Hà Nội

Nâng cao nhận thức để tham mưu, xây dựng chính sách về bình đẳng giới

(Chinhphu.vn) - Hội nghị tập huấn đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động VPCP nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu trong việc xây dựng chính sách về bình đẳng giới và lồng ghép giới; biết cách phòng tránh bạo lực về giới, xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình, góp phần bình đẳng giới một cách thực chất.

04/11/2023 17:14
Nâng cao nhận thức để tham mưu, xây dựng chính sách về bình đẳng giới - Ảnh 1.

Các CBCCVCNLĐ VPCP tham gia Hội nghị tập huấn nghiệp vụ bình đẳng giới. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Thực hiện Chương trình công tác năm, hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, trong 2 ngày 3-4/11, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ bình đẳng giới cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVNNLĐ) VPCP.

Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Hoàng Thị Hà, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ VPCP, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn VPCP cùng các đồng chí trong lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị, các đồng chí thành viên Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, Ban Nữ công Công đoàn, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động VPCP.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Hoàng Thị Hà nhấn mạnh, công tác bình đẳng giới là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Mục tiêu của chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Vì thế, trong những năm qua, tại VPCP, Đảng ủy, Lãnh đạo VPCP và các tổ chức đoàn thể luôn quan tâm công tác cán bộ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, phát huy năng lực, trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của VPCP nói riêng và đất nước nói chung.

Nâng cao nhận thức để tham mưu, xây dựng chính sách về bình đẳng giới - Ảnh 2.

Đồng chí Hoàng Thị Hà, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ VPCP, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Đồng chí Hoàng Thị Hà cho biết thêm, tại VPCP, đã có nhiều cán bộ, công chức, viên chức là phụ nữ đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong bộ máy cơ quan. Những đóng góp của các cán bộ, công chức, viên chức nữ đã góp phần không nhỏ vào những thành tích mà VPCP đã đạt được trong nhiều năm qua.

Tại hội nghị, Thạc sĩ Phạm Thu Hiền, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trao đổi về các chuyên đề liên quan đến bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý và một số giải pháp nhằm giảm thiểu bạo lực giới, phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực giới… để từ đó giúp các CBCCVNNLĐ VPCP có góc nhìn bao quát và sâu rộng hơn nhằm nâng cao nhận thức, đồng thời góp phần tham mưu vào công tác xây dựng chính sách liên quan đến bình đẳng giới.

Theo Thạc sĩ Phạm Thu Hiền, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong lĩnh vực bình đẳng giới. Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2020, Việt Nam đứng thứ 87/153 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới; là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất Mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Nâng cao nhận thức để tham mưu, xây dựng chính sách về bình đẳng giới - Ảnh 3.

Thạc sĩ Phạm Thu Hiền, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ: Cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về vấn đề giới trong lãnh đạo, quản lý cán bộ, công chức. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Thạc sĩ Phạm Thu Hiền lấy dẫn chứng, theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV đạt 30,26%, cao hơn khóa XIV 3,46% và cao nhất từ Quốc hội Khóa V trở lại đây (hiện xếp hạng thứ 62/190 quốc gia); tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 48,3%. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa chỉ số tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9/58 nước; xếp thứ 2/6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc giải quyết bất bình đẳng giới. Đó là tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động tuy cao nhưng vị thế công việc của phụ nữ còn thấp; cùng một công việc nhưng thu thập bình quân của phụ nữ thấp hơn mức thu nhập bình quân của nam giới. Bên cạnh đó, lao động nữ là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực. Thời gian qua, tỷ lệ nữ giới làm công tác quản lý, lãnh đạo tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng. Tại nhiều nơi vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục.

