Hà Nội

Minh chứng về sự hợp tác hiệu quả thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh

(Chinhphu.vn) - Những kết quả tốt đẹp của Dự án Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) đã và sẽ tiếp tục đóng góp lâu dài cho công tác cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập, kết nối với khu vực và quốc tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

04/08/2023 17:11
Minh chứng về sự hợp tác hiệu quả, thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh - Ảnh 1.

Giám đốc Dự án USAID LinkSME Aler Grubbs bàn giao tài liệu và các sản phẩm của Dự án cho ông Ngô Hải Phan, Giám đốc Ban Quản lý Dự án LinkSME - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 4/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ tổng kết Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME).

Lễ tổng kết có sự tham dự của Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Sỹ Hiệp, Giám đốc USAID Việt Nam Aler Grubbs, cùng đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện từ tháng 9/2019 theo Quyết định số 1203/QĐ-TTg với nguồn vốn ODA do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) viện trợ không hoàn lại.

Minh chứng về sự hợp tác hiệu quả, thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh - Ảnh 2.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của USAID thông qua việc triển khai Dự án LinkSME - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Dự án tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống của môi trường kinh doanh

Dự án có 3 Hợp phần kỹ thuật bao gồm: Hợp phần 1- Thúc đẩy cải cách thể chế, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hợp phần 2 - Hỗ trợ gia tăng hiệu quả tương tác Chính phủ - doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp nhỏ và vừa; và Hợp phần 3 - Nâng cao năng lực cung ứng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, và tăng cường liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với chuỗi cung ứng.

Trong đó, Hợp phần 1 và 2 do VPCP chủ trì, còn Hợp phần 3 do Bộ KH&ĐT chủ trì. Ngoài 2 cơ quan trên, việc thực hiện Dự án còn có sự tham gia của các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, UBND các tỉnh, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, các Hiệp hội doanh nghiệp, các viện nghiên cứu thuộc các cơ quan chính phủ và đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trải qua 1 năm chuẩn bị và 4 năm triển khai trên thực tế, Dự án đến nay đã cơ bản hoàn thành và sẽ chính thức kết thúc vào tháng 9/2023 tới đây.

Thừa ủy quyền lãnh đạo VPCP, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (VPCP), Giám đốc Ban Quản lý Dự án ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của USAID thông qua việc triển khai Dự án LinkSME.

Theo ông Ngô Hải Phan, những kết quả tốt đẹp mà Dự án đã đạt được trong suốt thời gian qua đã góp phần tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống của môi trường kinh doanh thông qua các hoạt động cải cách thể chế, đơn giản hoá quy định, thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ để tạo thuận lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; đồng thời tạo ra các thay đổi cơ bản về khả năng hội nhập, kết nối với khu vực và quốc tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua việc cải thiện mối quan hệ với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Ngô Hải Phan tin tưởng rằng những kết quả tốt đẹp của Dự án đã và sẽ tiếp tục đóng góp lâu dài cho công tác cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập, kết nối với khu vực và quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; đồng thời, góp phần tích cực vào mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.

Minh chứng về sự hợp tác hiệu quả, thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh - Ảnh 3.

Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết, Dự án LinkSME là một minh chứng cho sự hợp tác thành công giữa Việt Nam- Hoa Kỳ. Chính phủ Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trên mọi mặt, trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, cắt giảm các quy định trước đây được coi là gánh nặng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

USAID là đối tác kiên định của Việt Nam trong nỗ lực giải quyết những thách thức quan trọng về điều hành kinh tế, năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân và mức độ sẵn sàng của lượng lao động trước yêu cầu của nền kinh tế số.

Năm nay, Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bao gồm thông qua cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân, là một minh chứng nữa về cách mà Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác chiến lược cùng nhau để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước.

Minh chứng về sự hợp tác hiệu quả, thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh - Ảnh 4.

Ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án USAID LinkSME nêu những kết quả nổi bật của Dự án - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Nền tảng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy giao thương 

Nêu những kết quả nổi bật, ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án USAID LinkSME cho biết, mặc dù quá trình thực hiện Dự án gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tuy nhiên với sự nỗ lực, quyết tâm cao, Dự án đã hoàn thành 128 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức 212 sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 16.400 đại biểu đến từ khu vực nhà nước và khu vự tư nhân.

Các hoạt động hỗ trợ về cải cách thể chế, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được triển khai hiệu quả. Đáng chú ý, Dự án đã hỗ trợ trên 70 nghiên cứu khuyến nghị và tài liệu hướng dẫn nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP về ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025, qua đó đóng góp một phần vào kết quả thực hiện Nghị quyết của Chính phủ với 2.392 quy định kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa tại 194 văn bản quy phạm pháp luật từ năm 2021 đến nay.

Ngoài ra, Dự án hỗ trợ các nghiên cứu, khuyến nghị về việc xây dựng, triển khai Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19…

Đồng thời, đã hỗ trợ xây dựng các Báo cáo chuyên đề như đánh giá hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) hàng năm…

Minh chứng về sự hợp tác hiệu quả, thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh - Ảnh 5.

Lễ tổng kết Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Các hoạt động hỗ trợ tương tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp được thực hiện hiệu quả theo hướng hiện đại hóa nhằm huy động, phát huy vai trò, tiếng nói của doanh nghiệp trong quá trình cải cách, tạo thuận lợi tối đa trong việc thực hiện các quy định, thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong đó, đã hỗ trợ nâng cấp Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; triển khai mô hình đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa nhiều thủ tục hành chính; thiết kế Bộ nhận diện Bộ phận một cửa các cấp và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành với khẩu hiệu "Hành chính phục vụ"; xây dựng khung bộ chỉ số điều hành phục vụ quá trình ra quyết định của Chính phủ về các vấn đề kinh tế-xã hội…

Các hoạt động hỗ trợ năng lực cung ứng và kết nối của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được nâng cao, mối liên kết kinh doanh tham gia chuỗi giá trị toàn cầu được tăng cường với khoảng 300 trăm đơn hàng có tổng giá trị gần 10 triệu USD giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với doanh nghiệp đầu chuỗi được kết nối thành công; năng lực cung cấp dịch vụ kết nối cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp được tăng cường; hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các kỹ năng kết nối, chuyển đổi số, tiếp cận tài chính, trong đó nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ chuyên sâu trực tiếp 1:1 với chuyên gia của Dự án.

Minh chứng về sự hợp tác hiệu quả, thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh - Ảnh 6.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Từ những kết quả tích cực, ông Daniel Fitzpatrick cho rằng, chính sự cam kết và phối hợp chặt chẽ từ phía các đối tác Chính phủ với USAID là yếu tố then chốt quyết định thành công của Dự án. Bên cạnh đó, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra như: Cần sự linh hoạt nhằm đáp ứng các ưu tiên và nhu cầu. Đối với hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh, cần đầu tư dài hạn nhằm đạt được các kết quả tiếp nối và lâu dài. Các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp rất đa dạng, cần có các chiến lược hỗ trợ và hợp tác phù hợp...

Các ý kiến tại buổi lễ cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng mặc dù Dự án LinkSME đã hoàn thành chặng đường 5 năm đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam, nhưng những thành tựu, kết quả đạt được sẽ là nền tảng giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam nâng cao năng lực, thúc đẩy giao thương, tăng cường kết nối và gặt hái những thành công mới trong tương lai.

Hoàng Giang

Top