Hà Nội

Đổi mới tổ chức, hoạt động của Bộ phận Một cửa

(Chinhphu.vn) - Việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Bộ phận Một cửa tiếp tục được đặt ra nhằm tạo ra bước chuyển biến thực chất và hiệu quả hơn, theo hướng kết hợp Bộ phận Một cửa của các đơn vị hành chính trên địa bàn, tận dụng ưu thế của chuyển đổi số, nâng cao tính chuyên nghiệp.

23/05/2024 13:30
Đổi mới tổ chức, hoạt động của Bộ phận Một cửa- Ảnh 1.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/HG

Ngày 23/5, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức cuộc họp của Tổ Biên tập xây dựng tài liệu về mô hình mẫu Bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp Bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn.

Cuộc họp có sự tham dự của các thành viên Tổ Biên tập là đại diện các bộ, cơ quan: VPCP, Bộ Công an, Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ban Cơ yếu Chính phủ, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và và được trực tuyến đến các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Bình Dương.

Tại Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 04/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao VPCP chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Tài chính, Tư pháp, TT&TT, Nội vụ nghiên cứu, xây dựng tài liệu về mô hình mẫu Bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp Bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn, tổ chức thí điểm tại 4 địa phương Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Quảng Ninh trước khi tổng kết, nhân rộng.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 về tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó tiếp tục coi đây là một nhiệm vụ cần khẩn trương thực hiện, giao VPCP cùng 4 địa phương phối hợp với các bộ, cơ quan tổ chức triển khai thí điểm trong năm 2024 trước khi tổng kết, nhân rộng vào năm 2025.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (VPCP) cho biết, thời gian qua, chúng ta đã đạt được kết quả tích cực, chất lượng Bộ phận một cửa được nâng cao, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, hạn chế tình trạng tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà và tình trạng chậm muộn trong xử lý hồ sơ công việc...

Tuy nhiên, cũng còn những tồn tại và bất cập như việc kết nối giữa các bộ phận một cửa, giữa bộ phận một cửa và cơ quan chuyên môn còn chưa thông suốt, liên tục; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết còn chậm dẫn đến chưa thể khai thác, tái sử dụng dữ liệu khi giải quyết thủ tục hành chính…

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, đồng thời thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, tiến hành việc chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công mà nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp hoặc các tổ chức xã hội đảm nhiệm, việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Bộ phận một cửa tiếp tục được đặt ra.

Qua đó nhằm tạo ra bước chuyển biến thực chất và hiệu quả hơn, theo hướng kết hợp Bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính trên địa bàn, tận dụng ưu thế của chuyển đổi số trong tổ chức các hoạt động hành chính đã tạo lập được, nâng cao tính chuyên nghiệp trong từng khâu thực hiện và khai thác được nguồn lực xã hội hóa thông qua dịch vụ bưu chính công ích.

4 địa phương Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Quảng Ninh là những địa phương có nhiều điểm nổi bật trong công tác cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, tham gia tích cực quá trình chuyển đổi số và cũng có những đặc thù về địa lý, diện tích, dân số trong việc tổ chức Bộ phận một cửa tại địa bàn.

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng quy định, tổng hợp nội dung các báo cáo của 4 địa phương theo đề cương của Tổ biên tập và nghiên cứu những kinh nghiệm quốc tế về tổ chức cơ chế một cửa, cung cấp dịch vụ công, nhóm biên tập đã xây dựng tài liệu tài liệu hướng dẫn thí điểm mô hình một cửa theo hướng kết hợp cung cấp dịch vụ hành chính công của các đơn vị hành chính trên cùng địa bàn tại 4 tỉnh, thành phố.

Đổi mới tổ chức, hoạt động của Bộ phận Một cửa- Ảnh 2.

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu VPCP - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Cải thiện, đổi mới cách thức, mô hình phục vụ

Tại cuộc họp, nhóm biên tập đã trình bày các nội dung liên quan đến kinh nghiệm quốc tế về triển khai bộ phận cung cấp dịch vụ công; thực trạng quy định pháp luật về Bộ phận một cửa và thực tiễn triển khai tại 4 địa phương; định hướng mô hình mẫu, cơ chế quản lý và những tiêu chuẩn cần đạt được của mô hình mẫu; kiến trúc, hạ tầng công nghệ thông tin, phân khu chức năng và quy trình xử lý công việc tại mô hình mẫu.

Ông Trần Đức Trung, Chánh Văn phòng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính cho biết, để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, hỗ trợ, phục vụ người dân và doanh nghiệp, các quốc gia như: Singapore, Pháp, Australia, Trung Quốc, Nga đã không ngừng nghiên cứu, cải thiện, đổi mới cách thức, mô hình phục vụ gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận tối đa các chính sách của Chính phủ thuận lợi, dễ dàng, qua đó tăng cường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với chính quyền…

Theo đó, các quốc gia đều thực hiện nguyên tắc "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm". Tổ chức mô hình bộ phận một cửa "tương đối độc lập" với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công như Singapore, Australia, Nga, Pháp.

