Hà Nội

Triển khai Đề án về ứng dụng dữ liệu dân cư, phục vụ chuyển đổi số

(Chinhphu.vn) - Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia là Đề án có quy mô lớn, tiến hành trên phạm vi rộng, có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, nhiễu địa phương, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài.

31/03/2022 13:48
Tiếp tục triển khai Đề án về ứng dụng dữ liệu dân cư, phục vụ chuyển đổi số - Ảnh 1.

Sáng 31/3, Văn phòng Chính phủ (VPCP) chủ trì hội nghị trực tuyến tập huấn với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về triển khai một số nội dung Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030 (Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Tại hội nghị, Thừa ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC nhấn mạnh lại về việc đây là Để án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của người dân và của doanh nghiệp; phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia

Đề án có quy mô lớn, tiến hành trên phạm vi rộng, có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, nhiễu địa phương, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án.

Tại Đề án này, Thủ tướng Chính phủ đã giao rõ từng nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, theo đó, các bộ, ngành phải chủ trị triển khai 13 nhóm nhiệm vụ chung; 63 nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành, cơ quan, trong đó bao gồm cả 25 dịch vụ công thiết yếu.

Theo lộ trình, đến hết tháng 5/2022, các Bộ, cơ quan: Công an, Tư pháp, nay Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương phải tập trung nguồn lực để rà soát, đánh giá, tái cấu trúc quy trình TTHC.

Các nội dung này phải bảo đảm kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo nguyên tắc: Khai báo một lần, cắt giảm giấy tờ công dân trong thực hiện thủ tục hành chính; thống nhất quy trình nghiệp vụ, giải pháp kỹ thuật để tích hợp, cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Các dịch vụ công phải hoàn thành trong tháng 3/2022 bao gồm: Bộ Tư pháp tập trung vào 03 dịch vụ công (đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử); Bộ Công an 11 dịch vụ công (trong đó đã hoàn thành 06/11 dịch vụ công).

VPCP có trách nhiệm tái cấu trúc quy trình đối với 2 nhóm DVC Liên thông đăng ký khai sinh đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thưởng trú-Trợ cấp mai táng phí.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện dịch vụ công: Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; Bộ Tài chính thực hiện dịch vụ công: Đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân; Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện dịch vụ công Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ)…

Đối với các dịch vụ công thiết yếu do các Bộ, ngành cung cấp, các cơ quan, đơn vị phải tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ theo hướng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành, Cổng Dịch vụ công quốc gia để tự động điền thông tin, chia sẻ tài liệu đã số hóa hoặc là kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị khác.

Cũng tại hội nghị, các đơn vị của Cục Kiểm soát TTHC đã hướng dẫn các bộ, cơ quan đánh giá chất lượng trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn chuẩn hóa danh mục kết quả giải quyết TTHC và thành phần hồ sơ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; hướng dẫn các Bộ, cơ quan kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công; hướng dẫn quy trình và yêu cầu kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cục Kiểm soát TTHC đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát lại những nhiệm vụ đã đề ra trong Đề án để thực hiện, đảm bảo tiến độ đề ra. Trong đó, để triển khai Đề án có hiệu quả, các đơn vị phải đảm bảo được một số tiêu chí như: Về hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin; vấn đề về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; Biểu mẫu, quy trình thực hiện; bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện và phục vụ cho quản trị, vận hành…

Trước đó (ngày 18/3), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn chủ trì Hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ và tích hợp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị, các Bộ, cơ quan, địa phương cần bắt tay triển khai ngay những nhiệm vụ được giao theo đúng lộ trình của Đề án. Để làm tốt việc này, trước hết cán bộ, công chức được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Đề án 06 phải nhiệt huyết, công tâm, tinh thông nghiệp vụ và đổi mới sáng tạo, là chủ thể, trung tâm của công cuộc chuyển đổi số nói chung, triển khai Đề án nói riêng.

Gia Huy

Top