Hà Nội
Ứng dụng CNTT trong tiến trình lịch sử 75 năm của Văn phòng Chính phủ
(Chinhphu.vn) - Kết quả triển khai vận hành hệ thống thông tin và hiệu quả hoạt động ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) gắn liền với tiến trình lịch sử phát triển của Văn phòng Chính phủ (VPCP) trong suốt 30 năm qua. Đó là sự kế thừa, phát triển quá trình đóng góp công sức, trí tuệ của các tập thể, cá nhân và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Chính phủ, VPCP qua nhiều thế hệ.
Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn nút phát lệnh đưa Website Chính phủ lên Internet 10/01/2006 |
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống của VPCP (28/8/2020), Trang Văn phòng Chính phủ xin giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Công Hóa, nguyên Phó Tổng Biên tập Website Chính phủ (nay là Cổng Thông tin điện tử Chính phủ), Giám đốc Trung tâm Tin học VPCP về một số nét chính của quá trình này.
.
Giai đoạn 1990-2000
.
Năm 1990, được sự đồng ý của Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, trên cơ sở dự án do Chính phủ Pháp tài trợ, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ) đã thành lập Ban Chủ nhiệm Đề án ứng dụng Tin học và kỹ thuật thông tin tại Quyết định số 142-BT ngày 26/7/1990. Sau gần 2 năm triển khai dự án, nhằm quản lý có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để từng bước hiện đại hoá hệ thống thông tin tại VPCP, Trung tâm Tin học đã được thành lập như một đơn vị chuyên trách tiếp nhận và vận hành khai thác các sản phẩm CNTT trong cơ cấu tổ chức mới của VPCP tại Nghị định 212/TTg ngày 31/12/1992.
.
Trong thời gian 1996-1998, Chương trình Quốc gia về CNTT đã tạo tiền đề hình thành một hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật CNTT trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương.
.
Từ kết quả triển khai của Chương trình QG về CNTT năm 1996 và quý 1/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/TTg ngày 29/4/1997, trong đó có nội dung giao cho VPCP chủ trì việc triển khai nối Mạng diện rộng trong các cơ quan Hành chính của Chính phủ (CPNet). Năm 1998 hạ tầng kỹ thuật của mạng truyền dữ liệu Chính phủ (CPNet) giai đoạn 1 do Cục bưu điện Trung ương thi công kết nối mạng nội bộ (LAN) của VPCP với tất cả các Mạng LAN của các Bộ ngành và 61 tỉnh, thành phố trực thuộc đã được đưa vào vận hành, vừa thử nghiệm vừa tiếp tục triển khai theo lộ trình.
.
Một số kết quả nổi bật của giai đoạn này là: 100% chuyên viên đều được trang bị máy tính PC cùng các ứng dụng tin học văn phòng hỗ trợ xử lý công việc; Xây dựng một số hạng mục ứng dụng CNTT trong xử lý công việc của VPCP như: các chương trình quản lý đơn thư khiếu tố, Chương trình hỗ trợ thu thập và tổng hợp các báo cáo định kỳ; Xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) lưu trữ, chương trình quản lý hồ sơ vụ việc; Tham gia thỉnh giảng chuyên đề “Quản lý Dự án Công nghệ Thông tin” tại lớp Tập huấn cho Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan của Đảng ở Trung ương và các địa phương do Ban chỉ đạo công nghệ thông tin của cơ quan Đảng mời vào tháng 4/2000; Xây dựng Cấu trúc và biên tập bộ đĩa CD về CSDL các nước trên thế giới cung cấp cho Lãnh đạo các cơ quan TW Đảng; Tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/2000/NQ-CP ngày 5/6/2000 “về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005”; Cùng các cơ quan liên quan đã tham mưu cho Chính phủ Việt Nam chính thức ký tham gia hiệp định khung eASEAN về Chính phủ Điện tử (5/11/2000).
.
