Hà Nội
Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về các vấn đề đối ngoại và hội nhập quốc tế
(Chinhphu.vn) - Trong 2 ngày (1 - 2/8), Văn phòng Chính phủ phối hợp với Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao tổ chức Khóa bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về các vấn đề đối ngoại và hội nhập quốc tế cho công chức, viên chức 4 Văn phòng Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đề án "Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Ngoại giao triển khai từ năm 2016 đến nay.
Trước đó, năm 2022, theo sáng kiến của VPCP, Học viện Ngoại giao đã tổ chức 01 khóa bồi dưỡng, cập nhật thông tin đối ngoại và quan hệ quốc tế với sự tham gia của hơn 130 cán bộ, công chức. Năm nay, VPCP và Học viện Ngoại giao đã thiết kế riêng khóa bồi dưỡng cho công chức, viên chức 4 Văn phòng Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương.
Phát biểu khai mạc khóa bồi dưỡng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VPCP Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, với chức năng tham mưu tổng hợp cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ các Văn phòng Trung ương cần liên tục cập nhật tình hình quốc tế, khu vực và các vấn đề đặt ra đối với Việt Nam; định hướng, chủ trương lớn trong đường lối đối ngoại để thực hiện công tác tham mưu chính sách đối ngoại ngày càng có chất lượng, hiệu quả hơn.
Đến giảng bài cho khóa bồi dưỡng là những báo cáo viên nhiều kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lý của Bộ Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Hoàng Tuấn mong muốn chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức sẽ thiết thực, hiệu quả, gắn với với yêu cầu công việc công chức các cơ quan; đồng thời tin tưởng rằng với phần trình bày của các học giả, nhà quản lý sẽ giúp các công chức, viên chức hiểu rõ hơn, chính xác hơn về các vấn đề liên quan đến thế giới và khu vực trong bối cảnh hiện nay, từ đó làm tốt công tác tham mưu chính sách đối ngoại.
Theo TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, trong thời gian qua, Học viện Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương triển khai Đề án "Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế" và đạt nhiều kết quả tích cực, giúp trang bị thêm các kiến thức, hiểu biết cho cán bộ, công chức, viên chức về chủ trương, chính sách, thực trạng hội nhập quốc tế của Việt Nam, về tình hình thế giới, về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta cũng như những kỹ năng đối ngoại cần thiết và nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ của các bộ ngành, địa phương.
Khóa học diễn ra trong 2 ngày, gồm 4 chuyên đề lớn có nội dung: Cập nhật về tình hình quốc tế, khu vực, các vấn đề đặt ra đối với Việt Nam và một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII theo tinh thần Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9/1/2023 của Bộ Chính trị; Triển khai Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030; Nâng cao hiệu quả phân tích, đánh giá tình hình, tham mưu, đề xuất chủ trương về các vấn đề đối ngoại tại 4 Văn phòng Trung ương; tiến trình thực hiện các cam kết về phát thải ròng của Việt Nam – thách thức và giải pháp. Đây là những vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn.
TS. Nguyễn Hùng Sơn tin tưởng rằng thông qua các buổi trao đổi, các công chức, viên chức sẽ cập nhật thông tin, có những đánh giá và phương pháp tiếp cận với các vấn đề mới. Ngoài ra, đây cũng là dịp trao đổi, tương tác, hỏi đáp với các báo cáo viên nhằm giải đáp các thắc mắc mà công chức, viên chức gặp phải trong quá trình công tác.
Trình bày những quan điểm của Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9/1/2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, TS. Nguyễn Hùng Sơn cũng cho hay, thế giới đang thay đổi nhanh chóng, bất ổn, bất định gia tăng; kinh tế thế giới phục hồi chậm, không đồng đều, nhiều rủi ro khó lường. Khu vực Châu Á tiếp tục là trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng được ngày càng nhiều nước quan tâm. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam thận trọng nhưng không quá rụt rè, tích cực, chủ động nắm bắt cơ hội và kiên định độc lập, tư chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; đổi mới tư duy đối ngoại trong tình hình mới.
Nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm của Chỉ thị 15 ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, ông Đặng Khánh Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) đã chỉ ra những bước phát triển về tư duy, nhận thức, hành động trong công tác ngoại giao kinh tế.
Theo đó, Chỉ thị 15 đã nhấn mạnh ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam (Chỉ thị 41-CT/TW ngày 15/04/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế xác định ngoại giao kinh tế là "một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên"). Chỉ thị 15 lần đầu tiên xác định ngoại giao kinh tế là một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững (Chỉ thị 41-CT/TW xác định là "công cụ hữu hiệu"). Đặc biệt, Chỉ thị 15 nêu ngoại giao kinh tế có vai trò tiên phong trong huy động nguồn lực bên ngoài; xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm.
Hoàng Giang