Hà Nội

Xây dựng hệ thống văn phòng cơ quan hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND cấp tỉnh để xây dựng hệ thống văn phòng cơ quan hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại, liên thông, thống nhất, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền trong giai đoạn hiện nay.

06/10/2022 16:09
Xây dựng hệ thống văn phòng cơ quan hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại - Ảnh 1.

Hội nghị phổ biến Thông tư số 01/2022/TT-VPCP ngày 2/5/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 6/10, tại Quảng Ninh, với sự hỗ trợ của Tổ chức hợp tác quốc tế (GIZ), Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức hội nghị phổ biến Thông tư số 01/2022/TT-VPCP ngày 2/5/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự hội nghị, về phía VPCP có: Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính; bà Mai Thị Thơm, Vụ trưởng Vụ Hành chính; ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ; ông Lê Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp.

Về phía các địa phương, có sự tham dự của các Chánh Văn phòng, Phó Chánh văn phòng, cán bộ công chức của UBND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và miền Trung.

Thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 2/5/2022, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-VPCP hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thông tư số 01/2022/TT-VPCP có hiệu lực từ ngày 20/6/2022, thay thế Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-VPCP-BNV ngày 23/10/2015 của VPCP và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xây dựng hệ thống văn phòng cơ quan hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại - Ảnh 2.

Bà Mai Thị Thơm, Vụ trưởng Vụ Hành chính nêu những điểm mới của Thông tư 01 - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tại Hội nghị, bà Mai Thị Thơm, Vụ trưởng Vụ Hành chính cho biết, so với Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-VPCP-BNV, Thông tư số 01/2022/TT-VPCP có một số quy định mới về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần được lưu ý trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, trước mắt là việc rà soát, xây dựng, trình UBND cấp tỉnh ban hành: Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng UBND cấp tỉnh; Văn bản hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND cấp huyện.

Ngày 18/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2022/NĐ-CP về Quy chế làm việc của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày ký, thay thế Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01/10/2016. Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm ban hành: Quy chế làm việc phù hợp với Quy chế làm việc của Chính phủ; Quy chế gửi, nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, bảo đảm thông tin, dữ liệu kịp thời, đầy đủ, chính xác, an toàn.

Các văn bản, quy chế cần sửa đổi, bổ sung nói trên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, đều liên quan tới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng UBND cấp tỉnh. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, quy chế nói trên, một trong những yêu cầu quan trọng là phải quy định thống nhất chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng UBND cấp tỉnh trong các quy trình công việc tham mưu, giúp UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; phân định rõ trách nhiệm với các cơ quan, bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để Văn phòng UBND cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Theo bà Mai Thị Thơm, song song với quá trình hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho công tác tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của Thông tư số 01, các địa phương cũng cần tăng cường thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác văn phòng nhằm góp phần từng bước xây dựng hệ thống văn phòng cơ quan hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại, liên thông, thống nhất, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng hệ thống văn phòng cơ quan hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại - Ảnh 3.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính nêu vai trò của Văn phòng UBND cấp tỉnh trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành

Thông tin về những kết quả nổi bật trong công tác cải cách thủ tục hành chính, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính nhấn mạnh vai trò của Văn phòng UBND cấp tỉnh trong tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về quy định kinh doanh để tham mưu cho chủ tịch UBND cấp tỉnh gửi phản ánh, đề nghị đến các bộ, cơ quan.

Đồng thời Văn phòng UBND cấp tỉnh cần nghiên cứu, góp ý độc lập phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh theo đề nghị của các bộ, cơ quan; tổ chức đối thoại với hiệp hội, doanh nghiệp để lắng nghe, tiếp nhận các quy định kinh doanh là rào cản, bất cập trong thực tiễn; tuyên truyền, vận động tham gia góp ý, gửi những vướng mắc, đề xuất trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Ngoài ra, để hiện đại hóa phương thức chỉ đạo điều hành, theo ông Ngô Hải Phan, Văn phòng UBND cấp tỉnh cần thực hiện nghiêm việc gửi, nhận và xử lý hồ sơ văn bản trên môi trường điện tử có sử dụng chữ ký số, hạn chế sử dụng văn bản giấy; triển khai phân hệ theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao và kết nối, tích hợp với Hệ thống quản lý Cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; triển khai Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của UBND; rà soát, chuẩn hóa chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý và triển khai trên hệ thống thông tin báo cáo địa phương…

Xây dựng hệ thống văn phòng cơ quan hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại - Ảnh 4.