Giai đoạn 2001-2010
.
Trong giai đoạn 10 năm này, Văn phòng Chính phủ đã đạt được những kết quả tích cực về CNTT gồm: Lãnh đạo VPCP đã phê duyệt và tập trung lực lượng khẩn trương triển khai đề tài nghiên cứu Khoa học (Đề tài 03/2001/NCKH-VPCP) nhằm nghiên cứu luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng kế hoạch Tin học hoá hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ theo định hướng Chính phủ điện tử; VPCP tiếp tục xây dựng đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên mạng diện rộng Chính phủ và mạng cục bộ cuả VPCP theo tinh thần Nghị định số 18/2003/NĐ-CP ngày 20/02/2003 của Chính phủ quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ; Tổ chức nối mạng cáp quang 4 Văn phòng: VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ, VP Trung ương Đảng và VP Quốc hội để trao đổi, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các mạng này; VPCP đã bước đầu ứng dụng một số giải pháp tin học nhằm hỗ trợ công tác truyền nhận và phát hành công báo, nhờ đó số kỳ công báo phát hành trong mỗi tháng được tăng lên đáng kể; Xây dựng một số Quy chế như: Quy chế về tổ chức, quản lý và khai thác mạng diện rộng Chính phủ; Quy chế khai thác sử dụng mạng LAN và phát triển các ứng dụng tin học trong VPCP...; Xây dựng kho dữ liệu tổng hợp về địa chính trị-kinh tế- xã hội của các quốc gia trên thế giới. Một phần dữ liệu từ kho này đã được khai thác để biên tập thành các tài liệu tham khảo (ấn phẩm và điện tử), phục vụ công tác của lãnh đạo Đảng và nhà nước theo đề nghị tại Công văn số 2511/CV/TCTW ngày 25/10/2000 của Ban Tổ chức Trung ương…
Toàn cảnh buổi Hội nghị trực tuyến tháng 3/2009 của Chính phủ kết nối với các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố |
Đặc biệt sau khi Trang tin Điện tử Chính phủ được đưa vào vận hành, đã tạo bước đột phá về hiệu quả ứng dụng CNTT tại VPCP như “Đầu tàu” tin học hoá của hệ thống các cơ quan hành chính của cả nước.
.
Cụ thể, CNTT đã thật sự trở thành một phương tiện phục vụ công tác không thể thiếu của các chuyên viên VPCP, từ mức ứng dụng cho soạn thảo, lưu trữ văn bản ở các đơn vị hành chính cho đến mức trợ giúp tính toán xử lý dữ liệu trong các đơn vị nghiên cứu, tham mưu về công tác nghiệp vụ (quản lý cán bộ, hạch toán kế toán, tài vụ, quản lý tài sản, quản lý vật tư và phương tiện xe cộ); Nhu cầu nâng cao trình độ sử dụng CNTT đã chuyển sang ý thức tự giác trong hệ thống công chức của VPCP. Trình độ ứng dụng CNTT bước đầu được đưa vào tiêu chuẩn thi tuyển và đánh giá công chức tại VPCP; Nâng cấp hiện đại hoá Mạng diện rộng Chính phủ (CPNet), thử nghiệm và xây dựng hình thức giao diện Web cho mạng LAN VPCP; đồng thời phân cách và bảo vệ an toàn cho hệ thống thông tin dữ liệu gốc trong quá trình khai thác thông tin qua mạng; Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thiết kế nội dung và cập nhật thông tin báo cáo vào các khối dữ liệu cho Trung tâm tích hợp dữ liệu điện tử tại số 1 Hoàng Hoa Thám của VPCP; Đảm bảo vận hành an toàn hạ tầng CNTT và phối hợp với các đơn vị hữu quan xây dựng nội dung thông tin cho Website Chính phủ (thiết lập phân hệ mạng tương tác Web qua Internet); Ban hành quy chế khai thác Mạng diện rộng Chính phủ (mạng công vụ và mạng tương tác Web qua Internet); Phối hợp với một số Bộ, ngành, địa phương và các Tổng công ty Nhà nước đã có đủ điều kiện kỹ thuật để tổ chức kết nối dữ liệu 2 chiều giữa các Trung tâm dữ liệu của các cơ quan này với VPCP qua Mạng diện rộng Chính phủ, kịp thời phục vụ cho hoạt động giao ban hàng tuần của Thường trực Chính phủ, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành đất nước của Chính phủ; Phối hợp với các Trung tâm tin học của một số Bộ, ngành và địa phương triển khai các ứng dụng tin học hoá trên nền Mạng diện rộng Chính phủ, phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tin học hoá hoạt động nghiệp vụ quản lý hành chính nhà nước; triển khai hệ thống đảm bảo thông tin phục vụ cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và hợp tác quốc tế qua Website Chính phủ; Lập kế hoạch và lộ trình triển khai công tác đào tạo/huấn luyện đội ngũ chuyên viên khai thác hệ thống thông tin…
.
