Hà Nội

Văn phòng Chính phủ gương mẫu thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Quy chế làm việc mới của Chính phủ cụ thể hóa hơn quy trình xử lý công việc của Chính phủ; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền mạnh mẽ cho các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương. VPCP đang gương mẫu trong thực hiện Quy chế để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.

19/07/2022 16:48
Văn phòng Chính phủ gương mẫu thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Gia Huy

Chiều 19/7, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức hội nghị giới thiệu Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn; lãnh đạo các Vụ, cục, đơn vị; các đồng chí trợ lý, thư ký của lãnh đạo của Chính phủ; các cán bộ, chuyên viên của các đơn vị trực thuộc… Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến đầu cầu Cục Quản trị-Hành chính II tại TP HCM.

Chặt chẽ, rõ ràng hơn về trách nhiệm, quyền hạn xử lý công việc

Trước đó, ngày 18/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 39/2022/NĐ-CP về Quy chế làm việc (QCLV) của Chính phủ (thay thế QCLV ban hành theo Nghị định 138/2016/NĐ-CP.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng quy định nguyên tắc, chế độ, trách nhiệm, phạm vi, cách thức quy trình giải quyết công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phạm vi điều chỉnh Quy chế bao gồm tất cả các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan và trực tiếp điều chỉnh quy trình, cách thức làm việc tại VPCP. Chính vì vậy, hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt các quy định mới, quan trọng, chia sẻ kinh nghiệm và làm rõ hơn các vấn đề cần trao đổi trong Quy chế làm việc mới của Chính phủ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, ngay tại Phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 được kiện toàn (tháng 4/2021), Chính phủ đã chỉ đạo VPCP nghiên cứu, tổng kết, rà soát, đánh giá và xây dựng QCLV của Chính phủ để thay thế Quy chế được ban hành tại Nghị định số 138/2016/NĐ-CP.

Quá trình soạn thảo QCLV mới được triển khai bài bản, công phu theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trên cơ sở báo cáo đánh giá, đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương, VPCP đã tổng kết, đánh giá và dự thảo Quy chế. Sau khi tiếp thu ý kiến các Bộ, cơ quan, địa phương, thẩm định của Bộ Tư pháp; các thành viên Chính phủ đã 2 lần cho ý kiến đối với dự thảo Quy chế; Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp, nhiều lần chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Quy chế.

Sau khi rà soát kỹ lưỡng, đạt được sự thống nhất cao của tất cả các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ban hành QCLV của Chính phủ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành. QCLV của Chính phủ (gồm 8 chương, 44 điều - giảm 6 điều và ngắn hơn 09 trang so với Quy chế cũ).

QCLV theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã được xây dựng theo các nguyên tắc: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, phát huy tính chủ động, tinh thần đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thứ năm là cải tiến cách thức, quy trình xử lý công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phát huy vai trò điều phối của Văn phòng Chính phủ trong xử lý các công việc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Quy chế làm việc mới có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng hơn về trách nhiệm, quyền hạn và cách thức xử lý công việc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tình hình mới.

Văn phòng Chính phủ gương mẫu thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ - Ảnh 2.

VPCP tổ chức hội nghị giới thiệu Quy chế làm việc của Chính phủ - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP lưu ý các cán bộ VPCP về các nội dung như: Quy chế mới thể hiện rõ tinh thần phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Thủ tướng cũng tăng cường phân công cho các Phó Thủ tướng, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, gắn với cá thể hoá trách nhiệm công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải chịu trách nhiệm cá nhân trực tiếp, toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật các vấn đề thuộc thẩm quyền được phân công, ủy quyền, giao nhiệm vụ và không trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề thuộc thẩm quyền của các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chỉ trừ trường hợp theo quy định pháp luật phải xin ý kiến.

Quy chế mới có nhiều yêu cầu, quy định mới nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương. Trong đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP lưu ý có nhiều quy định gắn rất sát và cần quán triệt nghiêm túc trong quá trình xử lý công việc của VPCP; việc tiếp nhận hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các quy định về việc phục vụ các phiên họp, cuộc họp, hội nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh việc chuẩn bị các nội dung, tờ trình chuẩn bị cho cuộc họp, việc soạn thảo các thông báo kết luật của Thường trực Chính phủ, của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Với vai trò VPCP là cơ quan tham mưu, giúp việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị, lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức của VPCP nghiên cứu kỹ, quán triệt Quy chế làm việc mới của Chính phủ để thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế làm việc trong quá trình công tác và xử lý các công việc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, VPCP cần phấn đấu là cơ quan văn phòng kiểu mẫu trong hệ thống hành chính Nhà nước.

"Chúng ta phải gương mẫu trong thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đặc biệt lưu ý.

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, quá trình thực hiện Quy chế làm việc sẽ có nhiều phát sinh, vì vậy cán bộ VPCP cần bám sát nguyên tắc, định hướng, quan điểm của Quy chế, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn những điểm cần thiết, những điểm cần điều chỉnh trong quá trình làm việc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP giao các Phó Chủ nhiệm, các Vụ, Cục, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động rà soát, báo cáo đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định của VPCP nhằm cụ thể hoá, thực hiện thật tốt Quy chế làm việc của Chính phủ.

Cụ thể hóa hơn quy trình xử lý công việc của Chính phủ

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Lê Hoàng Tùng đã trình bày các nội dung chủ yếu trong Quy chế làm việc mới của Chính phủ.

Trong đó, đối với nguyên tắc làm việc của Chính phủ, QCLV trước đây quy định 5 nguyên tắc làm việc của Chính phủ, QCLV mới quy định 6 nguyên tắc, trong đó đã kế thừa những quy định của Quy chế trước đây phù hợp với các nguyên tắc hoạt động của Chính phủ. Đồng thời, bổ sung và nhấn mạnh thêm một số nguyên tắc làm việc của Chính phủ.

Cụ thể, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Đề cao trách nhiệm cá nhân và nêu gương của thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương, việc bổ sung thêm trách nhiệm nêu gương là phù hợp quy định chung của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

QCLV mới đề cao sự thống nhất trong giải quyết công việc của Chính phủ. Trên cơ sở nguyên tắc ngày, QCLV đã bổ sung nhiều quy định liên quan đến trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong quá trình xử lý công việc theo thẩm quyền của bộ, cơ quan, cũng như việc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý công việc.

Thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền, uỷ quyền theo quy định của pháp luật, cá thể hoá trách nhiệm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Đây là nguyên tắc được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhấn mạnh, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện.

Về trách nhiệm, quy trình giải quyết công việc, trên cơ sở quy định của Luật Tổ Chức Chính phủ và kế thừa quy định phù hợp của Quy chế trước đây, Quy chế mới cụ thể hóa hơn quy trình xử lý công việc của Chính phủ, Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; khắc phục những khoảng trống pháp lý, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về trách nhiệm, quy trình giải quyết công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Quy chế mới cũng đồng thời bổ sung những quy định phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh luôn phải ứng phó, xử lý những công việc cấp bách, cần thiết, quan trọng của đất nước.

Trách nhiệm, quy trình giải quyết công việc theo Quy chế mới đã sửa đổi, bổ sung cần thiết như: Bổ sung các quy định liên quan đến Thường trực Chính phủ trong giải quyết công việc; làm rõ thêm các yêu cầu về hồ sơ trình Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương trong giải quyết công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; điều chỉnh một số quy định về quy trình xử lý văn bản quy phạm pháp luật, xử lý đề án, báo cáo, văn bản đề xuất khác trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho chặt chẽ, phù hợp thực tế hơn nữa.

Gia Huy

Top