Hà Nội

VPCP với Nghị quyết ‘thuận thiên’

(Chinhphu.vn) – Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã chủ động làm việc với các bên liên quan, huy động sức mạnh từ các chuyên gia và nhà khoa học, tạo chuyển động đồng bộ, đồng tốc giữa các bộ ngành khẩn trương triển khai nhiều giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và yêu cầu mà Chính phủ, Thủ tướng đặt ra về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.

14/08/2020 13:45

Tập thể cán bộ, đảng viên Vụ Nông nghiệp (VPCP). Ảnh: Hoàng Giang

Huy động hết công suất

.

Trong 40 năm qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội ĐBSCL (Chương trình phát triển Đồng Tháp Mười 1985-1995, Chương trình phát triển Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu, Chương trình phát triển bán đảo Cà Mau 1990-2000, các Chương trình, dự án ngọt hóa ở vùng ven biển Gò Công, Nam Măng Thít, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Bắc Bến Tre… và nhất là Kế hoạch 5 năm 1996-2000 phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL theo Quyết định 99/TTg ngày 09/02/1996…). Các chương trình, giải pháp được triển khai đã giúp vùng ĐBSCL từng bước hình thành hệ thống hạ tầng tương đối đồng bộ, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân trong vùng.

.

Trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mới hình thành, mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức cũng xuất hiện các cơ hội phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường ở vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế này.  

.

Trước tình hình trên, Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với VPCP, UBND TP.Cần Thơ, Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ tổ chức Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu vào tháng 9 năm 2017 nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học, người dân, các cơ quan quản lý và đối tác phát triển, làm cơ sở tổng hợp xây dựng chính sách mới chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu để trình Chính phủ xem xét, thông qua.

.

Nhớ lại thời điểm lúc ấy, ông Nguyễn Tuấn Thanh, chuyên viên chính Vụ Nông nghiệp (VPCP) cho biết, sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương tổ chức Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, lãnh đạo VPCP đã giao Vụ Nông nghiệp làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các Vụ Kinh tế tổng hợp, Vụ Thư ký biên tập, Vụ Tổng hợp, Vụ Quốc hội, địa phương và đoàn thể… làm việc với các Bộ KH&ĐT, TN&MT, NN&PTNT và các tỉnh ĐBSCL xây dựng nội dung, kịch bản, tổng hợp thông tin…

.

Hằng tuần, Vụ Nông nghiệp tổng hợp báo cáo lãnh đạo VPCP, lãnh đạo Chính phủ về tiến độ chuẩn bị, đảm bảo thông tin được cập nhật kịp thời, thông suốt.

.

Với tinh thần sẵn sàng, tận tụy với cường độ cao nhất, VPCP luôn phối hợp chặt chẽ với các đồng chí Trợ lý, Thư ký của Thủ tướng, Phó Thủ tướng kịp thời lĩnh hội tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.

.

Chính vì vậy, mặc dù chương trình hoạt động thực tế của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong thời gian đó có rất nhiều sự kiện diễn ra, nhưng chương trình Hội nghị luôn được điều chỉnh phù hợp với lịch công tác của lãnh đạo, cập nhật chi tiết các nội dung, bảo đảm quan tâm đầy đủ các vấn đề của các địa phương, thu hút được lượng khách mời với số lượng lớn và rất nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến với quy mô chưa từng được thực hiện trước đây trên địa bàn ĐBSCL, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

.

Từ ngày 26-27/9/2017, Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL đã diễn ra trọng thể tại TP.Cần Thơ. Ngày 26/9/2017, 3 Hội nghị chuyên đề được tổ chức gồm: Hội nghị tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL do Bộ TN&MT chủ trì; Hội nghị về nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở do Bộ NN&PTNT chủ trì; Hội nghị về quy hoạch tổng thể, phát triển hạ tầng, điều phối vùng và nguồn lực phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL do Bộ KH&ĐT chủ trì.

.

Sau khi kết thúc 3 Hội nghị chuyên đề, Vụ Nông nghiệp và các Vụ liên quan thuộc VPCP đã khẩn trương phân công nhân sự ngồi cùng với các chuyên gia của các Bộ ngành liên quan, tổng hợp ý kiến đóng góp ngay trong đêm, kịp thời hoàn thiện nội dung báo cáo phục vụ Hội nghị toàn thể ngày 27/9/2017 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

.

