Hà Nội
Chia sẻ kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính với Đoàn công tác của Nepal
(Chinhphu.vn) - Chiều ngày 10/9, tại Văn phòng Chính phủ, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã có cuộc làm việc, chia sẻ kinh nghiệm về cải cách thủ tục hành chính với Đoàn công tác Nepal và các chuyên gia, cán bộ của Ngân hàng Thế giới.
Tại cuộc làm việc, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) khẳng định, thời gian qua, quan hệ Việt Nam và Nepal không ngừng được tăng cường, củng cố. Hai nước có mối quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nepal đang trên đà phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, đặc biệt trong các lĩnh vực: văn hóa, du lịch, kinh tế, đầu tư, thương mại… Bên cạnh đó, Chính phủ Nepal cũng đang trong quá trình nỗ lực cải cách, thuận lợi hóa môi trường kinh doanh để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính là một trong những nội dung được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam quan tâm, đẩy mạnh thực hiện, trong đó cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp được xác định là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết, Việt Nam đã trải qua "3 làn sóng cải cách".
Làn sóng đầu tiên là từ năm 2007-2010 với sự thành công của Đề án 30, theo đó, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 4800/5.421 thủ tục, tương ứng với tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 30 nghìn tỷ đồng mỗi năm;
Làn sóng thứ hai là từ năm 2016-2020 đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 3.800 điều kiện kinh doanh và 6.700 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành, tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng;
Làn sóng thứ ba là từ năm 2020 khi Nghị quyết số 68/NQ-CP và các chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ, phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân được ban hành, thì đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa được hơn 3.000 quy định kinh doanh tại 261 văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản hóa 859 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; đã phân cấp 295/699 thủ tục hành chính tại 56 văn bản quy phạm pháp luật; đơn giản hóa 84 thủ tục hành chính nội bộ của các bộ, ngành và 357 thủ tục hành chính của các địa phương.
Ông Ngô Hải Phan chia sẻ: "Về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chúng tôi đã tổ chức hiệu quả mô hình một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp theo hướng số hóa, phi địa giới hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; đặc biệt là đã đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia và Bộ Chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Mục đích của hoạt động này là để theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương".
Ông Ngô Hải Phan cho biết thêm, hiện nay Văn phòng Chính phủ cũng đang phối hợp chặt chẽ với 4 địa phương (là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh) tổ chức triển khai thí điểm mô hình mẫu về Bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp Bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn, sau đó, sẽ tổ chức đánh giá, tổng kết và nhân rộng mô hình này trên toàn quốc.
Về phía Ngân hàng Thế giới, hiện cơ quan này đang phối hợp với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ xây dựng Báo cáo "Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam" để đánh giá việc thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Ông Ngô Hải Phan chia sẻ, trên cơ sở hợp tác này, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình "Cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025-2030" nhằm cắt giảm thực chất, hiệu quả các quy định, thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tại cuộc làm việc, ông Shivaram Pokharel, Cục trưởng, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Cung ứng, Trưởng đoàn công tác của Nepal cảm ơn những kinh nghiệm về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ Việt Nam mà ông Ngô Hải Phan đã chia sẻ; đồng thời cho biết từ năm 1990, Nepal đã mở cửa nền kinh tế thông qua tự do hóa và tư nhân hóa. Quốc gia này đang đi theo hướng nền kinh tế hỗn hợp là Chính phủ và khu vực tư nhân cùng phát triển. Công tác cải cách thủ tục hành chính được xác định là quan trọng, cấp thiết ở Nepal.
Ông Shivaram Pokharel chia sẻ thêm, trong công tác cải cách hành chính, Nepal đã thành lập Trung tâm dịch vụ một cửa vào năm 2019. Trung tâm này được thiết kế cho cả đầu tư trong nước và ngoài nước. Tại đây, tập trung các dịch vụ được cung cấp từ 14 cơ quan của Chính phủ. Các dịch vụ được cung cấp bao gồm đăng ký, tư vấn thị thực; thông quan; đăng ký thuế… Quá trình đăng ký tại Trung tâm là hoàn toàn trực tuyến, đều áp dụng chữ ký số, đồng thời các báo cáo từ các công ty cũng đều trực tuyến.
Ông Shivaram Pokharel bày tỏ, với những cách làm và kết quả đạt được trong cải cách thủ tục hành chính mà Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã và đang làm là kinh nghiệm và bài học để Nepal nghiên cứu, học tập và áp dụng theo. "Hoạt động cải cách thủ tục hành chính hiệu quả đã giúp Việt Nam kêu gọi thành công nhiều dự án FDI, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Về phía Nepal, chúng tôi cũng mong muốn kêu gọi được nhiều nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào Nepal", ông Shivaram Pokharel nói.
Tại cuộc làm việc, các chuyên gia, cán bộ cũng được nghe thêm những chia sẻ về kết quả cải cách quy định kinh doanh theo Nghị quyết 68/NQ-CP và định hướng cải cách giai đoạn tiếp theo; về Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công và số hóa trong cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam mà các chuyên gia, cán bộ của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính trình bày.
Giang Oanh