Hà Nội

Tri ân về ‘miền đất lửa’

(Chinhphu.vn) – Trải dọc dải đất miền Trung, đâu đâu cũng là địa danh lịch sử gắn với công cuộc kháng chiến trường kỳ vì sự toàn vẹn của đất nước. Tên các liệt sĩ khắc vào đá núi, vào những trang sử hào hùng của dân tộc, hóa thành khúc tráng ca bất tử.

06/08/2018 10:10

Đồng chí Nguyễn Xuân Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm VPCP cùng Đoàn công tác dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Ảnh: Diệu Anh

.

Và miền đất này chính là điểm đến trong chuyến hành trình “Tri ân-Về nguồn” của đoàn chúng tôi. Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ (VPCP) gồm hơn 25 người, là những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, những đoàn viên thanh niên của VPCP.

.

Vượt qua hơn 600 cây số, đoàn chúng tôi về với vùng đất lửa Quảng Trị - mảnh đất đầy nắng và gió, mảnh đất lịch sử hào hùng và đáng khâm phục trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Mảnh đất kiên cường và anh dũng này đã chứng kiến cuộc chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược và sự hy sinh anh dũng của bao người con ưu tú. Những tên làng, tên núi, tên sông và các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Thành cổ Quảng Trị, Đường 9 - Khe Sanh, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt Sỹ Quốc gia Đường 9… đã đi vào ký ức của mỗi người.

.

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành thắp hương tưởng nhớ các chiến sỹ đã hy sinh. Ảnh: Diệu Anh

.

“Địa chỉ đỏ” đầu tiên mà Đoàn đến dâng hương là tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Có lẽ đối với những ai lần đầu đặt chân đến đây sẽ không khỏi cảm giác choáng ngợp và bồi hồi khi nhìn thấy hàng chục vạn ngôi mộ nằm ngay ngắn, thẳng hàng trong cả một vùng đất rộng lớn.

.

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9-nơi yên nghỉ của hơn 10.000 Anh hùng, liệt sỹ. Ảnh: Diệu Anh

.

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn một vạn Anh hùng, liệt sỹ gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Còn Nghĩa trang Trường Sơn chính là nơi yên nghỉ của các chiến sĩ đã ngã xuống trong 16 năm khai mở, chiến đấu, giữ vững và phát triển đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây là nơi quy tụ hơn 10.300 phần mộ của các liệt sỹ; có tổng diện tích 140.000 m2.

Kính cẩn thắp hương tại Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Diệu Anh

.

Dẫu biết nghĩa trang liệt sỹ thì ở bất kỳ vùng quê nào cũng có nhưng ở Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 trên đất Quảng Trị nắng lửa này thì như khác hơn, bởi đây là những “địa chỉ đỏ” nơi quy tụ hài cốt của hàng vạn liệt sỹ đến từ nhiều vùng quê đất Việt trở về từ khắp các chiến trường. Các anh đang đứng chung trong “đội hình trắng” thẳng tắp, nghiêm trang. Dù đất nước đã hòa bình gần 40 năm, thế nhưng vẫn còn đó bao nhiêu tấm bia im lìm với dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”.

.

Tại đây, đoàn đã dâng hoa cùng những nén hương thay lời tri ân, kính cẩn nghiêng mình cảm ơn các anh, các chị, những người cha, những người anh hùng của đất nước. Thế hệ cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên VPCP cảm thấy thật tự hào biết bao về các anh, các chị, những con người ưu tú, dũng cảm đã hiến dâng trọn tấm thân mình cho quê hương.

Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Diệu Anh

.

Rời Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn và Đường 9, Đoàn tiếp tục chuyến hành trình đến với Thành Cổ Quảng Trị. Nơi đây, mỗi nhành cây, ngọn cỏ, mỗi tấc đất đã thấm đẫm máu của hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào ta. Để khi quay trở lại thăm chiến trường Thành Cổ và viết cho những người đồng đội đã nằm lại chiến trường thì cựu chiến binh Phạm Đình Lân đã viết.

.

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

.

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

.

Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió

.

Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây.

.

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

.

Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

.

Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

.

Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào.”

.

Đoàn dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Diệu Anh

.

Đặt chân đến “vùng đất thiêng” Thành cổ Quảng trị, các thành viên trong đoàn đều trào dâng xúc động, bước chân dường như chậm rãi, nhẹ nhàng hơn bởi ai cũng hiểu dưới mỗi bước chân đang đi là máu xương của hàng vạn Anh hùng liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây.

.

Trong trận chiến 81 ngày đêm khốc liệt của mùa hè năm 1972, Thành cổ Quảng Trị đã kiên cường gánh chịu 328.000 tấn bom đạn Mỹ - Ngụy (bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945). Hàng nghìn chiến sĩ của ta hầu hết đều đang trong độ tuổi đôi mươi, xếp bút nghiên lên đường ra trận đã anh dũng chiến đấu và mãi mãi nằm lại dưới đất thiêng ở lứa tuổi đẹp nhất đời mình.

