Hà Nội

Đôn đốc tích hợp dịch vụ công để người dân không cần mang nhiều giấy tờ

(Chinhphu.vn) - Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của các Bộ nhằm phục vụ chuyển đổi số quốc gia, người dân không còn phải mang nhiều giấy tờ để chứng minh thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

21/04/2023 13:17
Đôn đốc tích hợp dịch vụ công để người dân không cần mang nhiều giấy tờ  - Ảnh 1.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Gia Huy

Sáng 21/4, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp với đại diện các Bộ, cơ quan về tái cấu trúc quy trình, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của Bộ. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 68%

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, phát biểu tại cuộc họp, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (TTHC) cho biết, việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ (Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), đặc biệt là đưa các dịch vụ công, TTHC lên môi trường điện tử là yêu cầu tất yếu khi đang đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực thực hiện nhiệm vụ này để tích hợp dịch vụ công trực tuyến thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của các Bộ.

Theo ông Ngô Hải Phan, việc tái cấu trúc quy trình cung cấp các dịch vụ công thiết yếu là nhiệm vụ được Chinh phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc các Bộ, cơ quan thực hiện. Vì vậy, cuộc họp nhằm giao ban, trao đổi, kiểm đếm các nội dung để tích cực cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo Cục Kiểm soát TTHC, thời gian qua, với sự tham gia của các Bộ, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 4.405 dịch vụ công trực tuyến (đạt 68%), tăng 1.200 dịch vụ so với cùng kỳ năm 2022.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 600 triệu lượt truy cập, hơn 4,3 triệu hồ sơ trực tuyến, 3,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến được thực hiện từ Cổng, tăng 526% so với cùng kỳ năm 2022, trung bình mỗi ngày tiếp nhận, xử lý khoảng 100 nghìn hồ sơ, giao dịch thanh toán trực tuyến.

Đôn đốc tích hợp dịch vụ công để người dân không cần mang nhiều giấy tờ  - Ảnh 2.

Chỉ tiêu tích hợp dịch vụ công so với yêu cầu của Chính phủ còn thấp

Tuy nhiên, Cục Kiểm soát TTHC cho biết, nhiều chỉ tiêu thực hiện so với yêu cầu của Chính phủ còn thấp; một số dịch vụ công trực tuyến còn chưa được tái cấu trúc quy trình theo hướng lấy người dùng làm trung tâm nên chất lượng thực hiện chưa cao.

Cụ thể, tỷ lệ đồng bộ trạng thái hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng còn thấp, thậm chí có Bộ trong quý I/2023 không đồng bộ hồ sơ như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế.

Về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, Bên cạnh một số bộ, ngành triển khai tương đối tốt như: Bộ Tài chính; Tập đoàn Điện lực Việt Nam… thì còn một số bộ, ngành chưa thực hiện hoặc thực hiện đạt kết quả thấp. Ví dụ việc cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đạt kết quả thấp: Bộ Công an (4,79%); Bộ Tư pháp (1%); Bộ Tài nguyên và Môi trường (4,34%)…

Một số bộ, ngành tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia còn thấp như: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội 9,4% (yêu cầu của Chính phủ là 70% trong tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết)...

Hiện nay, còn 9 thủ tục hành chính theo Đề án 06 và 19 thủ tục, nhóm thủ tục tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ chưa hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Bộ Công an chủ trì 4 TTHC, nhóm TTHC và 2 nhóm TTHC tham gia phối hợp; Bộ Tư pháp chủ trì 4 TTHC, nhóm TTHC và 2 nhóm TTHC tham gia phối hợp; Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì 4 TTHC, nhóm TTHC và 1 TTHC tham gia phối hợp; Bộ Giao thông vận tải chủ trì 1 TTHC và 1 TTHC tham gia phối hợp; Bảo hiểm xã hội Việt nam chủ trì 2 TTHC, nhóm TTHC và 01 TTHC tham gia phối hợp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì 2 TTHC, nhóm TTHC; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì 3 TTHC, nhóm TTHC; Bộ Tài chính chủ trì 3 TTHC, nhóm TTHC và 5 TTHC, nhóm TTHC tham gia phối hợp; Bộ Y tế chủ trì 2 TTHC, nhóm TTHC; Tập đoàn Điện lực chủ trì 2 TTHC, nhóm TTHC; Liên Đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì 1 TTHC; Tòa án nhân dân tối cao tham gia phối hợp 2 TTHC.

Đẩy nhanh tiến độ tích hợp dịch vụ công đúng hạn

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, cơ quan đã trao đổi, thông tin về tiến độ thực hiện cung cấp, liên thông các dịch vụ công thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công các Bộ.

Đại diện Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, số lượng TTHC của Bộ chiếm tỷ lệ lớn trong các dịch vụ của Bộ Tài chính, đơn vị đang tích cực thực hiện, hiện đã đưa 101/135 dịch vụ công tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cục Hải quan cũng cho biết đang tích cực tích hợp các dịch vụ còn lại, đang đẩy nhanh tiến độ tích hợp các dịch vụ còn lại.

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết đơn vị còn 4 thủ tục, trong đó có thủ tục liên thông, cấp lý lịch tư pháp trực tuyến. Theo quy trình khi hoàn thiện việc tích hợp liên thông, công dân thực hiện đăng ký kết hôn trực tuyến sẽ không còn phải nộp xác nhận tình trạng hôn nhân. Bộ Tư pháp đã ban hành quy trình liên thông, tuy nhiên hiện đang nâng cấp phần mềm quản lý hộ tịch, do đó cần thời gian nâng cấp, điều chỉnh và hoàn thành trong quý IV/2023.

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan đề nghị các đơn vị thuộc các Bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ, những dịch vụ công nào chưa kết nối đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia thì đề nghị thực hiện đúng hạn. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, giảm thiểu việc người dân phải khai nhiều thông tin và phải mang nhiều giấy tờ để chứng minh thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

Gia Huy

Top