Hà Nội

Học hỏi kinh nghiệm phân cấp, phân quyền để xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả

(Chinhphu.vn) - Cần có một hệ thống luật pháp làm cơ sở, một môi trường ổn định về kinh tế, xã hội để bảo đảm cho các hoạt động phân cấp, phân quyền được thực hiện có hệ thống, thuận lợi và hiệu quả. Vai trò và ý kiến của người dân trong hoạt động này rất quan trọng.

15/03/2024 14:13
Học hỏi kinh nghiệm phân cấp, phân quyền để xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả- Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành: "Chính phủ Việt Nam đã gắn phân cấp, phân quyền với tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính". Ảnh: VGP/Giang Oanh

Ngày 15/3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo chuyên đề "Quản lý hành chính công và phát triển nguồn nhân lực" trong khuôn khổ Dự án "Xây dựng hoạt động nhà nước chuyên nghiệp và hiệu quả để cải thiện môi trường kinh doanh".

Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo VPCP, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành; Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, ông Hiraoka Hisakazu; Phó Chủ tịch kiêm Giáo sư Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, ông Takada Hirofumi; Trưởng phòng Sở Thương mại, Công nghiệp và Du lịch thành phố Fukushima, tỉnh Fukushima, ông Karutaka Hanzawa; đại diện các vụ, cục VPCP và vụ, cục, sở, ngành một số cơ quan Trung ương và địa phương.

Khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành cho biết, tại Việt Nam, để xây dựng nền hành chính Nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, nhất là Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cho chính quyền địa phương. Gắn phân cấp, phân quyền với tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát tổ chức bộ máy, phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát nguồn lực.

Do đó, tại Hội thảo này, Phó Chủ nhiệm VPCP mong muốn các giáo sư, chuyên gia Nhật Bản chia sẻ cho phía Việt Nam kinh nghiệm về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, về sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và người dân tại Nhật Bản. Đồng thời cho rằng, việc tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm từ quốc tế đối với việc xây dựng chính sách cho Việt Nam là rất quan trọng, nhất là Nhật Bản lại là nước có nhiều điểm tương đồng và trình độ phát triển cao.

Chia sẻ nội dung về sự tham gia và hợp tác của người dân trong chính quyền địa phương của Nhật Bản, ông Takada Hirofumi - Phó Chủ tịch kiêm Giáo sư Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản - đã giới thiệu về chính quyền địa phương ở Nhật Bản. Theo đó, chính quyền tự trị địa phương ở Nhật Bản hoạt động thành hai nhóm: Chính quyền địa phương thông thường (nghĩa là chính quyền địa phương hai cấp, gồm cấp tỉnh, thành phố thuộc Trung ương và cấp thị trấn- làng xã thuộc tỉnh); và chính quyền địa phương đặc biệt (nghĩa là chính quyền địa phương ở 23 quận thủ đô Tokyo và các công đoàn). Ở mỗi nhóm lại gồm có 2 cơ quan quản lý: Cơ quan quản lý của tự trị địa phương do người lãnh đạo cơ quan hành chính và nghị hội. Hai cơ quan hoạt động độc lập, bình đẳng, cân bằng với nhau.

Học hỏi kinh nghiệm phân cấp, phân quyền để xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch kiêm Giáo sư Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản Takada Hirofumi: "Cải cách phân cấp, phân quyền quản lý hành chính đã trở thành một xu thế tất yếu". Ảnh: VGP/Giang Oanh

Chính quyền địa phương được thành lập bởi chính quyền Trung ương. Chính quyền địa phương tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống thường ngày của cộng đồng. Chính quyền Trung ương tập trung giải quyết các vấn đề vượt ra khỏi tầm kiểm soát của cính quyền địa phương. Ví dụ chính quyền Trung ương chịu trách nhiệm về hỗ trợ tài chính, đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa các vùng, chịu trách nhiệm chỉ đạo giám sát chính sách ấy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm điều khiển hoạt động địa phương theo hướng của Chính phủ, tuy nhiên, cách thức đi như thế nào thì địa phương có quyền tự quyết định.

