Hà Nội

Phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của các Cổng TTĐT bộ, ngành

(Chinhphu.vn) - Hiện nay cùng với cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, Chính phủ rất quan tâm đến hoạt động của các Cổng Thông tin điện tử, đây là một nội dung quan trọng xây dựng và thực hiện truyền thông số, hướng đến thực hiện Chính phủ số.

12/08/2023 20:10
Phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của các Cổng TTĐT bộ, ngành - Ảnh 1.

Hội nghị "Trao đổi kinh nghiệm hoạt động Cổng TTĐT các Bộ, ngành năm 2023”. Ảnh: VGP

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã nhấn mạnh nội dung trên trong Hội nghị "Trao đổi kinh nghiệm hoạt động Cổng TTĐT các Bộ, ngành năm 2023” được tổ chức tại Quảng Ninh vào hôm nay (12/8).

Hội nghị đầu tiên giữa các Cổng TTĐT Bộ, ngành 

Hội nghị "Trao đổi kinh nghiệm hoạt động Cổng TTĐT các Bộ, ngành năm 2023” là hội nghị đầu tiên được tổ chức giữa Cổng TTĐT Chính phủ và các Cổng thông tin điện tử của các cơ quan Bộ, ngành trung ương. Hội nghị do Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn dự và chủ trì Hội nghị. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm và Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh và đại diện Người phát ngôn, của lãnh đạo Văn phòng, của 25 lãnh đạo quản lý Cổng Thông tin điện tử, Trung tâm Thông tin, đơn vị phụ trách thông tin truyền thông của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Sự kiện hôm nay là Hội nghị quan trọng của đội ngũ cán bộ làm thông tin truyền thông, làm thông tin điện tử của các bộ, ngành.

Phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của các Cổng TTĐT bộ, ngành - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh, Hội nghị là cơ hội để các đồng chí trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quý, cách làm hay, cùng nhau nhìn nhận đánh giá những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, thảo luận và đưa ra các giải pháp thiết thực để công tác thông tin truyền thông phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phục vụ công tác quản lý điều hành của các Bộ, ngành theo từng lĩnh vực được ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.

Cổng TTĐT là đơn vị chủ lực, trọng yếu trong "xây dựng và bảo vệ hình ảnh của chính quyền trên không gian mạng"

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Cổng TTĐT của cơ quan nhà nước là kênh cung cấp thông tin chính thống, tập trung của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng nơi điểm truy cập thông tin của người dân, doanh nghiệp; là địa chỉ cung cấp dịch vụ công trực tuyến hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Cổng TTĐT không những là tiếng nói, là cầu nối chính quyền với người dân và doanh nghiệp, mà còn là đơn vị chủ lực, trọng yếu trong thực hiện nhiệm vụ "xây dựng và bảo vệ hình ảnh của chính quyền trên không gian mạng".

"Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác thông tin và truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách, công tác phát triển ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói.

Những năm qua, hoạt động của các Cổng TTĐT của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là Cổng TTĐT của các Bộ, ngành có vai trò kết nối, hướng dẫn nghiệp vụ kết hợp thông tin đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong việc thực hiện các nhiệm vụ thông tin và truyền thông, truyền thông về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Truyền thông chính sách thời gian qua đã đóng góp hiệu quả vào mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần trong công tác xây dựng Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát hiện và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân; thông tin về các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; chất lượng dịch vụ công trực tuyến, kết nối, liên kết với Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày càng hiệu quả hơn.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2022, tạo bước chuyển biến mới với Cổng TTĐT Chính phủ, với Cổng TTĐT của các Bộ, ngành của các địa phương.

Trong một xã hội thông tin và mạng xã hội phát triển như hiện nay, với vai trò của Cổng TTĐT Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương, vấn đề đặt ra cho chúng ta là bài toán làm sao để tiếp tục phục vụ người dân ngày càng hiệu quả hơn để tiếp tục khẳng định vai trò là địa chỉ tin cậy cung cấp thông tin chính thức, chính thống, tập trung của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, thực hiện hiệu quả việc định hướng thông tin báo chí và dư luận xã hội, là cầu nối giao tiếp thông tin hai chiều giữa Chính phủ, giữa các bộ, ngành với người dân và doanh nghiệp, là diễn đàn của nhân dân...

"Và thông qua Cổng TTĐT Chính phủ và của các bộ, ngành, địa phương, người dân biết Chính phủ và các bộ ngành để người dân biết chúng ta làm gì, làm như thế nào trong việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Cần đổi mới hơn nữa tư duy, phương thức hoạt động của các Cổng TTĐT

Bộ trưởng Trần Văn Sơn, đề nghị các đồng chí đại biểu nghiên cứu, tích cực phát biểu ý kiến, tập trung vào một số nội dung như: Thứ nhất, đánh giá thực trạng hoạt động của các Cổng Thông tin hiện nay, những mặt được, mặt chưa được, nguyên nhân, đề xuất giải pháp, rút ra các kinh nghiệm, trao đổi về các cách làm hay, nhất là hiện nay còn nhiều điểm khác nhau đối hoạt động cổng thông tin điện tử ở các bộ, ngành, những vướng mắc khi thực hiện nghiệp vụ của mình.

