Hà Nội

Đẩy mạnh chia sẻ, kết nối dữ liệu để triển khai các nhóm thủ tục hành chính liên thông

(Chinhphu.vn) - Ngày 23/11, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (VPCP) phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) tổ chức cuộc họp về xây dựng biểu mẫu thu thập dữ liệu; tài liệu hướng dẫn thu thập; cập nhật dữ liệu lĩnh vực đất đai, xây dựng, y tế, LĐTB&XH; chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các bộ ngành, địa phương (TP.Hà Nội và tỉnh Hà Nam).

23/11/2022 17:26
Đẩy mạnh chia sẻ, kết nối dữ liệu để triển khai các nhóm thủ tục hành chính liên thông - Ảnh 1.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (VPCP) phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH; Bộ TT&TT; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Hà Nam.

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) lựa chọn Hà Nội, Hà Nam để thực hiện thí điểm triển khai một số nhóm thủ tục hành chính liên thông.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính cho biết, Hà Nội, Hà Nam được chọn làm điểm thì các bộ ngành cần phải đưa ra đầu bài. Từ đó, hướng dẫn cách làm, đặt ra mục tiêu cụ thể cho việc thí điểm. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ tổ chức triển khai. 

Hiện nay, hệ thống hành chính các cấp có khoảng trên 6.000 dịch vụ công, trong đó hơn 4.000 dịch vụ công trực tuyến. Đề án 06 đặt mục tiêu cung cấp 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, trong đó 4 dịch vụ liên bộ ngành gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện do vừa khó kết nối, chia sẻ vừa thiếu dữ liệu.

Nhấn mạnh một nhóm cơ sở dữ liệu quan trọng là đất đai, ông Ngô Hải Phan cũng mong muốn Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an cùng phối hợp VPCP và các cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, nhà ở trong Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở, giao dịch bất động sản, cơ sở y tế, đội ngũ y bác sỹ, cán bộ y tế,… và việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp có liên quan đến đất đai, nhà ở. 

Bộ Xây dựng kết nối, chia sẻ dữ liệu Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; kết nối, chia sẻ dữ liệu số nhà và giấy phép xây dựng công trình, nhà ở...

Việc lựa chọn 2 đơn vị cấp huyện của TP. Hà Nội, tỉnh Hà Nam để thực hiện thí điểm đồng bộ, làm sạch dữ liệu về đất đai, nhà ở sẽ giúp rút ra những vấn đề còn chưa tốt để sửa đổi và điều chỉnh cách làm cho phù hợp. 

Trước đó, trong 2 ngày (21-22/11), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số khi làm việc với UBND TP. Hà Nội và tỉnh Hà Nam đã nhấn mạnh tinh thần triển khai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến không phân biệt ít người dùng hay nhiều người dùng mà để thấy rằng phải thay đổi cách làm việc, đặc biệt là phối hợp giữa các cơ quan.

"Chúng ta bắt tay làm những dịch vụ ít người để sau đó làm những dịch vụ lớn, phức tạp sẽ ít bị lỗi hơn", Phó Thủ tướng nói. 

 Với việc thí điểm cung cấp 2 dịch vụ công liên thông "Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng phí" tại TP. Hà Nội, tỉnh Hà Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Đề án 6 bắt đầu bước vào giai đoạn thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung của cả bộ máy hành chính và các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị nhằm khắc phục tình trạng cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương còn rời rạc, manh mún, chưa đầy đủ, nằm ở nhiều bộ phận khác nhau. 

Theo Phó Thủ tướng, có 3 nhóm cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng nhất liên quan đến người dân; doanh nghiệp; tài nguyên, quan trọng nhất là đất đai, Đề án 06 bắt đầu từ con người, từ đó kết nối với 2 nhóm cơ sở dữ liệu còn lại. 

Trong suốt cuộc đời của một người cần khoảng 200 trường dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý, vì vậy, các bộ, ngành cần thống nhất về danh mục các trường dữ liệu cần thiết cho công tác quản lý của ngành mình, lĩnh vực mình. Trên cơ sở đó, các địa phương lập tổ công tác đến tận xã, phường, nòng cốt là lực lượng công an, để thu thập dữ liệu theo hộ gia đình, gắn với cơ chế thiết lập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin; thực hiện giao ban hằng ngày, hằng tuần.

Hoàng Giang

Top