Hà Nội

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cải cách TTHC tại các địa phương

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tiếp tục làm việc với 10 địa phương còn có những khó khăn, vướng mắc về cải cách thủ tục hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Văn phòng Chính phủ để đến hết năm 2025 cắt giảm được 20% TTHC theo mục tiêu đã đặt ra.

11/10/2024 17:26
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cải cách TTHC tại các địa phương- Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn làm việcvới lãnh đạo 10 địa phương để tháo gỡ vướng mắc về cải cách TTHC - Ảnh: VGP/Gia Huy

Chiều 11/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn đã làm việc theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với lãnh đạo 10 địa phương (Quảng Ninh, Bắc Ninh, Cà Mau, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Hai Dương, Quảng Nam, Bình Định, Nghệ An, Hà Giang) về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương trong 9 tháng năm 2024 về công tác này.

Tại đầu cầu VPCP có sự tham dự của đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, LĐTB&XH và VPCP.

Trước đó, ngày 10/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Sơn Sơn đã làm việc với 3 Bộ và 7 địa phương để trao đổi, tháo gỡ về cải cách TTHC trong 9 tháng năm 2024.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh, công tác cải cách TTHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thời gian qua, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng đơn giản hóa gắn với chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai cải cách TTHC của các bộ, địa phương còn chậm, làm ảnh hưởng đến nỗ lực cải cách của Chính phủ, niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 về tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC tại các bộ, ngành, địa phương. Mới đây, ngày 01/10/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách TTHC đã ban hành văn bản số 727/TTg-KSTT yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các thành viên Tổ công tác và Hội đồng tư vấn tập trung triển khai thúc đẩy cải cách TTHC, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Với vai trò, chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách TTHC, VPCP làm việc với 10 địa phương còn có những khó khăn, vướng mắc thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của VPCP để cùng trao đổi, tháo gỡ.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cải cách TTHC tại các địa phương- Ảnh 2.

Đầu cầu chính đặt tại VPCP và trực tuyến đến 10 địa phương - Ảnh: VGP/Gia Huy

Các địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa TTHC

Báo cáo tại cuộc làm việc, về cải cách quy định TTHC, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC cho biết, trong 9 tháng năm 2024, công tác đánh giá tác động TTHC, thẩm định quy định TTHC đã được các địa phương cơ bản thực hiện đúng quy định.

Các địa phương đã tập trung thực hiện nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ. Tuy nhiên cả 10 địa phương đều chưa công bố đầy đủ TTHC nội bộ sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản để tham khảo triển khai (với khoảng 575 TTHC nội bộ thực hiện tại các cấp chính quyền địa phương). Các địa phương mới công bố lần lượt: Hà Giang 286/575 (còn 289), Quảng Bình 159/575 (còn 416), Hải Dương 83/575 (còn 492), Nghệ An 60/575 (còn 515), Bình Định 56/575 (còn 519), Bắc Ninh 55/575 (còn 520), Cà Mau 54/575 (còn 521), Điện Biên 52/575 (còn 523), Thừa Thiên Huế 41/575 (còn 534), Quảng Nam 31/575 (còn 544).

Đối với cải cách việc thực hiện TTHC, triển khai cơ chế một cửa, các địa phương đã ban hành Quyết định công bố danh mục TTHC và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

Tính đến tháng 10/2024, số lượng TTHC được công khai trên CSDL quốc gia về TTHC của các địa phương cụ thể như sau: Bắc Ninh 1744 TTHC; Bình Định 1845 TTHC; Cà Mau 1855 TTHC; Điện Biên 1768 TTHC; Hà Giang 1940 TTHC; UBND tỉnh Hải Dương 1797 TTHC; Nghệ An 1752 TTHC; Quảng Bình 1826 TTHC; Quảng Nam 1839 TTHC; Thừa Thiên Huế 1901 TTHC.

Tuy nhiên, qua theo dõi, việc công bố, công khai TTHC tại các địa phương chưa đầy đủ, kịp thời. Trong đó, tỷ lệ công bố đúng hạn của các địa phương cao nhất là: Cà Mau đạt 71,1%, Bình Định đạt 58,85%, Thừa Thiên Huế đạt 56,41%; tỷ lệ công khai TTHC đúng hạn của các địa phương cao nhất là: Bình Định đạt: 75,03%, Cà Mau đạt 72,03%, Thừa Thiên Huế đạt 68,55%.

Các địa phương đã hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; đồng thời, kết nối với Cổng DVCQG, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và một số hệ thống thông tin khác. Tuy nhiên, đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC các địa phương mới kết nối 7/80 (đạt 8,8%) CSLD, hệ thống thông tin dịch vụ công tập trung thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành.

Một số địa phương đạt tỷ lệ hài lòng cao trong xử lý phản ánh, kiến nghị

Trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, các địa phương đã tập trung thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về cơ chế, chính sách, TTHC.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, các địa phương nêu trên đã tiếp nhận khoảng 3.695 phản ánh, kiến nghị; đã xem xét, xử lý theo thẩm quyền khoảng gần 2.757 phản ánh, kiến nghị; còn 938 phản ánh, kiến nghị đang được tiếp tục xem xét, xử lý.

Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng về kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị tại một số địa phương đạt cao như Hà Giang (100%), Nghệ An (98%), Quảng Nam (93%)…

Trong việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và khai thác thông tin, dữ liệu đã số hóa (chỉ tiêu trong năm 2024 Chính phủ đề ra là 80%) cho thấy, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của Bình Định là 89,51%, Hải Dương là 88,32%, Hà Giang là 85,86%, Cà Mau là 84,70% đáp ứng yêu cầu của Chính phủ. Trong khi đó tỷ lệ của Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Nam, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế chưa đáp ứng yêu cầu

Đối với tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa phục vụ cho giải quyết TTHC của Cà Mau 69,70%, Quảng Bình 38,18%, Bình Định 37,48%; tuy nhiên, tỷ lệ này tại một số địa phương khác rất thấp.

Việc triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến đã được các địa phương chủ động thực hiện và đạt một số kết quả nhất định, tuy nhiên chưa đồng đều ở các địa phương như: Hà Giang (88,45%), Cà Mau (82,38%), Bình Định (78,7%), Nghệ An (46,56%), Bắc Ninh (41,66)…

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cải cách TTHC tại các địa phương- Ảnh 4.

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Gia Huy

Trao đổi để tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại trong cải cách TTHC

Về khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh Quảng Bình kiến nghị: Nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia chưa đáp ứng việc tự động hoàn trả phí, lệ phí ngay sau khi hồ sơ nộp trực tuyến bị từ chối giải quyết. Bên cạnh đó, việc thanh toán trực tuyến trên Nền tảng này yêu cầu thực hiện nhiều thao tác cho một giao dịch thanh toán trực tuyến. Tỉnh cũng kiến nghị nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm tiện ích, dễ dùng.

Về việc này, VPCP cho biết, đối với đề nghị hoàn trả đối với giao dịch thanh toán các khoản thu phí, lệ phí, thu phạt đã được hạch toán vào tài khoản cơ quan thu tại Kho bạc Nhà nước trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Do đó, việc hoàn trả, phí, lệ phí, thu phạt ngay sau khi hồ sơ bị từ chối không đủ căn cứ để thực hiện trong trường hợp các khoản thu này đã được hạch toán vào tài khoản cơ quan thu. Hiện tại, Cổng DVCQG đã nâng cấp, đáp ứng việc thực hiện chỉ cho người dân thanh toán khi hồ sơ TTHC được tiếp nhận thành công.

Về kiến nghị nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia, VPCP ghi nhận ý kiến góp ý của địa phương và sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Liên quan đến bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tỉnh Bắc Ninh kiến nghị hỗ trợ địa phương trong việc phân tích các chỉ số đánh giá như tỷ lệ hồ sơ giải quyết quả hạn cao, nhưng tại phần trích xuất trên hệ thống danh sách chi tiết hồ sơ quá hạn lại rất ít, không đồng nhất với tỷ lệ hồ sơ quá hạn.

Đối với việc này, VPCP cho biết, với hồ sơ quá hạn, Cổng Dịch vụ công quốc gia chỉ chia sẻ Danh sách hồ sơ đang xử lý quá hạn để cơ quan, đơn vị nắm bắt cụ thể, kịp thời tháo gỡ, xử lý cho cá nhân, tổ chức. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề nghị địa phương trao đổi trên nhóm hỗ trợ kỹ thuật hoặc liên hệ với chuyên viên theo dõi của VPCP để được hỗ trợ, hướng dẫn.

Nỗ lực để đến hết năm 2025 cắt giảm được 20% TTHC

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhận định, buổi làm việc đã đánh giá những kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2024 và trao đổi, thống nhất về giải pháp tháo gỡ các đề xuất, kiến nghị thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của VPCP với 5 nhóm vấn đề về: Cổng Dịch vụ công quốc gia, Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; Hệ thống xử lý phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và một số nội dung khác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá cao kết quả đạt được của 10 địa phương về công tác cải cách TTHC trong 9 tháng năm 2024, nhất là 16 kiến nghị cụ thể, sát thực tế gửi đến các bộ, ngành. VPCP sẽ tổng hợp các kiến nghị gửi các Bộ theo chức năng quản lý.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh một số điểm cần lưu tâm như: Việc cải cách các quy định TTHC được thực hiện xuyên suốt từ khâu xây dựng chính sách (chủ yếu ở cấp Bộ) đến khâu tổ chức thực thi (chủ yếu ở địa phương). Các địa phương cần lưu ý thực hiện đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc quy định TTHC.

Về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ, các địa phương cần khẩn trương công bố đầy đủ TTHC nội bộ giữa UBND tỉnh với các Bộ, cơ quan Trung ương, giữa UBND cấp tỉnh với các sở, ngành, UBND cấp huyện; xác định đúng phạm vi, thẩm quyền ban hành để rà soát, đơn giản hóa, bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 20% TTHC nội bộ theo Quyết định 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, cần nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại các bộ, địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong giải quyết TTHC; tiếp tục cải cách thực hiện TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tiếp tục xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Gia Huy

Top