Tính chất tương đối độc lập của Bộ phận một cửa ở các quốc gia có sự khác nhau nhưng đều tách biệt với các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công để hạn chế tối đa việc tiếp xúc, tránh tham nhũng vặt, đồng thời trao quyền cho bộ phận này trong việc điều phối, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục, dịch vụ công.

Các Trung tâm Bộ phận một cửa đều thực hiện tiếp nhận "không phụ thuộc vào địa giới hành chính". Đồng thời bảo đảm tính "chuyên nghiệp" và nâng cao "năng suất" lao động.

Tại các quốc gia này, quầy tiếp nhận hồ sơ sẽ thực hiện tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính của tất cả các ngành, lĩnh vực giúp phân tải ngay trong giai đoạn tiếp nhận (hạn chế việc một thời điểm có thể có những ngành, lĩnh vực quá tải số lượng hồ sơ nhưng có quầy có số lượng hồ sơ rất thấp), nâng cao năng suất, giảm thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Từ những kinh nghiệm quốc tế trên cho thấy Việt Nam cần chuyên nghiệp hoá bộ phận hướng dẫn, tiếp nhận, số hoá và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời, trao quyền cho bộ phận này trong việc đôn đốc, giám sát và điều phối việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để tăng cường chất lượng phục vụ, năng suất lao động, phát huy vai trò của bộ phận một cửa.

Bên cạnh đó, giảm đầu mối bộ phận một cửa tại các cơ quan nhà nước để tổ chức tập trung lại theo khoảng cách nhất định tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và không phân biệt địa giới hành chính trong phục vụ người dân…

Đổi mới tổ chức, hoạt động của Bộ phận Một cửa- Ảnh 3.

Cuộc họp của Tổ Biên tập xây dựng tài liệu về mô hình mẫu Bộ phận một cửa - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Nêu thực trạng quy định pháp luật về bộ phận một cửa và thực tiễn triển khai tại 4 địa phương, ông Nguyễn Hùng Huế, Trưởng phòng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối kinh tế ngành cho biết, nhóm biên tập đã đề xuất 2 phương án.

Cụ thể, Phương án 1 kết hợp các bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính các cấp tại cùng 1 địa điểm. Với phương án này có ưu điểm là thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành; không làm phát sinh yêu cầu về thay đổi cơ chế, chính sách, quy phạm pháp luật liên quan.

Tuy nhiên việc tổ chức bộ phận một cửa vẫn chủ yếu căn cứ vào thẩm quyền tiếp nhận thủ tục hành chính theo cấp hành chính nên không linh hoạt, thuận lợi trong xử lý các vấn đề quả tải cục bộ; việc thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính khó triển khai và sẽ tùy điều kiện của từng bộ phận một cửa...

Theo tính toán, phương án này giúp giảm 499 Bộ phận một cửa và giảm 2.509 cán bộ, công chức, tương ứng sẽ tiết kiệm gần 215 tỷ đồng/năm chi phí đầu tư, duy trì, vận hành bộ phận một cửa và chi tiền lương, tiền công cho cán bộ, công chức Bộ phận một cửa khi thực hiện tại 4 địa phương.

Phương án 2 là thí điểm tổ chức cơ quan chuyên trách một cấp (không phân biệt các cấp hành chính) về cung cấp dịch vụ công trực thuộc UBND tỉnh.

Đây là mô hình mới, làm thay đổi căn bản so với mô hình hiện tại (chuyên nghiệp hóa theo ngành, lĩnh vực; cơ cấu tổ chức…), tuy nhiên, đòi hỏi phải hoàn thiện về cơ sở pháp lý mới đủ điều kiện để triển khai thực hiện, cũng như phải có hạ tầng công nghệ thông tin và sự phối hợp tốt giữa Bộ phận một của với cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính mới bảo đảm việc thực hiện thông suốt, hiệu quả.

Phương án này giúp giảm được 896 Bộ phận một cửa, giảm 3.892 cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận một của, tương ứng giúp tiết kiệm hơn 352 tỷ đồng/năm chi phí đầu tư, duy trì, vận hành Bộ phận một cửa và tiền lương, tiền công của cán bộ, công chức Bộ phận một cửa khi thực hiện tại 4 địa phương.

Tại cuộc họp, đại diện các địa phương, bộ ngành đã trao đổi, thảo luận về những vấn đề tồn tại trong thực tiễn triển khai tại địa phương, góp ý, phân tích các mô hình được nhóm biên tập đề xuất để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cao nhất.

Hoàng Giang

Top