Các máy tính, máy in, đường truyền internet tốc độ cao được huy động đã hoạt động hết công suất nhịp nhàng phục vụ công tác đưa tin bài, tổng hợp tài liệu…, công tác hậu cần, phục vụ đại biểu chu đáo, không xảy ra sai sót… cho thấy năng lực điều phối trong thời gian ngắn, tổ chức thành công một sự kiện lớn do Chính phủ chủ trì đã được VPCP và các cơ quan phối hợp hoàn thành tốt.

.

Mặc dù đây là lần đầu tiên triển khai nhưng VPCP và các Bộ ngành, địa phương đã thể hiện khả năng phối hợp hiệu quả, hợp tác rất trách nhiệm, hiệu năng làm việc của cán bộ, công chức VPCP và các Bộ ngành, địa phương đã giành được sự tin tưởng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đảm trách những sự kiện phức tạp hơn trong thời gian tới.

.

Theo báo cáo tổng kết, tham dự Hội nghị có 7 cơ quan Đảng: Văn phòng Trung ương Đảng, Uỷ ban kiểm tra Trung ương, Ban tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương; 3 cơ quan Quốc hội: Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan bộ ngành; Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh 13 tỉnh ĐBSCL và TPHCM, hơn 130 tổ chức phát triển quốc tế, phòng thương mại, tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư và đại diện cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; hơn 350 đại diện hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, tập đoàn trong nước, các ngân hàng thương mại của Việt Nam và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; hàng chục chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học nông nghiệp, thủy lợi, giống cây trồng, xây dựng, đô thị, công nghệ cao, kinh tế học… và các cơ quan truyền thông trong nước, quốc tế tới đưa tin.

.

“Các đại biểu dự kín hội trường chính với quy mô hơn 700 khách cùng 2 phòng trực tuyến. Với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đây được xem là “Hội nghị Diên Hồng” hội tụ trí tuệ của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đóng góp các giải pháp chiến lược với tầm nhìn dài hạn 100 năm, giúp ĐBSCL có được những chuyển đổi căn bản quy mô cả về lượng và chất, phát triển đời sống người dân ĐBSCL bền vững”, ông Nguyễn Tuấn Thanh nhớ lại.

.

Hội nghị đã định hình chiến lược và đề ra các dự án chuyển đổi quy mô lớn về kinh tế-xã hội-môi trường, gồm cả phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặt và sụt lún đất trong vùng nhằm phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL..

.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ về phát triển ĐBSCL: Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế.

.

Đáp ứng lại sự quan tâm của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu trước đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác quốc tế, các doanh nghiệp rằng “ít nhất 2 năm một lần Chính phủ sẽ mở diễn đàn ĐBSCL có quy mô lớn để bàn và thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển ĐBSCL, chứ không phải chúng ta đưa ra một số chủ trương, không kiểm tra, không giải quyết, không bố trí nguồn lực, không chỉ đạo thực hiện, không có cán bộ làm việc thì như người ta nói “nước đổ lá khoai”, chảy tuồn tuột hết. Hằng năm phải kiểm điểm vấn đề chúng ta đã nói hiện nay xem đã làm đến đâu, sẽ làm đến đâu và phải làm gì để phát triển ĐBSCL ứng phó BĐKH và phát triển bền vững”.

.

Sự vào cuộc một cách chủ động

.

Từ những kết quả đó, ngày 17/11/2017, Nghị quyết 120 ra đời nhằm tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL, tạo thế và lực để ĐBSCL phát triển bền vững thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu.

.

Nghị quyết số 120/NQ-CP đưa ra những định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện để phát triển bền vững ĐBSCL với mục tiêu đến năm 2050 ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Nghị quyết 120 được xem như nghị quyết “thuận thiên” với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cơ bản dựa trên quy luật tự nhiên, với phương châm sống chung và hòa thuận với thiên nhiên, vừa khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời duy trì, bảo vệ và tôn tạo tự nhiên.

.

Là chương trình lớn, định hình bước ngoặt phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL, làm động lực phát triển kinh tế-xã hội cho cả khu vực phía Nam trong thời gian tới, quá trình chuẩn bị Hội nghị và xây dựng Nghị quyết được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và các Phó Chủ nhiệm quan tâm sát sao và thường xuyên yêu cầu các vụ, cục, đơn vị thuộc VPCP phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai cụ thể.

