Hà Nội

VPCP: Môi trường công tác đòi hỏi rất cao

(Chinhphu.vn) – VPCP là môi trường công tác rất tốt để rèn luyện về bản lĩnh chính trị, nhân cách sống, tư duy và phương pháp làm việc của một người làm công tác tham mưu – giúp việc quản lý, điều hành cho Chính phủ, Thủ tướng chính phủ.

31/03/2015 18:44

PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm, chuyên gia cao cấp VPCP

Hơn 16 năm công tác tại VPCP, PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm, chuyên gia cao cấp, đã để lại trong lòng các cộng sự, đồng nghiệp những dấu ấn tốt đẹp về cả nhân cách, năng lực chuyên môn và phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, được đánh giá cao về những đóng góp giá trị trong công tác tham mưu tổng hợp phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công tác quản lý tại VPCP.

.

Tháng 8/1995, PGS.TS Trần Quốc Toản được điều động về VPCP làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, đảm nhận cả công tác quản lý và công tác nghiên cứu, biên tập. Sau đó, tháng 9 năm 1996, ông được quyết định làm Thư ký của Thủ tướng Phan Văn Khải. Tháng 5/1998, ông được bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm VPCP, phụ trách các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, xã hội, y tế… đồng thời kiêm Tổng thư ký Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của VPCP.

.

PGS.TS Trần Quốc Toản đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về những kỷ niệm, những ấn tượng sâu sắc trong quãng thời gian làm việc tại VPCP.

.

 Không thể lùi hay “kính chuyển”

.

Khi được đề nghị cho biết về những kỷ niệm sâu sắc nhất, ông nhớ lại ngày đầu tiên khi ông vào giúp việc cho Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng đã nói với ông : “ … Vào giúp việc cho anh, chú tập trung tham gia chuẩn bị các văn bản, các bài viết, ý kiến phát biểu anh giao, nghiên cứu các đề án trình lên rồi đề xuất ý kiến với anh, kể cả những vấn đề đã được thông qua mà chú thấy có điểm gì cần cân nhắc thêm thì cũng báo cáo với anh, đừng ngại…”. Ông cảm nhận sâu sắc lời chỉ bảo của Người đứng đầu Chính phủ không đơn thuần là một sự tin cậy, mà trước hết là sự giao trọng trách – sự đòi hỏi ông phải làm việc trung thực, mạnh dạn và dám chịu trách nhiệm về những ý kiến đề xuất của mình. Ông đã lấy đó làm nguyên tắc sống và làm việc của mình trong suốt thời gian làm việc ở VPCP và sau này. Trên thực tế, đã có không ít những đề xuất của VPCP là mới và khác với đề xuất của các cơ quan trình lên, nhưng đã được lãnh đạo Chính phủ chấp nhận, trong các lĩnh vực mà ông phụ trách cũng vậy.

.

Về chức năng tham mưu và những yêu cầu đặt ra đối với cán bộ của VPCP, ông cho rằng công tác tham mưu tổng hợp, giúp việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ trọng yếu nhất của VPCP. Có thể nói VPCP là cấp cuối cùng tham mưu tổng hợp giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng pháp luật, chủ trương, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch và các giải pháp lớn về phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực; đồng thời giúp việc Chính phủ và Thủ tướng trong việc chỉ đạo điều hành nền hành chính quốc gia, thực hiện các nhiệm vụ phát triển và bảo vệ đất nước. Điều này đặt ra những đòi hỏi rất cao về năng lực và phẩm chất của cán bộ VPCP.

.

Trước hết đó là tính trung thực và tinh thần trách nhiệm cao, dám mạnh dạn đề xuất và bảo vệ ý kiến tham mưu của mình. Nhưng để tham mưu có chất lượng và hiệu quả giúp cơ quan cao nhất của nền hành chính - hành pháp quốc gia, đòi hỏi các cán bộ làm công tác tham mưu phải có trình độ hiểu biết khoa học sâu, rộng ở mức độ cần thiết về lĩnh vực chuyên môn mình theo dõi; phải nắm chắc và có hệ thống chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực này; phải có hiểu biết sâu, rộng về thực tiễn trong nước cũng như kinh nghiệm quốc tế về những vấn đề liên quan; đồng thời phải hiểu được bản chất và xu thế của sự vận động – phát triển mới, tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…để trên cơ sở đó mới có được sự tham mưu sát đúng với yêu cầu phát triển của thực tiễn. Đây là một đòi hỏi rất cao, đầy trọng trách đối với cán bộ VPCP.