Những kết quả thành công cũng như những bài học kinh nghiệm chưa thành công về ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính tại VPCP và hệ thống các cơ quan hành chính giai đoạn này đã được VPCP cùng các đơn vị liên quan phân tích, tham mưu trình Chính phủ phê duyệt Đề án Đơn giản hóa Thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010.
.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 về nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước giai đoạn 2008-2010 và Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg về nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước năm 2008. Trong đó VPCP được giao nhiệm vụ chủ trì việc triển khai Cổng TTĐT Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã Thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: “…Giao Website Chính phủ và Trung tâm Tin học Văn phòng Chính phủ tìm giải pháp phát triển Website Chính phủ thành Cổng thông tin điện tử Chính phủ; nâng cấp Mạng tin học diện rộng của Chính phủ (CPNet cũ) theo tinh thần khẩn trương, hiệu quả, tiết kiệm để kịp thời phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.
.
Có thể nói từ năm 2005 đã có sự phát triển đột phá về hiệu ứng ứng dụng CNTT tại VPCP như một cơ quan đầu tàu trong hệ thống hành chính nhà nước. Những ứng dụng CNTT đã mang lại hiệu quả thiết thực, hiệu suất xử lý công việc được cải tiến và nâng cao rất nhiều lần, phục vụ kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tạo tiền đề cho bước phát triển tiếp theo. Nhờ vậy tổ chức bộ máy của VPCP đã được sắp xếp lại gọn nhẹ hơn theo Nghị định số 33/2008/NĐ-CP ngày 19/3/2008 của Chính phủ “quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ”, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính của cả nước.
.
Giai đoạn 2011-2015:
.
Trong giai đoạn này, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 06/2013/QĐ-TTg phê duyệt chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cổng TTĐT Chính phủ cho giai đoạn phát triển mới; đồng thời Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 268/QĐ-VPCP phê duyệt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Báo Điện tử Chính phủ, như một cơ quan báo chí quốc gia nằm trong thành phần của Cổng TTĐT Chính phủ.
.
Từ năm 2011 đến 2015, Cổng TTĐT Chính phủ đã cung cấp đến các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế 155.330 tin, bài trên 14 Trang thông tin điện tử với 3 thứ tiếng: Việt, Anh và Trung Quốc, mỗi năm tăng 6%; tổ chức sản xuất và phát sóng 130 Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”; 68 Chương trình “Người dân và Chính phủ”; hơn 100 cuộc tọa đàm trực tuyến; tổ chức 20 cuộc họp báo Chính phủ; cập nhật 21.971 văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp nhận và xử lý 18.000 thư phản ánh kiến nghị; báo cáo Lãnh đạo có ý kiến xử lý 28 vấn đề báo chí phản ánh; biên tập và phát hành 3.668 số Công báo in và Công báo điện tử;
.
