Hà Nội

Chiến lược phát triển Vùng thông minh (Smart region) giữa Chính phủ và Vùng tại Pháp

(Chinhphu.vn) - Tiếp tục chương trình công tác tại Cộng hòa Pháp, Đoàn Công tác liên ngành (Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh Điện Biên) đã tới Ile de France, một đơn vị hành chính cấp Vùng của Cộng hòa Pháp.

07/07/2023 15:37
Picture 3

Đoàn Công tác thăm và làm việc tại trụ sở Ile de France - Ảnh: VGP/Sơn Tùng

Đoàn công tác đã được giới thiệu về Chiến lược Vùng thông minh (Smart region); các kinh nghiệm về việc nhà nước và người dân, doanh nghiệp cùng xây dựng các ý tưởng, ứng dụng Dịch vụ thông minh (IDF) và tìm hiểu về cơ chế "Hợp đồng triển khai kế hoạch giữa Chính phủ và Vùng".

Là một trong những đơn vị hành chính cấp Vùng phát triển mạnh nhất tại Pháp, nơi có thủ đô Paris, Ile de France đã và đang triển khai nhiều mô hình hay cách làm mới trong quản trị, điều hành để mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Một trong số đó là phương pháp khuyến khích sự tham gia của tất cả mọi người trong xây dựng, cung cấp dịch vụ số trên toàn lãnh thổ Vùng. Cách làm của Hội đồng Vùng Ile de France huy động người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước (CQNN) chung tay xây dựng các ứng dụng, dịch vụ số.

Trên cơ sở các thỏa thuận khung giữa nhà nước và khu vực tư, hai bên cùng xây dựng, cung cấp dịch vụ số trên 1 nền tảng dùng chung. Thỏa thuận này không phân biệt về tư cách pháp nhân, CQNN và khu vực tư có vai trò ngang nhau về phương diện pháp lý. Tư nhân không bắt buộc phải trao dữ liệu cho CQNN, tuy nhiên, dữ liệu của họ sẽ được pháp luật bảo vệ và không được trao cho bên thứ 3.

Picture 2
Picture 2

Ứng dụng thực tế ảo về các dịch vụ số của ND, DNẢnh: Sơn Tùng

Đến nay, đã có 250 tổ chức tư nhân, nhà nước, kinh doanh, học thuật được tự do sáng tạo trên 1 nền tảng số dùng chung, cùng tạo ra hơn 10.000 bộ dữ liệu về dịch vụ số. Đây có thể coi là bộ dữ liệu lớn nhất châu Âu tính đến thời diểm hiện tại. Thông thường, một số dịch vụ trực tuyến do khu vực tư nhân chủ động phát triển như dịch vụ cho thuê văn phòng trực tuyến. Còn CQNN cung cấp các dịch vụ công thuộc phạm vi, thẩm quyền. Cả 2 khối đều tuân thủ chặt chẽ những quy chuẩn, hướng dẫn bắt buộc của Ile de France để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các dịch vụ số.

Đoàn Công tác được chuyên gia Ile de France trình diễn công cụ mô phòng hình dạng 3D đối với dịch vụ "Tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời". Theo đó, khi người dân có như cầu lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời, họ sẽ truy cập dịch vụ số nêu trên; Hệ thống sẽ hiện thị bản đồ định dạng 3D toàn vùng Ile de France. Công dân sẽ tìm chính xác vị trí nhà mình và được hệ thống cung cấp những thông tin cần thiết như: khu vực này có thể lắp được bao nhiêu thiết bị? gợi ý vị trí lắp đặt? các thông tin về môi trường…

Picture 4

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP), Trưởng Đoàn công tác trao đổi với bà Gwenaelle Costa-Le-Vaillant, Giám đốc Công nghệ số, Đổi mới và Vùng thông minh của Ile de France về triển khai các dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Sơn Tùng


Ngoài những đổi mới về cung cấp dịch vụ số, Đoàn Công tác còn được ông Irvin Bida, Giám đốc quản lý điều phối chính sách công của Vùng giới thiệu về cơ chế Hợp đồng giữa CQNN Trung ương và Vùng. Theo ông Bida, hiện nay Pháp có 18 đơn vị cấp vùng, 101 đơn vị cấp tỉnh, 342 đơn vị cấp tỉnh và gần 36.000 đơn vị cấp xã.

Từ năm 1982, Pháp bắt đầu chính sách phi tập trung hóa đơn vị hành chính nhà nước theo hướng trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các địa phương và để địa phương chủ động ban hành, triển khai chính sách trên địa bàn. Chính quyền địa phương được ban hành các văn bản pháp luật; thành lập hội đồng dân cử địa phương (3 cấp); toàn quyền quyết định những lĩnh vực trong thẩm quyền của mình (như ngân sách, nhu cầu người dân, quy hoạch, xây trường, giao thông công cộng, phát triển kinh tế vùng; thu hút đầu tư… và những việc khác thông qua Hợp đồng giữa cơ quan trung ương và Vùng. Trong khi đó, Chính quyền trung ương chỉ quản lý các vấn đề về an ninh, trật tự, hiến binh, tư pháp, thuế (trừ thuế đất được trả lại cho địa phương), hợp tác quốc tế…

Picture 5

Thành viên Đoàn Công tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với chuyên gia Vùng Ile de France - Ảnh: VGP/Sơn Tùng

Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã giúp chính quyền địa phương gần dân hơn, giải quyết nhanh các vấn đề thực tiễn dân sinh; dễ được sự chấp thuận của người dân vì những chính sách trong cuộc sống được ban hành từ chính những người họ bầu ra thay vì những người được cơ quan trung ương bổ nhiệm. Tuy nhiên, cũng có 1 số bất cập như: dễ nhầm lẫn về lĩnh vực, thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương. Do đó, Pháp đã triển khai cơ chế "Hợp đồng" giữa Trung ương, Vùng và Tỉnh để tránh chồng chéo trong tổ chức triển khai chính sách, pháp luật.

Việc kiểm soát quyền lực do người dân, doanh nghiệp thực hiện thông qua giám sát xã hội; các cơ quan tư pháp, tòa án và một số ứng dụng CNTT chuyên ngành từ các Bộ, cơ quan Chính phủ như: nền tảng quản lý thuế trực tuyến; nền tảng liên thông phục vụ kiểm tra tính hợp pháp của văn bản địa phương…

Về cơ chế "Hợp đồng", ông Bida cho biết, hiện Ile de France đang ký kết với cơ quan trung ương một hơp đồng trị giá 10 tỷ Euro trong 05 năm: xây dựng, cải tạo các trường ĐH; phòng thí nghiệm; đầu tư đại học; phát triển giao thông đô thị; bảo đảm bình đẳng nam, nữ tại vùng… Các nhiệm vụ này do cơ quan trung ương và địa phương cùng thực hiện.

Những cách làm sáng tạo, đột phá như: Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong cung cấp các dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp trong Vùng hay tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương cần được nghiên cứu, đánh giá tổng thể để có lộ trình áp dụng tại Việt Nam; nhất là trong bối cảnh Đảng, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh phân cấp, phân quyền như hiện nay.

Quốc Khánh - Sơn Tùng

Top