Hà Nội
Xem xét giao quyền lập biên bản vi phạm hành chính cho viên chức nhà nước
(Chinhphu.vn) - Việc giao thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính cho các viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên trong một số trường hợp cụ thể, phải quy định rõ các chức danh có thẩm quyền lập biên bản xử phạt trong từng lĩnh vực quản lý.
![]() |
Hội thảo về Dự thảo “Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính” – Ảnh Phan Hoàng. |
Theo ông Lữ Minh Tuấn – Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với điều kiện thực tế của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện nay, việc giao thẩm quyền lập biên bản cho các viên chức đang thi hành công vụ là hợp lý và sát với tình hình thực tiễn.
Ông Tuấn cho biết, đặc thù biên chế của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phần lớn là viên chức, nếu chỉ giao quyền lập biên bản cho công chức - thường là lãnh đạo các đơn vị, hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền thì sẽ rất khó trong việc thực thi pháp luật ở điều kiện thực tế.
“Ví dụ trong mảng lâm nghiệp, khi phát hiện trường hợp khai thác gỗ, hoặc tài nguyên rừng trái phép, nhân viên kiểm lâm nên được giao quyền lập biên bản người vi phạm ngay tại chỗ, nếu cứ nhất định chờ thủ trưởng đơn vị hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền, có khả năng đối tượng sẽ phi tang tang vật hoặc bỏ trốn, điều này sẽ gây không ít khó khăn trong việc xử lý đối tượng sau này”, ông Tuấn ví dụ.
Bày tỏ ý kiến đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Đỗ Văn Sinh – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, giao thẩm quyền lập biên bản xử phạt cho cán bộ, viên chức đang thi hành nhiệm vụ là điều nên làm, nhưng cũng cần phải quy định cụ thể đơn vị nào có quyền lập biên bản, đơn vị nào có thẩm quyền xử phạt, tránh tình trạng lập biên bản chồng chéo khi có nhiều đơn vị cùng xử lý một trường hợp vi phạm.
Ông Sinh cho biết, thực tế nợ bảo hiểm hiện đang ở mức cao, khi thành lập đoàn kiểm tra tại các địa phương, BHXH đã lập nhiều biên bản đối với các trường hợp không đóng hoặc chậm đóng bảo hiểm cho người lao động. Do không có chức năng xử phạt nên BHXH thường chuyển toàn bộ biên bản cho địa phương xử lý, tuy nhiên không ít địa phương lại tiếp tục cử đoàn kiểm tra rồi tiến hành lập biên bản lại.
Theo ông Sinh, điều này vừa gây lãng phí, lại vừa dẫn đến tình trạng biên bản chồng chéo biên bản, gây rất nhiều khó khăn trong việc xử các trường hợp vi phạm, mà cuối cùng nợ bảo hiểm vẫn không thu hồi lại được.
Còn theo ông Đặng Đình Luyến - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, trong một số trường hợp cụ thể, việc giao thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính cho các viên chức đang thi hành công vụ phải quy định rõ các chức danh có thẩm quyền lập biên bản xử phạt.
Ông Luyến kiến nghị, đối với một số ngành có đặc thù như hàng không, hàng hải… việc lập biên bản người vi phạm hành chính chỉ nên xem xét giao cho người chỉ huy, trưởng tàu hoặc những người được chỉ huy, trưởng tàu trực tiếp giao nhiệm vụ, không nên mở rộng đối với toàn bộ cán bộ đang làm nhiệm vụ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đã được quy định khai quát trong Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng mở rộng thẩm quyền lập biên bản. Do đó, Dự thảo Nghị định cần cụ thể hoá quy định đã nêu trong Luật, để đảm bảo “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời”, bảo đảm tính khả thi của Luật. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng lập biên bản một cách tuỳ tiện, Dự thảo Nghị định cũng đã có quy định cụ thể, chặt chẽ về điều kiện, thẩm quyền, trách nhiệm của người có quyền lập biên bản.
Tại Hội thảo, bên cạnh nội dung thảo luận như đã nêu trên, các đại biểu cũng tham gia đóng góp nhiều ý kiến xung quanh một số nội dung quan trọng khác của Dự thảo Nghị định như: Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định; việc không xử phạt vi phạm hành chính đối với công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ được giao; cơ sở để xác định các biện pháp khắc phục hậu quả trong các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biểu mẫu và quyết định xử phạt vi phạm hành chính…
Ông Phạm Tuấn Khải - Vụ trưởng Vụ Pháp luật VPCP cho biết, dựa trên những ý kiến đóng góp của các đại biểu lần này, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện Dự thảo “Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính” để chuẩn bị trình Chính phủ vào tháng 5/2013.
Phan Hoàng