Hà Nội

Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh: Trọng tâm là cải cách quy định TTHC

(Chinhphu.vn) - Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh có trọng tâm là cải cách quy định thủ tục hành chính (TTHC); phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm, khai thác dữ liệu quy định kinh doanh và đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước tham gia vào cải cách các quy định kinh doanh.

26/07/2022 15:01
Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh: Trọng tâm là cải cách quy định TTHC - Ảnh 1.

Giới thiệu chức năng và dữ liệu của Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh tại hội thảo. Ảnh: VGP/Gia Huy

Trong khuôn khổ hội thảo "Khung đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh và giải pháp công nghệ phân tích dữ liệu phục vụ thống kê, rà soát, cải cách quy định kinh doanh" tổ chức tại Hà Nội ngày 26/7, Văn phòng Chính phủ đã giới thiệu chức năng và dữ liệu của Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Cung cấp bộ công cụ giúp công khai minh bạch quy định kinh doanh

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ), Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh là công cụ hỗ trợ cải cách, bảo đảm thực hiện hiệu quả và bền vững Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Trọng tâm là cải cách quy định thủ tục hành chính; yêu cầu, điều kiện; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; chế độ báo cáo trong các hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm, khai thác dữ liệu quy định kinh doanh và huy động người dân, doanh nghiệp đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước tham gia vào cải cách các quy định kinh doanh.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh cung cấp bộ công cụ giúp các bộ, cơ quan cập nhật, quản lý, công khai minh bạch quy định kinh doanh hiện hành và dự kiến ban hành; rà soát, tính toán chi phí tuân thủ, kiến nghị phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; tham vấn, lấy ý kiến đối tượng tuân thủ về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và quy định kinh doanh dự kiến ban hành trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Thể hiện một cách trực quan hệ thống các quy định kinh doanh hiện hành dưới dạng biểu đồ tương tác (không gian quy định kinh doanh) quản lý các quy định kinh doanh theo từng loại quy định, theo lĩnh vực, ngành nghề thuộc phạm vi quản lý của các bộ ngành, cơ quan trong từng giai đoạn, từng thời điểm, phản ánh các điểm nghẽn, gánh nặng mà các doanh nghiệp phải chịu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ ngành, cơ quan chỉ đạo, điều hành công tác cải cách quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý.

Hỗ trợ các tính năng giúp người dùng tối ưu hiệu quả việc khai thác, sử dụng dữ liệu như tính năng hỏi - đáp; trả lời, nhắn tin tự động; các chức năng thông báo, cảnh báo; quản lý lịch sử truy cập, tìm kiếm và các chức năng khác theo nhu cầu, ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý, xử lý, phân tích dữ liệu; đồng thời, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu khác giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách, công khai, minh bạch thông tin, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng.

Việc tham vấn các đối tượng tuân thủ được tối ưu hóa về quy trình, biểu mẫu điện tử, nôi dung, câu hỏi tham vấn đi thẳng vào các vấn đề cần quan tâm để đối tượng được tham vấn cho ý kiến thay vì gửi toàn văn, một chiều và không có tương tác như trước đây; đồng thời, hỗ trợ tham vấn hướng đối tượng, tự động thu thập, tổng hợp, phân tích ý kiến góp ý của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân phục vụ công tác quản lý nhà nước, từng bước hình thành các mạng lưới chuyên gia theo ngành, lĩnh vực, giúp nâng cao chất lượng tham vấn.

Cung cấp công cụ đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh của các bộ, ngành; hỗ trợ đánh giá, xếp hạng thúc đẩy cải cách quy định kinh doanh.

Số quy định kinh doanh được cập nhật

Trên cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh (nguồn: Cục Kiểm soát TTHC)

STT

Số lượng QĐKD được cập nhật

30/12/2021

30/6/2022

22/7/2022

1

Thủ tục hành chính

3.447

4.243

4.230

2

Tiêu chuẩn, quy chuẩn

330

806

836

3

Yêu cầu, điều kiện

1.946

2.678

2.746

4

Chế độ báo cáo

712

818

837

5

Kiểm tra chuyên ngành: Thủ tục Kiểm tra chuyên ngành/ Sản phẩm hàng hóa KTCN

19/0

77/3.831

83/7.333

6

Quy định cấm

6

59

78

Tổng số

6.460

12.451

16.060

Có thể gửi vướng mắc, đề xuất điều chỉnh các quy định kinh doanh

Đối với các tổ chức, cá nhân, hiệp hội, doanh nghiệp, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh cung cấp công cụ tra cứu, tìm hiểu các quy định kinh doanh đang có hiệu lực thi hành, quy định kinh doanh dự kiến ban hành theo vòng đời sự kiện, theo lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cung cấp công cụ để các tổ chức, cá nhân, hiệp hội, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh dựa trên dữ liệu và theo thời gian thực; tham gia góp ý đối với quy định kinh doanh dự kiến ban hành, phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh, đồng thời gửi vướng mắc, đề xuất sáng kiến điều chỉnh các quy định kinh doanh; tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cũng như tạo kênh trao đổi, tương tác đa chiều, hiệu quả giữa Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội, doanh nghiệp, trên cơ sở đó, điều phối, cân bằng giữa yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Trong qúa trình triển khai xây dựng và phát triển Hệ thống, Văn phòng Chính phủ thực hiện kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng tối đa nguồn dữ liệu từ các Bộ, ngành, cơ quan, bảo đảm tránh lãng phí nguồn lực và khai thác một cách tối đa các nguồn dữ liệu đã.

Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã, đang và sẽ kết nối, chia sẻ dữ liệu với một số Cơ sở dữ liệu và Hệ thống thông tin khác như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để khai thác dữ liệu thủ tục hành chính; Cổng dịch vụ công quốc gia để sử dụng nền tảng định danh, xác thực người dùng, đồng thời, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; Công báo điện tử của Văn phòng Chính phủ và Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp để khai thác dữ liệu về căn cứ pháp lý của quy định kinh doanh (văn bản quy phạm pháp luật)…

Theo Ông Ngô Hải Phan, Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; định kỳ đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh và thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan có giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do quy định gây ra để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Đôn đốc các bộ, cơ quan thống kê, cập nhật, đăng tải công khai thông tin dữ liệu về quy định kinh doanh; rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và thực thi các phương án ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Gia Huy

Top