Giai đoạn này cũng đã góp phần đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT tại VPCP như: Đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống, duy trì sự hoạt động liên tục, ổn định của mạng diện rộng Chính phủ (CPNet) và mạng LAN của VPCP; Bình quân mỗi năm đã phối hợp với các đơn vị liên quan phục vụ tốt khoảng 40 cuộc họp của Chính phủ và Lãnh đạo Chính phủ đảm bảo an toàn, tin cậy tất cả các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các cuộc họp chuyên đề của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng; Cũng trong thời gian này hàng năm phục vụ tốt khoảng: 90 cuộc họp giao ban trực tuyến hàng tuần của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ tại hai đầu cầu phòng họp 307 Nhà 5 tầng - Số 1 Hoàng Hoa Thám - Hà Nội và Cục Hành chính quản trị II tại số 7 Lê Duẩn, TPHCM góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đối với các đơn vị phía Nam. Bên cạnh hệ thống hội nghị truyền hình, việc đưa hệ thống ứng dụng và thông tin lên hệ thống máy tính trong phòng họp Chính phủ đã phát huy hiệu quả, giúp thay đổi phương thức làm việc của các thành viên Chính phủ, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; Phối hợp với các địa phương nghiên cứu phương án tích hợp thông tin dịch vụ hành chính công vào Cổng TTĐT Chính phủ…
.
Trong giai đoạn này đã xây dựng mở rộng mạng nội bộ của Văn phòng Chính phủ, chuyển từ hệ thống quản lý hồ sơ công việc sang hệ thống quản lý, điều hành và tác nghiệp trên mạng nội bộ, góp phần công khai, minh bạch trong xử lý văn bản trên môi trường mạng. Nhờ vậy hiệu suất công việc xử lý thông tin của cơ quan đã được nâng lên.
Lễ khai trương và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tháng 8/2020 |
Giai đoạn 2016-2020
.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 quan tâm chỉ đạo về cải cách hành chính là tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, xây dựng CPĐT. Được sự quan tâm, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là quyết tâm, chỉ đạo sát sao trực tiếp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng CPĐT do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.
.
Cải cách TTHC, cải thiện chất lượng phục vụ người dân
.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.000 TTHC, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, 30/120 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền. Thêm vào đó, đã tổ chức gần 30 hội nghị, hội thảo, cuộc họp đối thoại của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đóng góp thiết thực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
.
Tháng 5/2020, Văn phòng Chính phủ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
.
Nhằm bao quát toàn diện, bảo đảm tính hiệu quả của việc giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, thúc đẩy ứng dụng CNTT và khắc phục những hạn chế, tồn tại, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và ban hành Thông tư số 01/2018/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định Nghị định này. Đến nay công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, có 56/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 97,37%.
.
Từ phương thức làm việc giấy tờ sang môi trường điện tử
.
Văn phòng Chính phủ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về CPĐT đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể triển khai các giải pháp trọng tâm xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, đồng thời đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về CPĐT do Thủ tướng trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban. Thêm vào đó, để hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Nghị định số 09/2019/NĐ-CP quy định về chế độ báo cáo, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử, Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg quy định về chế độ họp. Đồng thời, đã thẩm tra trình ban hành một số văn bản quy định về việc quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số, về công tác văn thư, về mã định danh điện tử của cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương…
.
Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ đã phát huy tính tiên phong, xây dựng và đưa vào vận hành một số Hệ thống thông tin nền tảng của CPĐT, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc tại Báo cáo khảo sát CPĐT năm 2020, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ tăng 02 bậc so với năm 2018, duy trì việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86, được xếp vào nhóm các nước phát triển CPĐT ở mức cao và cao hơn chỉ số trung bình thế giới.
.
TS. Nguyễn Công Hóa, nguyên Phó Tổng Biên tập Website Chính phủ,
Giám đốc Trung tâm Tin học VPCP