Thứ hai, thảo luận, làm rõ hơn nữa để phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của các Cổng TTĐT đối với hoạt động của các bộ ngành. Các đồng chí có thể nghiên cứu mô hình, hoạt động của Cổng TTĐT Chính phủ. Đơn cử, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đặt tại Văn phòng Chính phủ không chỉ cung cấp thông tin đơn thuần, mà trên thực tế còn đóng vai trò là cơ quan phụ trách quan hệ công chúng của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ, chủ trì thực hiện tất cả các nhiệm vụ truyền thông, quan hệ công chúng với các nhiệm vụ cụ thể như: Nắm bắt, báo cáo thông tin dư luận; tham gia chuẩn bị các bài phát biểu ra công chúng, các trả lời phỏng vấn báo chí của lãnh đạo Chính phủ; tổ chức họp báo; thực hiện các khâu trong truyền thông chính sách; phát hiện và xử lý các sự cố, các vấn đề "nóng"…

Thứ ba, thảo luận về việc phát huy vai trò của các Cổng TTĐT trên môi trường mạng, nhất là trong định hướng thông tin, dư luận trên mạng xã hội. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay.

Cổng TTĐT Chính phủ có fanpage Thông tin Chính phủ hoạt động cực kỳ hiệu quả với 4,1 triệu người theo dõi thường xuyên, tạo hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Tranh thủ các nền tảng mạng xã hội khác để lan tỏa nhanh nhất, chính xác nhất, có trọng tâm trọng điểm các thông điệp, các thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ ngành.

Thứ tư, đề nghị các đồng chí trao đổi các cơ chế chính sách, để xem đã thuận lợi cho hoạt động của các Cổng TTĐT nói chung, của Cổng TTĐT các bộ, ngành nói riêng chưa, có điểm nào nên phát huy, điểm nào có khó khăn để tháo gỡ vướng mắc hay không, tìm các giải pháp khắc phục, cần sự hỗ trợ tháo gỡ gì từ phía các cơ quan chức năng.

Thứ năm, trao đổi về cơ chế phối hợp công tác giữa các Cổng TTĐT để phát huy sức mạnh tổng thể, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ trên xuống dưới, lan tỏa mạnh mẽ, đây cũng là một thế mạnh thông tin của các đồng chí. Tôi đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ, tùy tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức thường xuyên hay định kỳ các hội nghị giữa Cổng TTDT Chính phủ với Cổng TTĐT các bộ ngành, các địa phương.

Thứ sáu, công tác Họp báo Chính phủ và tại các Bộ, ngành thời gian qua đã có nhiều đổi mới, nhiều sáng tạo, hiệu quả với sự tham gia tích cực của người phát ngôn, đại diện lãnh đạo của các Bộ ngành. Nhân hội nghị hôm nay, tôi đề nghị các đồng chí thời gian tới tiếp tục phát huy những gì đã làm tốt, đặc biệt là công tác tổ chức họp báo, còn những điểm nào, cơ chế chính sách nào cần sửa đổi để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến việc này, bây giờ tất cả các Nghị định chuẩn bị ban hành, Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu VPCP báo cáo đã giản lược bao nhiêu TTHC, có gì mới, có gì bổ sung, có gì bãi bỏ.

Hội nghị với tinh thần là vừa xem xét, đánh giá, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện về các yếu tố: Sự lãnh đạo, chỉ đạo; cơ chế, chính sách; tổ chức, bộ máy, nhân lực; tài chính; công nghệ.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho rằng cần đổi mới hơn nữa tư duy, phương thức hoạt động của các Cổng TTĐT theo hướng: Chủ động hơn, tích cực hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn; không chỉ cung cấp thông tin một chiều mà còn tiếp nhận thông tin, tương tác thông tin; không chỉ cung cấp thông tin đơn thuần mà còn làm truyền thông chính sách; phản ứng thông tin nhạy bén, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố thông tin và không để xảy ra khủng hoảng truyền thông.

Sau hội nghị, Bộ trưởng Trần Văn Sơn đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ và Cổng TTĐT các Bộ, ngành phối hợp tổng hợp các kiến nghị, đề xuất tại hội nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, giải quyết, với tinh thần là tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các Cổng TTĐT các Bộ, ngành phát huy hết vai trò của mình để phục vụ công tác truyền thông chính sách, phục vụ người dân, doanh nghiệp, trở thành công cụ hữu hiệu giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác điều hành của các bộ, ngành theo hướng ngày càng tốt hơn.

Phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của các Cổng TTĐT bộ, ngành - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm

Cổng TTĐT là một phương thức mới, còn nhiều dư địa phát triển

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ vui mừng nhận thấy trong các phương thức truyền thông hiện nay Cổng TTĐT là một phương thức mới, còn nhiều dư địa phát triển, có tính chất riêng có, hấp dẫn thiết yếu và sát sườn với nhu cầu của người dân.

Cổng TTĐT các cấp đã làm tốt chức năng đa dạng hóa các phương thức thông tin, đa nền tảng, nắm bắt được xu hướng thông tin, truyền tải kịp thời đến người dân và doanh nghiệp những quyết sách của Chính phủ.

Cổng TTĐT các cấp đóng vai trò ngày càng quan trọng. Cổng TTĐT là phương thức duy nhất làm một lúc hai việc là vừa cung cấp thông tin vừa tương tác với người dân. Nhiều Cổng TTĐT có lượng truy cập ngày càng tăng, có những mục, những chuyên trang vượt lên một số báo điện tử lớn.

Về phía Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đã gợi mở một số vấn đề: Hiện nay Cổng TTĐT Chính phủ nói riêng và các Cổng TTĐT các cấp nói chung đã làm tốt chức năng cung cấp thông tin và tương tác với người dân. Tương tác ở đây là cơ quan nhà nước cung cấp thông tin, tiếp nhận phản hồi của người dân thông qua hình thức chủ yếu là hỏi đáp và xin ý kiến. Để tăng tương tác hơn, một số Cổng TTĐT đã triển khai các hình thức tương tác mới, hướng tới khai thác dữ liệu. Người dân có thể truy cập, tùy biến, sử dụng và đáp ứng nhu cầu của mình. Người dân có thể tiếp cận thông tin mà mình muốn, thay vì tiếp cận dữ liệu thông qua hình ảnh, thông tin, dữ liệu một chiều, ở dạng tĩnh như trước đây. Chúng ta cũng đang đứng trước ngưỡng cửa của các công nghệ mới, cho phép tới đây người dân có thể tương tác với Cổng TTĐT của các cơ quan nhà nước thông qua ngôn ngữ tự nhiên và nhận được câu trả lời dựa trên các dữ liệu từ trí tuệ nhân tạo.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ TT&TT đang xây dựng Dự thảo Thông tư về quy định chức năng, tính năng kỹ thuật của các  Cổng TTĐT, Trang TTĐT của các cơ quan nhà nước, rất mong các đồng chí đóng góp ý kiến.

Dự thảo thông tư có các quy định về Cổng TTĐT thành phần và Trang TTĐT thành phần. Các Cổng thành phần, Trang thành phần kết nối với hệ thống giám sát và đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số.

Chúng ta có Trang TTĐT loại 1 và Trang TTĐT loại 2, có thể sử dụng công nghệ riêng, không đồng nhất về mặt công nghệ với Cổng TĐTT. Trang loại 1 đáp ứng các nhu cầu kỹ thuật cơ bản, phải là trang thành phần Cổng TTĐT. Trang loại 2 đồng nhất hoàn toàn về công nghệ với cổng và Trang TTĐT mà nó trực thuộc.

Thời gian qua, chúng ta nói nhiều về việc hình thành, kết nối mạng lưới truyền thông chính sách trong cả nước. Chúng tôi được biết Cổng TTĐT Chính phủ là cơ quan dẫn dắt việc này, đã có sáng kiến và kế hoạch để kết nối các Cổng TTĐT của các Bộ, ngành địa phương. Bên cạnh chủ trương và quyết tâm chính trị rất đúng đắn này chúng ra phải chuẩn bị điều kiện kỹ thuật và giao thức để thực hiện.

"Bộ TT&TT cũng là một cơ quan trực thuộc Chính phủ và chúng tôi mong muốn Cổng TTĐT của Bộ TT&TT sẽ được kết nối, trở thành một Cổng thành phần của Cổng TTĐT Chính phủ. Từ đó, chúng tôi có thể chủ động cập nhật, đẩy các thông tin trên Cổng của Bộ lên Cổng TTĐT Chính phủ sau khi qua khâu rà soát, chọn lọc. Chúng tôi mong sớm hoàn thành việc này, để Bộ TT&TT có thể thông tin đến các Bộ, ngành quy trình kết nối, đẩy nhanh quá trình kết nối giữa Cổng TTĐT các cấp.", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.

Bộ TT&TT cũng nhận nhiệm vụ kết nối và tạo nên những mô hình đào tạo để trau dồi năng lực nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác thông tin của các Bộ, ngành địa phương.

Phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của các Cổng TTĐT bộ, ngành - Ảnh 4.

Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Cần làm gì để nâng cao vị thế của Cổng TTĐT?

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ chia sẻ kinh nghiệm: Cổng TTĐT của các bộ, ngành cần làm gì để phát huy vị thế, vai trò của mình trước tiên là trong "con mắt" của lãnh đạo trong bộ, ngành và làm gì để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Hồng Sâm, thứ nhất, cần cung cấp thông tin nhanh nhất, chính xác nhất, có trọng tâm, trọng điểm, không để xảy ra sự cố hay khủng hoảng truyền thông. Các Cổng thông tin thường nằm trong Văn phòng, phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo bộ, ngành, được quyền tiếp cận thông tin rất sớm nhưng nội dung chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành đó.

Khi có nội dung cần truyền thông, các cơ quan báo chí đưa tin theo tôn chỉ mục đích riêng, nhưng đối với Cổng TTĐT với tư cách là nơi phát ra thông tin nguồn, chính xác nhất nên để không có cách hiểu, các suy diễn khác nhau thì tất cả các thông tin liên quan đến chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành đều được Cổng TTĐT phát ra.

Một kinh nghiệm nữa là bên cạnh việc tuyên truyền trên các nền tảng truyền thống, "chúng ta cũng cần chú trọng việc tổ chức truyền thông trên mạng xã hội. Hiện nay, có nhiều nền tảng mạng xã hội và Cổng TTĐT Chính phủ cũng đã tận dụng ưu thế của các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtobe … để tổ chức truyền thông, đơn cử Fanpage của Thông tin Chính phủ hiện có trên 4 triệu thành viên.

Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội cũng như "con dao hai lưỡi" đòi hỏi chúng ta phải làm chủ được công nghệ khi vận hành, nếu không rất dễ trở thành nạn nhân. Với những kinh nghiệm đã đạt được trong quá trình vận hành, Cổng Thông tin Chính phủ rất sẵn lòng trong việc hướng dẫn, chia sẻ, đào tạo, giúp cho các đồng chí có thể tham gia tuyên truyền trên mạng xã hội.

Chúng tôi thực hiện phương châm thực hiện tất cả những phương tiện, công cụ mình có trong tay để truyền tải thông điệp, thông tin một các chính xác nhất, nhanh nhất đến với độc giả đến với độc giả, đến với người dân. Và hiệu quả nhìn thấy rõ ràng nhất là việc truyền thông trong giai đoạn phòng chống đại dịch COVID-19 vừa qua, hay trong truyền thông về phòng chống thiên tai, bão lũ.

Đối với công tác tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ được giao nhiệm vụ tổ chức với sự tham gia của gần 120 cơ quan báo chí chính thống trong cả nước. Với sự phối hợp của các vụ, cục liên quan thuộc Văn phòng Chính phủ, công tác tổ chức các cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ rất hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm. Cổng TTĐT Chính phủ cũng mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ hơn của các bộ, ngành trong quá trình tổ chức họp báo.

Bên cạnh đó, Cổng TTĐT Chính phủ cũng tiến hành tổng thuật nhiều hội nghị lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa tất cả thông tin truyền thông đến với độc giả và người dân.

Đối với công tác kết nối, chia sẻ thông tin, hơn một năm nay, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có giao diện mới, hiện đại nhất trong các cơ quan báo chí. Nghị định 42 có nội dung về chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, địa phương; hiện Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã đặt đường link với cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương nhưng chỉ mới dừng lại ở việc đặt đường link để kết nối với nhau. Sắp tới sẽ mở thêm các tương tác như: bộ, ngành, địa phương có vấn đề nóng, quan trọng cần truyền thông thì có thể chia sẻ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, để tăng thêm lan tỏa.

Đối với vấn đề công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công báo, xuất bản và phát hành Công báo Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện tất cả công báo đã đưa lên điện tử và công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương đang được thực hiện khá hiệu quả. Sắp tới, Cổng TTĐT Chính phủ cũng có Đề án nâng cao hiệu quả hơn nữa tính năng tìm kiếm, tra cứu nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Đối với công tác truyền thông về chính sách, vấn đề này rất quan trọng, từ ngày 21/6/2022, Cổng TTĐT Chính phủ vận hành chuyên trang Xây dựng chính sách, pháp luật để truyền thông toàn bộ vòng đời chính sách. Qua hơn một năm, lượng người truy cập trên chuyên trang đã đạt được những kết quả rất tích cực. Cổng TTĐT Chính phủ rất mong muốn tiếp tục nhận được sự cộng tác chặt chẽ hơn nữa của các bộ ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quý, cách làm hay, cùng nhau nhìn nhận đánh giá những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, thảo luận và đưa ra các giải pháp thiết thực để công tác thông tin truyền thông phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phục vụ công tác quản lý điều hành của các Bộ ngành theo từng lĩnh vực được ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.

PV

Top