Hà Nội

VPCP học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 12 khóa XII của Đảng

(Chinhphu.vn)- Chiều 14/7, được sự đồng ý của đồng chí Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Đảng ủy VPCP trang trọng tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 12 khóa XII của Đảng.

14/07/2020 17:13

Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm VPCP phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Nhật Thy

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm VPCP; Nguyễn Đức Minh, Phó Bí thư Đảng ủy VPCP; các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ; các đồng chí cấp ủy viên các tổ chức đảng trực thuộc và các đồng chí ủy viên Ủy ban kiểm tra các các cấp trong toàn Đảng bộ VPCP. Các đồng chí cấp ủy, ủy viên Ủy ban kiểm tra phía Nam dự qua trực tuyến tại Cục Hành chính-Quản trị II.

.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm VPCP cho biết, thực hiện chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 11-14/5/2020, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp Hội nghị lần thứ 12 để thảo luận và cho ý kiến về: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII của Đảng; phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát và kỷ luật đảng năm 2019 và một số vấn đề quan trọng khác.

.

Ngay sau Hội nghị Trung ương 12, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ban thường vụ Đảng ủy khối đã ban hành kế hoạch số 173-KH/ĐUK ngày 25/5/2020 về việc tổ chức học tập, quán triệt nội dung Hội nghị Trung ương 12 khóa XII của Đảng.

.

Để Hội nghị đạt kết quả tốt, thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy, đồng chí Nguyễn Xuân Thành đề nghị các đảng viên nghiêm túc chấp hành các quy định của Hội nghị, kết hợp nghe, giới thiệu tại Hội nghị với nghiên cứu, thảo luận tại Chi bộ.

.

Hội nghị đã được nghe PGS.TS Nguyễn Viết Thông-Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương trình bày về những vấn đề liên quan đến công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng như phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII của Đảng.

.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII có 3 ưu điểm nổi bật. Ưu điểm nổi bật lớn nhất của công tác nhân sự khóa XII là sự chuẩn bị công phu, tiến hành một cách chặt chẽ, thận trọng, đúng quy định, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị và của Ban Bí thư.

.

Ưu điểm nổi bật thứ hai là đã bầu được một Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cơ bản đảm bảo được cơ cấu, số lượng, chất lượng và sự hài hòa hợp lý.

.

Ưu điểm nổi bật thứ ba là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trên các lĩnh vực.

.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông-Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương trình bày về những vấn đề liên quan đến công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương. Ảnh Nhật Thy

PGS.TS Nguyễn Viết Thông dẫn chứng, hiện nay, nhiều quốc gia đang lấn sâu vào cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19, thì Việt Nam được thế giới ca ngợi về thành công trong chống đại dịch này. Nhiều nước tăng trưởng âm nhưng kinh tế của chúng ta 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng dư. Điều này khẳng định ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó gần 5 năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã khẳng định rõ vai trò nòng cốt.

.

Từ thực trạng nhân sự khóa XII, theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Trung ương rút ra được một số kinh nghiệm trong công tác nhân sự. Đầu tiên, là phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc, thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, định hướng tư tưởng chỉ đạo về công tác nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương; bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ, thường xuyên, toàn diện, sâu sắc của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị.

.

Thứ hai, xây dựng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lựa chọn nhân sự từ các chức danh lãnh đạo chủ chốt của đất nước là một việc rất hệ trọng quyết định đến vận mệnh đất nước, tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước, do đó phải tiến hành một cách khoa học, bài bản, chặt chẽ, thận trọng, khách  quan, làm đến đâu chắc đến đó.

.

Thứ ba, phải có quy chế, quy trình chặt chẽ, tổng thể, liên thông, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch trong công tác nhân sự.

.

Thứ tư, trong quá trình chuẩn bị và thực hiện phải tăng cường, bảo đảm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí Thư. Phát huy dân chủ nhưng đồng thời phải thực hiện nghiêm quy tắc tập trung dân chủ, đúng điều lệ Đảng, đúng pháp luật của Nhà nước.

.

Thứ năm, đối với những việc khó, phức tạp, nhạy cảm thì phải giữ nguyên tắc phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân nhất là người đứng đầu và quyết định theo đa số; chủ động nắm chắc tình hình, dự báo được những vấn đề có thể phát sinh đối với nhân sự để có những giải pháp kịp thời.

Nhật Thy

Top