Ông Lê Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp chia sẻ tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cho biết, qua theo dõi phối hợp công tác cho thấy, trong thời gian qua, Văn phòng UBND cấp tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm đúng quy định Quy chế số 42 về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Đặc biệt, khi Thủ tướng ký ban hành quyết định về thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Văn phòng UBND các tỉnh rất kịp thời tham mưu, đề xuất với Chủ tịch UBND học tập sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ và kinh nghiệm của Tổ công tác của Thủ tướng trong thành lập Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Tùng đề nghị Văn phòng UBND chủ động, thường xuyên rà soát, cập nhật đầy đủ, kịp thời kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao lên Hệ thống phần mềm theo dõi; cử đầu mối chịu trách nhiệm theo dõi, cập nhật, báo cáo số liệu về kết quả thực hiện nhiệm vụ giao; phối hợp chặt chẽ với VPCP để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh để bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được hiệu quả, nghiêm túc...

Xây dựng hệ thống văn phòng cơ quan hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ nêu vai trò của Cổng thông tin trong phục vụ chỉ đạo, điều hành - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Khắc phục bất cập, chồng chéo về quản lý, vận hành Cổng TTĐT cấp tỉnh

Đáng lưu ý, trong Thông tư số 01 có quy định nhiệm vụ xây dựng, tổ chức quản lý, vận hành Cổng TTĐT cấp tỉnh; kết nối với hệ thống Cổng TTĐT Chính phủ.

Chia sẻ về vai trò của cổng thông tin trong phục vụ chỉ đạo, điều hành, ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ cho hay, Thông tư 01 đã quy định rất rõ, ở góc độ truyền thông, cổng thông tin phải trực thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh, chứ không phải thuộc sở TT&TT, vì đây là cơ quan gần nhất trực thuộc và phục vụ trực tiếp chỉ đạo, điều hành của chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh.

Lấy ví dụ Cổng TTĐT Chính phủ trực thuộc VPCP, nhờ đó hiệu quả hoạt động, tổ chức thông tin truyền thông của Cổng TTĐT Chính phủ được bài bản, chuyên nghiệp, chuyên sâu, hiệu quả; đặc biệt là làm tốt chức năng tham mưu về công tác thông tin, truyền thông cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, hầu hết thông tin về hoạt động, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều được gần 1.000 cơ quan báo chí khai thác từ Cổng TTĐT Chính phủ và Báo điện tử Chính phủ. Thông qua thông tin trên Cổng và Báo, người dân và doanh nghiệp, các bạn bè quốc tế có thể nhận thấy rõ hình ảnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoạt động tích cực thế nào trong việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Cũng trong thời gian qua, công tác tham mưu tổng hợp thông tin báo chí dư luận của Cổng TTĐT Chính phủ được bảo đảm tốt, cải tiến hình thức, nội dung, tăng cường phản ứng tức thời với các thông tin thời sự để báo cáo, tham mưu kịp thời với Thủ tướng Chính phủ. Nhiều đề xuất của Cổng TTĐT Chính phủ nhận được phản hồi, bút phê chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, địa phương theo dõi và thực hiện. 

Hiện nay Cổng TTĐT Chính phủ gửi các báo cáo thông tin đến Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đầu giờ sáng mỗi ngày. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thừa ủy quyền của lãnh đạo VPCP, Cổng TTĐT Chính phủ gửi các báo cáo thông tin đến các bộ, ngành, địa phương để tham khảo, xử lý. Kết quả công tác này thể hiện rõ nét vai trò của Cổng TTĐT Chính phủ trong chức năng nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp thông tin đầu vào, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Hồng Sâm cho biết, trong thời gian tới, Cổng TTĐT Chính phủ sẽ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy chế phối hợp công tác với đầu mối các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí, các cơ quan trong hệ thống chính trị để thực hiện tốt hơn công tác thông tin, truyền thông phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cổng TTĐT Chính phủ tập trung, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ đầu mối kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng; hướng dẫn nghiệp vụ, tích hợp thông tin với Cổng thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện nay, Cổng TTĐT Chính phủ đang xây dựng đề án chuyển đổi số, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, ứng dụng và hạ tầng kỹ thuật để kết nối, chia sẻ, tích hợp đầy đủ với Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tham mưu cho lãnh đạo VPCP sớm làm việc với Bộ TT&TT để phối hợp khảo sát hiện trạng, đánh giá hiệu quả cũng như các bất cập, chồng chéo trong quy định và thực tế triển khai chức năng, nhiệm vụ xây dựng, quản lý, vận hành Cổng TTĐT cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Từ đó, sẽ có báo cáo đề xuất giải pháp khắc phục việc chồng chéo, không thống nhất này.

Hoàng Giang

Top