phía các chuyên gia Úc, sẽ góp phần thúc đẩy cải cách TTHC hiệu quả hơn.

Giang Oanh

Top