.

Nhưng có đáp ứng yêu cầu đó thì mới khắc phục được tình trạng trong một số cơ quan Nhà nước, tham mưu, xử lý văn bản đề án theo kiểu “kính chuyển” chung chung, hoặc các ý kiến đề xuất không phù hợp, xa rời thực tiễn; mà như các đại biểu Quốc hội gần đây thường đánh giá một số điều trong các luật, chính sách được thiết kế, đề xuất như “từ trên trời”.

.

Vì vậy, đối với cán bộ làm tham mưu về xây dựng luật pháp, cơ chế, chính sách, dù dưới hình thức nào, cách thức nào, đều rất cần phải thường xuyên kết hợp có hiệu quả giữa công tác tham mưu với nghiên cứu khoa học và tổng kết – nắm bắt thực tiễn, bởi vì bản thân công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Đảng và Nhà nước nói chung) đã đòi hỏi phải được tiếp cận rất khoa học và thực tiễn, mà thực tiễn lại luôn luôn thay đổi và phát triển, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. 

.

Công việc của người lãnh đạo VPCP là cấp cuối cùng khi trình lên Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng về vấn đề được giao theo dõi, xử lý; nói một cách hình ảnh là không thể “lùi” hay “kính chuyển” cho ai khác chịu trách nhiệm thay. Nhất là đối với các vấn đề lớn, phức tạp, vấn đề mới còn có ý kiến khác nhau của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan… yêu cầu phải hiểu sâu về chuyên môn, nắm vững chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nắm được thực tiễn để chỉ đạo tham mưu, đề xuất đúng đắn.

.

Tham mưu phải gắn với khoa học và thực tiễn

.

Từ nhận thức như trên, ông cho rằng ở VPCP việc gắn công tác tham mưu với nghiên cứu khoa học và nắm bắt thực tiễn có ý nghĩa rất quan trọng. Bản thân ông trong quá trình công tác đã cố gắng thực hiện điều này; đối với một số vấn đề lớn, phức tạp, ông đã chủ trì cùng đồng nghiệp triển khai nghiên cứu đề tài khoa học để có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn khi xây dựng cơ chế, chính sách trình Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ.

.

Ví dụ như kết quả của Đề tài nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về xã hội hóa đã góp phần xây dựng Nghị quyết, các nghị định, chính sách của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa, y tế, thể dục thể thao…. Những nội dung và cơ chế chính sách đó cũng tạo tiền đề để phát triển các mô hình hợp tác công tư (PPP) được áp dụng và đã mang lại hiệu quả trong các lĩnh vực này.

.

Hay như Đề tài khoa học cấp nhà nước “Phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế” do Thủ tướng giao và ông được làm Chủ nhiệm; kết quả nghiên cứu được đánh giá xuất sắc, đã góp phần vào xây dựng văn kiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam, góp phần hữu ích vào công cuộc cải cách giáo dục của nước nhà.

.

Ứng dụng CNTT: Nền tảng hình thành chính phủ điện tử

.

Khi được đề nghị trao đổi về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, lĩnh vực mà ông được giao phụ trách theo dõi và đã có những đóng góp tích cực trên cương vị Phó Chủ nhiệm VPCP, PGS.TS Trần Quốc Toản đã chia sẻ những suy nghĩ : Xây dựng chính phủ điện tử là một đòi hỏi khách quan đối với các nước trong quá trình hiện đại hóa hoạt động nhà nước. Ở Việt Nam, trong nhiều năm qua Chính phủ, Thủ tướng chính phủ xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng và đã quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng chính phủ điện tử từ cấp trung ương, các bộ ngành xuống đến các địa phương.

.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo VPCP đã triển khai thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như xây dựng Cổng thông tin điện tử Chính phủ với chức năng, nhiệm vụ và các hình thức phục vụ ngày càng đa dạng, kịp thời và hiệu quả hơn; xây dựng Công báo điện tử; phối hợp với các bộ, ngành và địa phương từng bước xây dựng mạng thông tin điện tử phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ ngành và địa phương trong cả nước; tại VPCP việc hoàn thiện mạng thông tin điện tử nội bộ gắn cùng với đổi mới cơ chế và phương thức xử lý văn bản cũng đã mang lại những hiệu quả bước đầu rất thiết thực (nhanh hơn, minh bạch hơn, sự phối hợp giữa các đơn vị tốt hơn).