Trong cơ cấu quản lý của cấp chính quyền địa phương, về mặt cấu trúc, với mỗi thành phố tự trị do một thị trưởng điều hành được bầu trực tiếp đứng đầu và cũng có một hội đồng thành phố được bầu, với những đặc điểm này được nhân rộng trong trường hợp của các quận mặc dù với các danh pháp khác nhau.

Chia sẻ về quyền và nghĩa vụ của người dân Nhật Bản, Giáo sư Takada Hirofumi cho biết, người dân (công dân Nhật Bản) có những quyền như quyền tiếp nhận các dịch vụ công một cách bình đẳng, quyền được tham gia bầu cử (trong đó có quyền bầu cử và quyền tự ứng cử), quyền được yêu cầu trực tiếp (bao gồm yêu cầu ban hành, sửa đổi, bãi bỏ các điều lệ; yêu cầu thanh tra hành chính; yêu cầu giải tán hội đồng), quyền trưng cầu dân ý, yêu cầu được thanh tra và khiếu nại. Về nghĩa vụ, người dân phải có nghĩa vụ chia sẻ gánh nặng với quốc gia.

Trong một quốc gia, mối quan hệ giữa chính quyền Trung ương và địa phương là mối quan hệ cơ bản. Xuất phát từ yêu cầu phát triển theo xu hướng của thời đại, cải cách phân cấp, phân quyền quản lý hành chính đã trở thành một xu thế tất yếu. Để có thể tiến hành được cải cách phân quyền, việc trước tiên là quan niệm về ý thức tự chủ cần được thay đổi. Cần có một hệ thống luật pháp làm cơ sở, một môi trường ổn định kinh tế, xã hội để bảo đảm cho các hoạt động phân cấp, phân quyền được thực hiện có hệ thống, thuận lợi và hiệu quả. Vai trò và ý kiến của người dân trong hoạt động này rất quan trọng. Vì thế, các biện pháp cải cách phải được tiến hành đồng bộ và phải dựa trên năng lực thực tế của các cấp cơ sở, địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe Trưởng phòng Sở Thương mại, Công nghiệp và Du lịch thành phố Fukushima, tỉnh Fukushima, ông Karutaka Hanzawa, trình bày tham luận về "Hợp tác với người dân là một phần không thể thiếu trong thúc đẩy khử nhiễm".

Trong phần này, ông Karutaka Hanzawa đã nhấn mạnh vai trò chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố trong việc khắc phục hậu quả thảm họa trận động đất lớn phía Đông Nhật Bản ngày 11/3/2011 và sự hợp tác của người dân với chính quyền trong sự việc này. Ông Karutaka Hanzawa cho biết, khi thảm họa thiên nhiên xảy ra, người dân Nhật Bản rất lo lắng khi môi trường bị ảnh hưởng do chất phóng xạ phát tán từ sự cố nhà máy điện hạt nhân. Vì thế, chính quyền xác định việc kịp thời giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sống là vấn đề hết sức cấp bách. Ngay sau đó, ngày 30/8/2011, Nhật Bản đã ban hành Luật về các biện pháp đặc biệt liên quan đến xử lý ô nhiễm phóng xạ. Và cùng với sự phối hợp, chung sức, đồng thuận, hợp tác của người dân, sau 7 năm, Nhật Bản đã hoàn thành việc khử nhiễm trong toàn bộ các căn nhà tại thành phố Fukushima, là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề do thảm họa thiên nhiên gây ra.

Tại hội thảo, các giáo sư, chuyên gia Nhật Bản đã giải đáp một số câu hỏi liên quan đến mô hình chính quyền địa phương ở Nhật Bản; hoạt động phân cấp, phân quyền để xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả; đồng thời chia sẻ những ví dụ trong việc hợp tác cùng với người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Giang Oanh

Top