Hà Nội

Tạo điều kiện để Thái Bình ‘bắt nhịp’ phát triển, không còn là tỉnh thuần nông

(Chinhphu.vn) - Với mục tiêu phát triển mới, không còn là tỉnh thuần nông, Thái Bình đang tập trung nguồn lực để sớm hoàn thành các dự án trọng điểm, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, giao thông nội bộ và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và xúc tiến, thu hút dự án đầu tư vào tỉnh.

26/06/2024 17:06
Tạo điều kiện để Thái Bình ‘bắt nhịp’ phát triển, không còn là tỉnh thuần nông- Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Sau Ninh Bình, sáng 26/6, Đoàn công tác Thành viên Chính phủ do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Thái Bình về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh có những thuận lợi song không ít khó khăn, kinh tế của tỉnh Thái Bình duy trì phát triển với tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,96%, (đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố và thứ 7 vùng đồng bằng sông Hồng), cao hơn cùng kỳ năm 2023 (7,77%), trong đó công nghiệp tăng trưởng cao 17,42%.

Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện.

Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch, xúc tiến đầu tư và một số hoạt động quan trọng như gặp mặt động viên các doanh nghiệp, khởi công các dự án..., tạo khí thế sôi nổi ngay từ đầu năm, nâng cao nhận thức về tầm nhìn và mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.

Đồng thời chỉ đạo quyết liệt việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, "điểm nghẽn", "nút thắt" trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thu hút đầu tư, nhất là FDI đạt kết quả tốt. Thu hút vốn đầu tư đạt 7,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công; tập trung nguồn lực và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và các dự án nhà ở.

Ước thực hiện giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 2.668,7 tỷ đồng, bằng 47,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024, tổng vốn bố trí là 164.719 triệu đồng, đến hết tháng 6/2024 giải ngân được khoảng 41.090 triệu đồng, đạt tỷ lệ 26% tổng kế hoạch vốn.

Thu ngân sách nhà nước (nội địa) đạt kết quả tốt. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước thực hiện 13.924 tỷ đồng, đạt 71,4% dự toán, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó thu nội địa ước đạt 4.529,5 tỷ đồng, đạt 52,6% dự toán, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cũng làm rõ những kiến nghị của tỉnh, mong muốn Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP và Đoàn công tác báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Trong đó, tỉnh Thái Bình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, sớm phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (CT.08) đoạn qua tỉnh Thái Bình và các bộ, ngành Trung ương sớm thẩm định dự án theo quy định để sớm được khởi công dự án trong tháng 11/2024.

Để tạo điều kiện cho tỉnh Thái Bình triển khai các khu công nghiệp mới, khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp chuyên biệt nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, Thái Bình cũng mong muốn được bổ sung 700 ha đất khu công nghiệp đã được bổ sung tại Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 12/3/2024 vào quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030 và được sử dụng 700 ha này để thành lập Khu công nghiệp Hưng Phú...

Tỉnh Thái Bình cũng đề nghị các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ và hướng dẫn tỉnh để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tạo điều kiện để Thái Bình ‘bắt nhịp’ phát triển, không còn là tỉnh thuần nông- Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tập trung thúc đẩy, triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, trong thời gian qua, tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trung ương và VPCP.

Thái Bình quyết tâm nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, để không còn là tỉnh thuần nông, tương lai gần sẽ là tỉnh phát triển mới của Đồng bằng sông Hồng trên cơ sở tận dụng được những tiềm năng lợi thế.

"Thái Bình đã dày công xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Chúng tôi tự hào và có niềm tin rằng nếu Quy hoạch này được thực hiện tốt, đúng hướng thì Thái Bình chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu là tỉnh phát triển mới của khu vực Đồng bằng sông Hồng", Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải cho hay.

Theo đó, Thái Bình đang đổi mới rất nhanh chóng, lấy sông Trà Lý làm trục không gian mới của Thành phố, 3-5 năm nữa diện mạo mới khu đô thị ven sông sẽ thành hình, cộng với những tuyến đường mới, huyết mạch sẽ tạo cho Thái Bình tâm thế và cơ hội phát triển mới.

Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải cũng cho biết, tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Hưng Yên để định hình tuyến đường mới mang tính huyết mạch nối từ Thái Bình về Hà Nội, còn gọi là tuyến đường xuyên tâm từ Hà Nội về Thái Bình, để rút ngắn khoảng cách về địa lý, thời gian tới Thủ đô.

"Tỉnh cũng đang phấn đấu khởi công Khu công nghiệp VSIP Thái Bình cùng với khởi công Dự án đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng (CT.08), đoạn qua Thái Bình", đồng chí Ngô Đông Hải nói.

Theo đồng chí Ngô Đông Hải, trước đây, Thái Bình là tỉnh thuần nông nên các chỉ tiêu trước đây chỉ dừng ở mức thuần nông, hiện nay cơ hội mở ra mới, phát sinh yêu cầu, nhu cầu mới, cần có thêm chỉ tiêu mới. Vì vậy, tỉnh mong chờ những tháo gỡ sớm từ Chính phủ, các bộ ngành, tạo điều kiện để Thái Bình bắt nhịp phát triển,

Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải cũng đề nghị tới đây, khi các luật mới có hiệu lực thi hành như Luật Đất đai, Luật Bất động sản, Chính phủ, các bộ ngành sẽ sớm ban hành văn bản dưới luật và các hướng dẫn thi hành để không tạo ra khoảng trống, độ vênh về quy định giúp các địa phương thuận lợi thực hiện, nhất là về phân cấp, phân quyền cho địa phương chịu trách nhiệm, quyết định sát với nhu cầu phát triển.

Tạo điều kiện để Thái Bình ‘bắt nhịp’ phát triển, không còn là tỉnh thuần nông- Ảnh 3.

Các thành viên Đoàn công tác trao đổi, làm rõ các khó khăn, vướng mắc của tỉnh Thái Bình - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn ghi nhận trong điều kiện khó khăn chung của cả nước do các tác động tiêu cực từ tình hình thế giới và trong nước, tuy nhiên, nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính quyền các cấp, tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng đã tập trung thúc đẩy và triển khai các dự án xây dưng hạ tầng trọng điểm của tỉnh.

Bộ trưởng cho biết, tại cuộc họp tháng 9/2023, tỉnh Thái Bình có 41 đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành và Chính phủ. Đến nay đã có 20/41 kiến nghị đã được các bộ xử lý. Đối với các kiến nghị còn lại, Bộ trưởng yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương nghiên cứu, giải quyết, hướng dẫn cụ thể, dứt điểm, rõ ràng và có văn bản trả lời địa phương.

"Thủ tướng rất quan tâm tới các tuyến cao tốc, bởi muốn phát triển thì giao thông phải đi trước, mở ra không gian phát triển mới cũng tạo cơ hội để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói.

Đồng thời nhấn mạnh trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình cần đặc biệt quan tâm đến dự án đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng (CT.08), tập trung hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án này, tính toán các nguồn nguyên liệu cho xây dựng đường cao tốc vì đây là trục giao thông chiến lược kết nối đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các địa phương, cảng biển Hải Phòng và cụm kinh tế động lực Đông Bắc.

Bộ trưởng đề xuất tỉnh Thái Bình có thể nghiên cứu thêm tuyến cao tốc từ Phủ Lý nối thẳng về Thái Bình hoặc tuyến cao tốc từ Thái Bình sang Nam Định để rút ngắn thời gian đi Hà Nội.

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của tỉnh Thái Bình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, đó cũng là những khó khăn chung của nhiều địa phương và doanh nghiệp của cả nước. Vừa qua, Thủ tướng đã có rất nhiều cuộc họp để tháo gỡ khó khăn của các lĩnh vực đầu tư phát triển, ngân hàng, vật liệu xây dựng, xuất nhập khẩu…

Ghi nhận và làm rõ thêm các kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu, tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu xem xét giải quyết, tháo gỡ kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đề nghị một số bộ ngành, các đơn vị của VPCP tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sát với thực tiễn.

Hoàng Giang

Top