Hà Nội

Kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn cho Ninh Bình phát triển

(Chinhphu.vn) - Nhiều khó khăn, vướng mắc của tỉnh Ninh Bình trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, xuất nhập khẩu đã được các bộ, cơ quan giải quyết.

25/06/2024 19:27
Kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn cho Ninh Bình phát triển- Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh tại Nhà máy xi măng Tam Điệp - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Thực hiện Quyết định 435/QĐ-TTg ngày 22/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 5/6/2024 của Chính phủ về Phiên họp thường kỳ tháng 5, chiều 25/6, Đoàn công tác của Thành viên Chính phủ do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Ninh Bình về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại Nhà máy xi măng Tam Điệp và Nhà máy kính CFG tại Khu công nghiệp Yên Khánh, huyện Yên Khánh để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngay sau đó, Đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình nghe báo cáo, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, xuất nhập khẩu và các giải pháp, đề xuất kiến nghị với cấp có thẩm quyền.

Ninh Bình vượt khó, tăng trưởng bền vững

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, VPCP trong những năm qua đã luôn dành cho Ninh Bình sự quan tâm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, định hướng phát triển cho Ninh Bình.

Trong đó, vào tháng 5 và tháng 10/2023, Đoàn công tác của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đã làm việc tại Ninh Bình để nắm bắt tình hình khó khăn tại địa phương trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các dự án, công trình trọng điểm. Đến nay, cơ bản các kiến nghị của tỉnh Ninh Bình đã được các bộ, ngành Trung ương và Đoàn công tác quan tâm giải quyết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm đến nay, Ninh Bình đã chủ động, tích cực, quyết tâm cao trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chủ động đề ra các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, thúc đẩy phát triển sản xuất. Vì thế, Ninh Bình phát triển bền vững trên cả 3 lĩnh vực kinh tế là: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch.

Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng Ninh Bình vẫn có sự tăng trưởng bền vững, thể hiện rõ nét qua việc từ năm 2022, Ninh Bình trở thành 1 trong 16 địa phương tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Bên cạnh đó, nhờ du lịch, dịch vụ phát triển, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh xếp thứ 11 của cả nước.

Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết 43/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025, đến nay đã có gần 1.000 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn được xây mới và sửa chữa...

Kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn cho Ninh Bình phát triển- Ảnh 2.

Đoàn công tác kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Nhà máy kính CFG - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Thông tin cụ thể về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình Đinh Thị Thúy Ngần cho hay, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá; tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 26.838,9 tỷ đồng, tăng 8,19% so với cùng kỳ năm trước (đứng thứ 6/11 địa phương vùng đồng bằng Sông Hồng và đứng thứ 12/63 cả nước).

Tình hình sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 đang dần phục hồi, từng bước ổn định và đạt mức tăng trưởng khá tích cực so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 48.146,5 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Về kết quả giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 21/6/2024, tổng số vốn giải ngân đạt 2.086,34 tỷ đồng, bằng 32,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Các dự án, đặc biệt là các dự án trọng tâm, trọng điểm có sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng được triển khai đảm bảo tiến độ; một số công trình, hạng mục công trình đã được hoàn thành, cơ bản hoàn thành, sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 phục hồi tích cực, do những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả khai thác các thị trường truyền thống và những thị trường mới, thị trường tiềm năng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.679 triệu USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ, đạt 51,7% kế hoạch năm.

Việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Ninh Bình, trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn, khó tìm kiếm thị trường, khách hàng mới...

Kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn cho Ninh Bình phát triển- Ảnh 3.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu kết luận buổi làm việc với tỉnh Ninh Bình - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của tỉnh Ninh Bình liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiêu thụ một số loại vật liệu xây dựng; sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách địa phương; việc nạo vét luồng đường thủy nội địa khu vực Cửa Đáy kết hợp tận thu sản phẩm cung cấp vật liệu cát phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; phương án dừng hoạt động Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình và bổ sung dự án Nhà máy điện linh hoạt tại Ninh Bình vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; việc áp dụng tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị có yếu tố đặc thù về di sản văn hóa và trung tâm du lịch quốc tế...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đánh giá những kết quả đạt được về kinh tế-xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Ninh Bình rất đáng khích lệ, phát huy được tiềm năng lợi thế của Ninh Bình, đồng thời thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của lãnh đạo tỉnh cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt các công trình trọng điểm được tiến hành khẩn trương, đúng tiến độ.

Bộ trưởng cho rằng trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần tập trung hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng, bảo đảm quy chuẩn về đường cao tốc bởi đây là trục giao thông chiến lược kết nối đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các địa phương, cảng biển Hải Phòng và cụm kinh tế động lực Đông Bắc của Tổ quốc, là tuyến đường đặc biệt quan trọng mở ra không gian phát triển mới cho các tỉnh như Nam Định, Thái Bình. 

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình tiếp tục huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng trong tỉnh như: Tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường Đông Tây...

Bộ trưởng cho biết, qua khảo sát thực tế tại Nhà máy xi măng Tam Điệp, Nhà máy kính CFG Ninh Bình và báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình cho thấy các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ do lượng cung trên thị trường lớn; nhu cầu trong nước thấp; giá điện, than và các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng; thị trường bất động sản chững lại…

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Tại đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để phát triển ngành xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng bảo đảm hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu khi tiêu thụ trong nước giảm sút.

Vì vậy, Ninh Bình theo chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả thực hiện các giải pháp.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng lưu ý, tỉnh Ninh Bình cần phải tập trung hơn nữa trong cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là tinh thần, trách nhiệm phục vụ trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đến và ở lại với tỉnh.

Đối với các kiến nghị cụ thể, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu, tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, xem xét giải quyết, tháo gỡ kịp thời cho Ninh Bình.

Hoàng Giang


Top