Hà Nội

Nam Định quyết liệt tháo gỡ nhanh 'điểm nghẽn' về hạ tầng kết nối liên vùng

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, tỉnh Nam Định cần tập trung hơn nữa, có cách làm sáng tạo để tháo gỡ các khó khăn, nhất là trong kết nối giao thông liên vùng, từ đó nâng cao vị thế của tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng.

26/06/2024 20:12
Nam Định quyết liệt tháo gỡ nhanh 'điểm nghẽn' về hạ tầng kết nối liên vùng- Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn kiểm tra tiến độ thực hiện dự án xây dựng cầu qua sông Đào - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Sau Ninh Bình, Thái Bình, chiều 26/6, Đoàn công tác của Thành viên Chính phủ do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Nam Định về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, 6 tháng đầu năm 2024, các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, một số chỉ tiêu cao hơn bình quân chung của cả nước.

Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 8,56% (đứng thứ 11 toàn quốc). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,29%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.270 tỷ đồng, bằng 44% dự toán năm và tăng 62% so với cùng kỳ. 

Nam Định đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định từ ngày 30/6/2024. Hoàn thành công tác công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công giai đoạn II dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (Tỉnh lộ 490). Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án tuyến đường dây 500 Kv trên địa bàn tỉnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nam Định quyết liệt tháo gỡ nhanh 'điểm nghẽn' về hạ tầng kết nối liên vùng- Ảnh 2.

Đoàn công tác khảo sát Dự án xây dựng cầu qua sông Đào - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tính đến ngày 20/6/2024, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 40 dự án (bao gồm 21 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 5.691,6 tỷ đồng và 148,9 triệu USD. 

Xây dựng nông thôn mới của tỉnh tiếp tục được đặc biệt quan tâm triển khai và đạt kết quả tích cực, đến nay tỉnh Nam Định đã có 197/204 (96,6%) xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Về tình hình giải ngân đầu tư công, ước kết quả giải ngân đến hết tháng 6/2024 là 3.916,789 tỷ đồng, đạt 43,2% kế hoạch. Trong đó, đối với 5 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội  giải ngân đến hết tháng 06/2024 là 1.407,11 tỷ đồng, đạt 93,1% kế hoạch. Hiện nay, các dự án đang triển khai thi công đảm bảo tiến độ theo quy định.

Nam Định quyết liệt tháo gỡ nhanh 'điểm nghẽn' về hạ tầng kết nối liên vùng- Ảnh 3.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn tham quan Nhà máy sản xuất máy tính Quanta Computer Inc. tại KCN Mỹ Thuận - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, các bộ, ngành Trung ương đối với tỉnh Nam Định trong thời gian qua, nhất là trong việc hỗ trợ tỉnh xử lý các vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục liên quan để thúc đẩy đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng các công trình trọng điểm, thu hút đầu tư…

Từ năm 2023 đến nay, Đoàn công tác của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã 3 lần làm việc tại Nam Định để nắm bắt tình hình khó khăn của địa phương trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các dự án, công trình trọng điểm. Trên cơ sở đó, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của Nam Định đã được giải quyết.

Làm rõ thêm những kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng các dự án; cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư công. Hỗ trợ thúc đẩy thu hút và triển khai các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ trong thực hiện quy định về bảo đảm quỹ đất lúa theo hướng linh hoạt hơn để gia tăng năng lực phát triển kinh tế công nghiệp. 

Đồng thời ưu tiên thúc đẩy đầu tư để kết nối đưa vào sử dụng hệ thống cầu hai tỉnh Ninh Bình, Thái Bình bảo đảm tính liên thông kết nối giao thông vùng Đồng bằng sông Hồng, phát huy hiệu quả sử dụng của tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định. Cho phép UBND tỉnh Nam Định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11), giai đoạn 1 từ thành phố Phủ Lý đến thành phố Nam Định...