.

Các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, của các tập đoàn doanh nghiệp và của cả những người dân tâm huyết với ĐBSCL đều được trân trọng, rà soát hết sức kỹ lưỡng, tổng hợp đầy đủ vào dự thảo Nghị quyết.

.

Theo những người tham gia xây dựng dự thảo Nghị quyết, với khối lượng ý kiến đóng góp đồ sộ tiếp tục gửi đến sau khi Hội nghị đã kết thúc, công tác tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ được thực hiện rất nghiêm túc. Các nội dung quan trọng đều báo cáo lên trên và được lãnh đạo Chính phủ quan tâm xem xét, có cơ chế xử lý rất linh hoạt: có khi ngay tại phòng làm việc của lãnh đạo Chính phủ, có khi là trao đổi nhóm chuyên gia, có khi là báo cáo qua thư điện tử… Nhiều ý kiến sâu sắc được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt có bút phê chỉ đạo VPCP có thư cảm ơn đóng góp của tác giả…

.

 “Chúng tôi, với trách nhiệm của những người giúp việc, phục vụ, có thể nói rằng đã triển khai thực hiện được đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, của Phó Thủ tướng, với những yêu cầu rất cao, rất nghiêm khắc” , các cán bộ tham gia xây dựng Nghị quyết cho biết.

.

Sau khi Nghị quyết được ban hành, VPCP đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, như phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2018-2020 để đầu tư xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn cho 8 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ.

.

Ngày 13/4/2019, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 417/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.

.

Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu đã hỗ trợ vùng ĐBSCL 28 dự án (8 dự án liên quan đến xây dựng đê biển, đê sông ở những khu vực xung yếu, 20 dự án liên quan đến trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển). Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh hỗ trợ 20 dự án với số kinh phí 3.700 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn trung hạn…

.

Tháng 8/2019, tại TPHCM, VPCP đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội thể hiện ở tăng trưởng GDP 7,8% ấn tượng, cao nhất trong 4 năm trở lại đây; kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD; diện mạo nông thôn được khởi sắc, có nhiều đổi mới…

.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Nghị quyết 120 ra đời rất kịp thời. Thực tiễn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 cho thấy, việc kế thừa thành quả của các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích hợp, lồng ghép kết quả của các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án phát triển đã và đang được các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện trong những năm qua vào quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết đã tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL.

.

Những kết quả nêu trên còn là kết quả của sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc một cách chủ động của các Bộ, ngành, địa phương với quyết tâm chính trị cao; sự ủng hộ, đồng tình của người dân, sự tham gia đầy nhiệt huyết, tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước; sự vươn lên mạnh mẽ của chính người dân trong vùng trên cơ sở sáng tạo kết hợp với tri thức bản địa bước đầu đã góp phần dần chuyển hóa các thách thức thành cơ hội phát triển mới.

.

Cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia mạnh mẽ vào quá trình này thông qua việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chuỗi giá trị, tạo xung lực về vốn cho phát triển ĐBSCL. Đồng thời, quá trình triển khai thực hiện, chúng ta đã nhận được những hỗ trợ rất hiệu quả của các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển về kỹ thuật, nguồn lực thông qua các chương trình, dự án phát triển vùng ĐBSCL.

.

Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp (VPCP) Phạm Mạnh Cường cho biết, từ năm 2017-2020, các cán bộ, công chức Vụ Nông nghiệp đã tham mưu xử lý, ban hành trên 2.700 văn bản các loại (trung bình mỗi năm ban hành trên 1.000 văn bản chỉ đạo), trong đó có nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng liên quan đến điều chỉnh quy hoạch đất đai, thích ứng với biến đổi khí hậu, triển khai nhiều Hội nghị lớn liên quan đến các vấn đề lớn như: Tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tích tụ tập trung đất đai, phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…(lần đầu tiên Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về công tác phòng, chống thiên tai; phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu).

.

Vụ Nông nghiệp đã tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ, VPCP tập trung chỉ đạo chuyển đổi sản xuất nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, công nghệ cao, nhất là lúa gạo, tôm, trái cây, đặc biệt là ở ĐBSCL. Trong thời gian tới, Vụ Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng hoàn thiện cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực hợp lý trong giai đoạn 2021-2025 để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 120.

Hoàng Giang

Top