.

Thắp nén nhang trên Đài tưởng niệm, các thành viên trong đoàn nguyện cầu cho linh hồn những người lính “mãi mãi tuổi hai mươi” được siêu thoát, trở thành bất tử, để chứng kiến sự hồi sinh của mảnh đất này, mảnh đất mà họ đã phải đổi bằng xương, bằng máu để gìn giữ vẹn nguyên cho thế hệ mai sau.

.

Chúng tôi đến với dòng Thạch Hãn nằm bên cạnh Thành Cổ Quảng Trị. Bất giác gặp mấy câu thơ quen thuộc của nhà thơ Lê Bá Dương: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.

.

Đoàn công tác thả hoa tại dòng sông Thạch Hãn tưởng nhớ các chiến sỹ hy sinh nơi đây. Ảnh: Diệu Anh

.

Đó là 4 câu thơ người ta thường nhắc khi đến Thành cổ Quảng Trị vì nó có sức ám ảnh bồi hồi khó tả khi xuôi dòng Thạch Hãn, cho dù chiến trường đã lắng mùi khói súng, bình yên đã trở lại. Cũng chính tại nơi đây, xưa kia biết bao nhiêu người nằm lại sau những chuyến vượt sông.

.

Có lẽ sự hy sinh của các chiến sĩ đã hóa thành bất tử, làm phục sinh cho cõi sống. Dấu tích của một thời đạn bom, đau thương giờ phủ một màu xanh của sự sống, của hòa bình mà đời đời mãi khắc ghi với tất cả tấm lòng tri ân sâu nặng.

.

Tiếp tục hành trình thăm lại chiến trường xưa, đoàn chúng tôi đã đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1980 trên đồi Cu Bốc, có gần 3.500 mộ các liệt sỹ khắp mọi miền đất nước an nghỉ. Địa danh này được cả thế giới biết đến như là địa ngục trần gian thứ hai và là chiến trường khốc liệt nhất trong trận chiến Khe Sanh năm 1968 được ví như trận Điện Biên Phủ lịch sử.

.

Khe Sanh được báo chí nước ngoài gọi là “cối xay thịt” nghĩa là nơi diễn ra các trận đánh dữ dội giữa quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa mà thương vong ở cả hai bên đều không hề nhỏ.

.

Đoàn thắp hương tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Ảnh: Diệu Anh

.

Rời mảnh đất Quảng Trị linh thiêng, xe chúng tôi tiếp tục lăn bánh đến Quảng Bình, viếng thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến. Đứng trước khu mộ Đại tướng, các thành viên trong đoàn được tới gần hơn một con người vĩ đại, được kính cẩn, nghiêng mình dâng hương bày tỏ tấm lòng thành kính và niềm biết ơn với vị tướng tài ba, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con anh hùng của dân tộc.

.

Cũng trong chuyến tri ân lần này, Đoàn chúng tôi đã đến Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Tại mảnh đất thiêng này, nhiều chiến sỹ đã ngã xuống, trong đó có 10 nữ thanh niên xung phong đã hiến trọn tuổi thanh xuân để nối liền mạch máu giao thông từ “Hậu phương lớn” với “Tiền tuyến lớn” góp phần cho Tổ quốc toàn thắng.

.

Tri ân 10 nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Diệu Anh

.

“Đồng Lộc nơi đây thật tự hào

.

Núi sông ghi tạc những công lao

.

Còn đây ý chí mười cô gái

.

Dũng cảm hy sinh thuở má đào”

.

Những câu thơ của Nhà thơ, Nhà báo Đặng Kiên Cường được khắc trên tấm đá nhỏ trong khuôn viên Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc càng như nhắc nhở đoàn chúng tôi về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong vào buổi chiều ngày 24/7/1968 (tức 26/6 năm Mậu Thân) khi họ mới mười tám, đôi mươi.

.

10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào lịch sử như một dấu ấn hào hùng của tinh thần quả cảm, chính nghĩa anh hùng cách mạng, cuộc đời của họ đã trở thành điển tích, huyền thoại khi cả sự sống và cái chết đều mang vẻ bi tráng của một thiên anh hùng ca bất tử.

.

Chuyến hành trình tri ân về với miền Trung “vùng đất lửa” lịch sử tuy ngắn, nhưng đã giúp mỗi thành viên trong đoàn được hòa mình vào truyền thống anh hùng, hun đúc thêm niềm tự hào dân tộc. Đó cũng là nguồn cội của sức mạnh để chúng tôi vững vàng trên hành trình đến với ngày mai.

.

Diệu Anh

Top