Nam Định quyết liệt tháo gỡ nhanh 'điểm nghẽn' về hạ tầng kết nối liên vùng- Ảnh 4.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, công nhân Nhà máy sản xuất máy tính Quanta Computer Inc - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tăng tính liên thông kết nối giao thông vùng 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được trên các mặt kinh tế - xã hội của Nam Định.

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của Nam Định, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị tỉnh Nam Định tổ chức quản lý, thực hiện tốt các loại quy hoạch trên địa bàn bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Đặc biệt tập trung hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm, trong đó đặc biệt quan tâm đến dự án đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng.

Ngoài ra, Nam Định cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để sớm đầu tư cao tốc Nam Định (Nam Định) - Phủ Lý (Hà Nam), khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Các dự án quan trọng này hoàn thành và đi vào khai thác sẽ khắc phục được điểm yếu cốt lõi về giao thông, kết nối của tỉnh Nam Định trong suốt 2 thập kỷ vừa qua (đây cũng là điểm nghẽn là nguyên nhân làm Nam Định mất đi vị thế đã từng là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước).

Bên cạnh đó, tỉnh cần quyết liệt tháo gỡ nhanh điểm nghẽn về hạ tầng kết nối liên vùng làm giảm lợi thế cạnh tranh của tỉnh; đồng thời phát huy lợi thế về nhân lực và vị trí ven biển. Hiện nay các tuyến hành lang ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình và tuyến cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định, nối Nam Định - Ninh Bình đang được đầu tư, đẩy nhanh xây dựng.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường ven biển đặc biệt quan trọng này sẽ thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh, mở ra không gian phát triển mới về phía Đông Nam cho Nam Định và các địa phương; đây là cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư vào các Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp ven biển.  

Đối với các kiến nghị của tỉnh, VPCP sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đối các đề xuất, kiến nghị mà các bộ, ngành chưa thể giải quyết ngay, Đoàn công tác sẽ ghi nhận, tổng hợp và báo cáo để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan nghiên cứu, hỗ trợ giải quyết.

Nam Định quyết liệt tháo gỡ nhanh 'điểm nghẽn' về hạ tầng kết nối liên vùng- Ảnh 5.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

* Trước đó, Đoàn công tác đã đi khảo sát tại Dự án sản xuất máy tính của Tập đoàn Quanta Computer Inc, tại KCN Mỹ Thuận; khảo sát Cầu vượt sông Đào nối đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi.

Dự án sản xuất máy tính là dự án đầu tiên của Tập đoàn Quanta tại Việt Nam và là dự án đầu tư đầu tiên tại KCN Mỹ Thuận, một trong những KCN ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Nam Định.

Được biết, quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án sản xuất máy tính của Tập đoàn Quanta Computer Inc, vốn đầu tư 120 triệu USD được các cơ quan có thẩm quyền ở Nam Định thực hiện, hoàn tất chỉ trong 1,5 ngày, kéo dài khoảng 36 giờ và chỉ sau 15 ngày ký thỏa thuận phát triển dự án.

Theo đó, chính quyền tỉnh Nam Định chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH QMH Computer (doanh nghiệp dự án, do Quanta Computer Inc lập) thực hiện dự án trên diện tích hơn 225.000 m2 đất thuộc KCN Mỹ Thuận, với mục tiêu hoạt động sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, cụ thể hơn là sản xuất và gia công máy tính xách tay và máy tính để bàn; công suất thiết kế dự kiến 4,5 triệu máy tính/năm.

Đối với dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, đây là dự do UBND thành phố Nam Định làm chủ đầu tư có chiều dài khoảng 1,6km, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Thời gian thi công công trình từ năm 2022 - 2025; đây là công trình trọng điểm, kiểu mẫu của tỉnh chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XXI.

Dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định, mở ra không gian phát triển về đô thị, công nghiệp, đặc biệt là vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định kết nối với tuyến giao thông huyết mạch quốc gia cao tốc Bắc-Nam.

Hoàng Giang


Top