Hà Nội
Tạo điều kiện về hoàn trả phí, lệ phí trong thực hiện thanh toán TTHC trực tuyến
(Chinhphu.vn) - Để tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ, cơ quan liên quan cùng phối hợp nhằm tạo thuận lợi về hoàn trả phí, lệ phí trong thực hiện thanh toán TTHC trực tuyến với mục tiêu phục vụ người dân tốt nhất, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025.
Gỡ vướng về thủ tục để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Sáng 15/3, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan đã chủ trì làm việc cùng với các đơn vị liên quan của Bộ Công An, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về nội dung giải quyết việc hoàn trả phí, lệ phí trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030 nói riêng và trong giải quyết dịch vụ công trên môi trường điện tử nói chung.
Theo Cục Kiểm soát TTHC, Hệ thống thanh toán trực tuyến phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác trong thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành chính thức từ tháng 6/2020. Sau 20 tháng triển khai, đã có hơn 675.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền giao dịch hơn 1.000 tỷ đồng của 6 nhóm dịch vụ: (1) Phí, lệ phí; (2) Thuế hộ gia đình, cá nhân; (3) Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; (4) Đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; (5) Thanh toán tiền điện; (6) Tạm ứng án phí.
Đến nay, mỗi tháng trung bình có khoảng 80.000 giao dịch thanh toán với số tiền giao dịch khoảng hơn 150 tỷ đồng.
Cũng theo Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để mở rộng dịch vụ như: Thuế doanh nghiệp, viện phí, án phí... và tích hợp các thủ tục hành chính, dịch vụ công cho phép thanh toán trực tuyến để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và việc nâng cấp các dịch vụ công lên mức 4.
Tuy nhiên, việc giải quyết vướng mắc về cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên quan đến việc hoàn trả phí, lệ phí trong thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia còn gặp nhiều khó khăn.
Về thực tiễn, hiện việc hoàn trả tiền trong trường hợp số tiền hoàn trả vẫn ở tài khoản tạm thu ở ngân hàng thì việc hoàn tiền sau đối soát được thực hiện tương đối đơn giản khi có kiến nghị của khách hàng. Tuy nhiên, trường hợp tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước thì việc hoàn tiền phải theo quy trình, thủ tục riêng của Kho bạc nhà nước. Để tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) nghiên cứu cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với dịch vụ hoàn tiền nộp ngân sách nhà nước.
Cục Kiểm soát TTHC kiến nghị, hiện các dịch vụ công trực tuyến mà Bộ Công an đang đề cập đều được thiết kế việc nộp phí, lệ phí ngay từ giai đoạn nộp hồ sơ. Việc nộp phí, lệ phí ngay từ giai đoạn nộp hồ sơ thường sẽ dễ xảy ra trường hợp phải hoàn trả khi thẩm định, xét duyệt hồ sơ không đạt yêu cầu. Trong khi đó, việc yêu cầu nộp phí, lệ phí ngay từ giai đoạn nộp hồ sơ cũng chưa hoàn toàn phù hợp với trình tự thực hiện thủ tục hành chính được quy định tại văn bản pháp luật.
Vì vậy, để hạn chế bớt sai sót phải hoàn trả tiền, Cục Kiểm soát TTHC đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ Công an có giải pháp điều chỉnh các dịch vụ công trực tuyến có bước nộp phí, lệ phí theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp, phải thu ngay từ bước nộp hồ sơ, đề nghị có thể nghiên cứu giải pháp thu vào tài khoản tạm thu để việc hoàn trả sau khi có kết quả kiểm tra, xem xét hồ sơ được thuận lợi hơn.
Đối với Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính) cần tiếp tục phối hợp với Cục Kiểm soát TTHC kết nối, tích hợp, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công. Nghiên cứu, sớm triển khai cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia dịch vụ hoàn tiền nộp ngân sách nhà nước.
Sau khi các cơ quan liên quan trao đổi tại cuộc làm việc, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan nhấn mạnh những nội dung nêu ra tại cuộc họp là những vấn đề người dân và chính đội ngũ cán bộ khi thực hiện TTHC cũng gắp khó khăn. Gỡ được nội dung này là gỡ vướng và tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết TTHC đúng theo tinh thần và quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là lấy người dân làm trung tâm phục vụ.
Vì vậy, Cục Kiểm soát TTHC đề các đơn vị cần phối hợp để có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện về hoàn trả phí, lệ phí trong thực hiện thanh toán TTHC trực tuyến. Bên cạnh đó, rà soát lại các TTHC, văn bản nếu không phù hợp, gây rào cản cho việc cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử thì cần tham mưu, đề xuất sửa đổi.
Phối hợp tái cấu trúc quy trình với 2 nhóm TTHC để phục vụ người dân
Cũng trong sáng 15/3, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan đã chủ trì làm việc cùng với các đơn vị liên quan của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc triển khai tái cấu trúc quy trình đối với nhóm thủ tục liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xoá đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.
Theo ông Ngô Hải Phan, cuộc họp nhằm làm việc với các Bộ, cơ quan liên quan để phục vụ việc xây dựng, hoàn thiện, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 2 nhóm thủ tục nêu trên. Hiện nay, về cơ bản việc kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội đã được thực hiện, đang được nâng cấp, hoàn thiện.
Thảo luận tại cuộc họp, các đơn vị đều bày tỏ đồng tình với việc liên thông 2 nhóm thủ tục; việc triển khai dịch vụ công trực tuyến liên thông sẽ chỉ cần thiết kế mới phần ứng dụng tương tác với người dân trên môi trường điện tử.
Trên cơ sở cuộc họp này, Cục Kiểm soát TTHC sẽ hoàn thiện phương án tái cấu trúc quy trình để báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đồng thời, thực hiện theo dõi, đánh giá chất lượng cung cấp các dịch vụ này bằng dữ liệu theo thời gian thực.
Gia Huy