Hà Nội

Ứng dụng kỹ thuật số thúc đẩy cải cách quy định kinh doanh

(Chinhphu.vn) - Các giải pháp kỹ thuật số được ứng dụng để tiến hành cải cách quy định kinh doanh theo phương thức mới, sáng tạo và tiết kiệm chi phí.

09/03/2022 11:42
Ứng dụng kỹ thuật số thúc đẩy cải cách quy định kinh doanh - Ảnh 1.

Báo cáo đánh giá các thông lệ quốc tế tốt trong việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số trong cải cách các quy định kinh doanh và đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam. Ảnh: VGP

Nhìn lại những năm gần đây, theo đánh giá của các chuyên gia, Chính phủ Việt Nam đã tập trung xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới xây dựng chính phủ số. Nhiều công nghệ số đã được ứng dụng trong vận hành bộ máy chính quyền và cung cấp dịch vụ công. Nhiều hệ thống thông tin nội bộ của các cơ quan nhà nước đã đi vào hoạt động, nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành được xây dựng. Nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử của Việt Nam đã được ghi nhận.

Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 86 trong số 193 quốc gia thành viên theo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (EGDI), tăng 13 bậc so với năm 2014.

Tuy nhiên, trình độ phát triển chính phủ số của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước khác trong khu vực. Một lý do là nhiều công cụ kỹ thuật số hữu ích đã không được sử dụng tối đa để thúc đẩy cải cách thể chế, nhất là cải cách quy định kinh doanh.

Cải cách thể chế nói chung và cải cách quy định kinh doanh nói riêng là một trong những giải pháp trọng tâm mà Việt Nam đã và đang áp dụng để thực hiện chiến lược phát triển đất nước.

Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, trong đó "xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số" là một nội dung nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình.

Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các quy định, loại bỏ các quy định không cần thiết, không hợp lý để giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Để hiện thực hóa các mục tiêu cải cách này, việc áp dụng cách thức và công nghệ mới vào quản lý là điều rất quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ số, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và đang thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số để nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời khẳng định, kinh nghiệm quốc tế luôn là một nguồn thông tin tham khảo quan trọng để xây dựng và thực thi tốt hơn các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chính sách cải cách nói riêng.

Dự kiến, chiều mai (10/3) , Văn phòng Chính phủ phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo "Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số trong cải cách quy định kinh doanh - Kinh nghiệm tốt quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam".

Báo cáo do Bộ Ngoại giao và Phát triển (FCDO) và Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp (BEIS) Vương quốc Anh hỗ trợ nghiên cứu, trình bày các kinh nghiệm hay của nhiều nước tiên tiến trên thế giới, nhất là các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Mục đích của báo cáo là khám phá và đánh giá các thông lệ quốc tế tốt trong việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số trong cải cách các quy định kinh doanh và đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam. Báo cáo này cũng nhằm hỗ trợ các cơ quan liên quan của Việt Nam thực hiện các cải cách được nêu trong Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020 và rộng hơn là cải cách hành chính công và cải cách thể chế một cách hiệu quả hơn.

Hoàng Giang

Top