Nâng cao nhận thức để tham mưu, xây dựng chính sách về bình đẳng giới - Ảnh 4.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền (Vụ Hành chính VPCP) tham gia ý kiến xây dựng chính sách về bình đẳng giới. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Theo Thạc sĩ Phạm Thu Hiền, những vấn đề trên đã và đang tồn tại là trở ngại rất lớn cho công tác bình đẳng giới. Thạc sĩ Phạm Thu Hiền cho rằng, một số giải pháp trong thời gian tới để thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý là cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về vấn đề giới trong lãnh đạo, quản lý cán bộ, công chức (trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, các cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra, khảo sát để đánh giá nhu cầu của các bên liên quan để có sự phân nhóm xã hội trong khung chính sách nhằm vừa đảm bảo được quyền lợi cho các bên liên quan vừa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào quá trình lãnh đạo, quản lý); tiếp đến là đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới để tạo nhận thức đúng của cán bộ, công chức và cộng đồng xã hội về bình đẳng giới trong công vụ. Điều này nhằm bảo đảm cán bộ, công chức và cộng đồng xã hội ủng hộ các sáng kiến, các quy định về bình đẳng giới, tránh định kiến rằng pháp luật ưu tiên nữ giới trong công vụ.

Đặc biệt là tại các cơ quan, đơn vị, cấp ủy đảng và người đứng đầu cần tạo cơ hội để CBCCVCNLĐ nữ có điều kiện phát huy năng lực, sở trường, kiến thức của mình vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị đó.

Trong chuyên đề về giảm thiểu bạo lực giới, phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực giới, Thạc sĩ Phạm Thu Hiền cho rằng, hiện nay bạo lực giới xảy ra dưới nhiều dạng, hình thức, đó là các hình thức bạo lực về tinh thần, thể chất, kinh tế, tình dục…  Hậu quả của các kiểu bạo lực kéo dài âm ỉ và có thể gây tổn hại tới sức khỏe tinh thần của nạn nhân, có thể gây nên bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội…

Các CBCCVCNLĐ VPCP tham gia Hội nghị tập huấn. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Vì thế, giải pháp được đề xuất ở đây là phát huy vai trò của tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động thành viên của mình thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng các quy chế, quy ước để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư, trong từng gia đình; cần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi bạo lực; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh bạo lực về thể chất, tinh thần, tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái; đồng thời tạo việc làm ổn định cuộc sống nhằm giảm thiểu nạn thất nghiệp, không có thu nhập, áp lực căng thẳng dẫn đến bạo lực giới.

Sau khi nghe những trao đổi của Thạc sĩ Phạm Thu Hiền và các đại biểu tham dự hội nghị, đồng chí Hoàng Thị Hà cảm ơn những chia sẻ, nội dung, kiến thức, ý kiến mà giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng các đại biểu tham gia. Theo đồng chí Hoàng Thị Hà, đây là những nội dung hết sức căn bản và quan trọng về công tác bình đẳng giới giúp CBCCVCNLĐ nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu trong việc xây dựng chính sách về bình đẳng giới và lồng ghép giới; giúp các CBCCVCNLĐ biết cách phòng tránh bạo lực về giới, xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình, góp phần bình đẳng giới một cách thực chất. Đồng thời cũng nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp.

Trong khuôn khổ hội nghị lần này, Ban Tổ chức cũng tổ chức hoạt động ngoại khóa, tập huấn kỹ năng, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giúp các CBCCVCNLĐ VPCP tìm hiểu rõ hơn về công tác bình đẳng giới, các hoạt động trải nghiệm đã kết nối, tạo sự đoàn kết giữa các thành viên, các CBCCVCNLĐ thông qua các trò chơi mang tính tập thể, gắn kết.

Một số hình ảnh hoạt động ngoại khóa, tập huấn kỹ năng, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, gắn kết giữa các CBCCVCNLĐ VPCP:

Một số trò chơi tập thể gắn kết tình đoàn kết giữa các thành viên. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Một số trò chơi nhóm mang tính thi đua, phát huy năng lực nhóm giữa các thành viên. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Vĩnh Hoàng

Top