Hà Nội

Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh của Nhật Bản

(Chinhphu.vn) - Sáng 22/3, Văn phòng Chính phủ (VPCP) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo: Phát triển công nghiệp và hỗ trợ của Chính phủ. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng hoạt động Nhà nước chuyên nghiệp và hiệu quả nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.

22/03/2023 14:50
Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh của Nhật Bản - Ảnh 1.

Hội thảo Phát triển công nghiệp và hỗ trợ của Chính phủ tổ chức tại VPCP - Ảnh: VGP/Quang Thương

Hội thảo có sự tham dự của Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành; Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Hiraoka Hisakazu; ông Garu Funabashi, Phó Giáo sư trường Đại học Quốc tế Nhật Bản (IUJ); đại diện các Bộ, cơ quan và các Vụ, cục, đơn vị của VPCP.

Việt Nam-Nhật Bản hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, là đối tác tin cậy

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, Nhật Bản là một trong những đối tác chiến lược, quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản đã và đang phát triển nhanh chóng, nhất là từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á vào năm 2014. Hai nước hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, là những người bạn chân thành và đối tác tin cậy. Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất; đối tác thứ hai trong lĩnh vực lao động; thứ ba về đầu tư, du lịch và thứ tư về thương mại. Đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.

Đặc biệt năm nay, hai nước Việt Nam và Nhật Bản có nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973 – 21/9/2023).

Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh của Nhật Bản - Ảnh 2.

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: VGP/Quang Thương

Hội thảo về "Phát triển công nghiệp và hỗ trợ của Chính phủ" do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JIC A tổ chức ngày hôm nay chính là một trong chuỗi các hoạt động có ý nghĩa, hướng tới dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành chia sẻ, xuất phát điểm là một đất nước bị tàn phá sau chiến tranh, với nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển, phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, vì vậy, ngay từ những ngày đầu tái thiết, Việt Nam đã tập trung vào mục tiêu là ổn định tình hình mọi mặt kinh tế xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, đi đôi với hiện đại hóa và thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển công nghiệp được xác định là nội dung quan trọng và gắn bó chặt chẽ với sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, Việt Nam luôn quan tâm đề ra các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019, trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (chỉ thua Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.

Giá trị sản xuất công nghiệp không ngừng tăng qua các năm, cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của công nghiệp, đóng góp chính vào mức tăng trưởng GDP và đóng góp tới hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thời gian tới, với mục tiêu hoàn thành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm, cũng như sự hỗ trợ về nguồn lực, công nghệ từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, đặc biệt là Nhật Bản, vốn có nhiều nét tương đồng đối với Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh của Nhật Bản - Ảnh 3.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng hoạt động Nhà nước chuyên nghiệp và hiệu quả nhằm cải thiện môi trường kinh doanh” - Ảnh: VGP/Quang Thương

Trong khuôn khổ dự án hợp tác này, Văn phòng Chính phủ đề nghị Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác hỗ trợ trong quản lý kinh tế, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, trong đó có phát triển kinh tế số, khoa học - công nghệ mà Nhật Bản có thế mạnh.

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành đề nghị JICA tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan và VPCP tăng cường hợp tác ODA, khuyến khích, hỗ trợ: (1) các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, trọng điểm, nhất là dự án đường sắt, đường bộ cao tốc, cảng biển; (2) các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư, kinh doanh cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng; (3) đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực về công nghệ cao, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu...

VPCP tin tưởng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để Dự án hợp tác đạt kết quả tốt đẹp, hiệu quả tích cực, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.

Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh của Nhật Bản - Ảnh 4.

Cùng ngày, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và VPCP ký kết Biên bản thảo luận Dự án xây dựng hoạt động Nhà nước chuyên nghiệp và hiệu quả nhằm cải thiện môi trường kinh doanh - Ảnh: VGP/Gia Huy

Chia sẻ về phát triển công nghiệp và hỗ trợ của Chính phủ

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Hiraoka Hisakazu chia sẻ, Dự án nhằm chia sẻ với cán bộ VPCP và các Bộ, cơ quan liên quan những kinh nghiệm quản lý hành hành chính và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Nhật Bản.

Theo Phó Trưởng đại diện JICA, năm 2022, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã đạt 8,2%, là một trong những quốc gia có tăng trưởng nhanh ở châu Á. Ông Hiraoka Hisakazu tin rằng Việt Nam sẽ đạt được phát triển kinh tế vượt bậc trong tương lai. Để Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, Phó Trưởng đại diện JICA cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy hợp tác đào tạo trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Năm nay là năm đánh dấu 50 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản, vì vậy Phó Trưởng đại diện JICA mong muốn Dự án sẽ giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội.

Tại hội thảo, ông Garu Funabashi, Phó Giáo sư trường Đại học Quốc tế Nhật Bản (IUJ) đã chia sẻ kinh nghiệm về "Phát triển công nghiệp (bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa) và hỗ trợ của Chính phủ" của Nhật Bản. Phó Giáo sư Garu Funabashi đã chia sẻ về chỉ số môi trường kinh doanh, tổng quan phát triển công nghiệp và hỗ trợ của Chính phủ cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp tại Nhật Bản.

Về hỗ trợ của Chính phủ, Nhật Bản đưa ra Luật tạm thời về thúc đẩy công nghiệp máy móc nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất sản xuất các linh kiện cụ thể với mục tiêu chính là hiện đại hoá máy móc. Chính phủ Nhật Bản đã xác định được các ngành nghề hỗ trợ, ví dụ với ngành công nghiệp ô tô, Chính phủ đưa ra khoảng 130 danh mục linh kiện hỗ trợ, từ đó đã tập trung nguồn lực vào nhóm này để hiện đại hoá máy móc và thiết bị sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp… Phó Giáo sư Garu Funabashi cũng chia sẻ về hỗ trợ của Chính phủ qua chính sách về vốn, công nghệ, quản lý…

Tại hội thảo, đại biểu hai bên đã cùng chia sẻ, thảo luận về chính sách hiện nay, thách thức và giải pháp sẽ thực hiện và các ý kiến góp ý về lĩnh vực này từ kinh nghiệm của hai quốc gia.

Gia Huy

Top