Những kết quả bước đầu của việc xây dựng Chính phủ điện tử ở VPCP, cũng như ở các bộ ngành, địa phương được thể hiện rõ ở việc cung cấp thông tin về các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương và cho xã hội đã có những bước phát triển tích cực và hiệu quả hơn; việc tổ chức các hội nghị trực tuyến trên phạm vi cả nước đã mang lại nhiều kết quả thiết thực; các bộ ngành, địa phương đã triển khai cung cấp một số dịch vụ công qua mạng điện tử trong một số lĩnh vực...

.

Đây là những bước tiến rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra trong nước cũng như quá trình hội nhập quốc tế, việc xây dựng chính phủ điện tử trong thời gian tới cần được quan tâm và triển khai mạnh hơn, chất lượng hơn, rộng, đồng bộ và hiệu quả hơn từ Trung ương xuống các địa phương.

.

Khi được đề nghị chia sẻ về những yêu cầu và những nhiệm vụ đặt ra về phát triển chính phủ điện tử trong giai đoạn mới, ông đã nêu lên suy nghĩ: Trước hết về mặt nhận thức, việc xây dựng chính phủ điện tử không thể chỉ coi như một công cụ, một giải pháp kỹ thuật hiện đại hóa quản lý nhà nước, mà việc xây dựng chính phủ điện tử thực sự là sự đổi mới phương thức hoạt động và quản lý của nhà nước gắn liền với xây dựng nhà nước pháp quyền – xã hội công dân, xây dựng và phát huy nền dân chủ, tăng cường tính minh bạch – trách nhiệm giải trình, hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước và trong việc phục vụ xã hội, doanh nghiệp và mọi công dân.

.

Từ những yêu cầu đó, có thể thấy rằng công tác xây dựng chính phủ điện tử trong thời gian tới sẽ cần phải đẩy mạnh nhằm tạo cơ sở thực hiện tốt hơn hai chức năng chính là đảm bảo sự vận hành hai chiều “trên – dưới” và ngang của bộ máy hành chính - hành pháp từ trung ương xuống cơ sở nhanh – hiệu lực – hiệu quả hơn, đồng thời thực hiện tốt chức năng phục vụ - đối thoại với công dân, xã hội; hướng vào thực hiện đồng bộ bốn nhiệm vụ chủ yếu: Tiếp tục xây dựng và đồng bộ hóa hệ thống thông tin điện tử phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gắn với các bộ, ngành và xuống các địa phương (đây là hệ thống thông tin điện tử phục vụ cho nội bộ công vụ của hệ thống hành chính nhà nước); Tiếp tục xây dựng và mở rộng hệ thống thông tin điện tử cung cấp công khai, thuận tiện, kịp thời, chính xác thông tin về luật pháp, cơ chế chính sách, sự chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của tất cả bộ ngành và các cấp chính quyền địa phương cho nhân dân và cho xã hội, như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục xây dựng hệ thống và cơ chế tiếp nhận ý kiến đóng góp, phản biện, đánh giá của nhân dân và của xã hội về xây dựng luật pháp, cơ chế chính sách, sự chỉ đạo điều hành, về các vấn đề bức xúc… đối với bộ máy hành chính các cấp, trên mạng điện tử Chính phủ; cần quan tâm đặc biệt đến xây dựng cơ chế đối thoại của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương, các cơ quan công quyền với người dân và các chủ thể khác; Tập trung đẩy mạnh việc xây dựng các hệ thống cung cấp dịch vụ công qua mạng điện tử, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu. Những nhiệm vụ này trước đây đã được xác định trong định hướng xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Cổng thông tin điện tử chính phủ.

.

Việc tiếp tục đấy mạnh xây dựng chính phủ điện tử với những nội dung chủ yếu nêu trên sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao hơn chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hành chính - hành pháp không chỉ với chức năng quản lý nhà nước mà còn với chức năng kiến tạo phát triển ngày càng yêu cầu cao hơn.

.

PGS.TS Trần Quốc Toản đã trải qua nhiều cương vị công tác ở một số cơ quan khác nhau, nhưng ông cho rằng thời gian công tác tại VPCP là “căng thẳng nhất”, không chỉ vì VPCP là nơi trực tiếp tham mưu, giúp việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành mọi vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; mà còn bởi khối lượng công việc lớn, cường độ xử lý cao, thời gian tính khẩn trương… Và cũng chính VPCP là môi trường công tác rất tốt để rèn luyện cả về bản lĩnh chính trị, nhân cách sống, phương pháp làm việc và tư duy khoa học – thực tiễn của một người làm công tác tham mưu - quản lý.

.

                                                                         Trung Hiếu

Top