Hà Nội

Tham vấn TTHC về quyền bán buôn bán lẻ dược phẩm của DN có vốn đầu tư nước ngoài

(Chinhphu.vn) - Sáng 8/9, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (TTHC) thuộc Văn phòng Chính phủ tổ chức tham vấn về phản ánh, kiến nghị của Công ty cổ phần hóa – dược phẩm Mekophar không được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cấp bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh về quyền bán buôn, bán lẻ dược phẩm, vì lý do Công ty thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

08/09/2011 15:40

Bà Huỳnh Thị Lan- Tổng giám đốc Mekophar nêu kiến nghị tại buổi tham vấn -Ảnh chinhphu.vn

Tham dự cuộc họp có đại diện Phòng Thương mại Hoa kỳ (thành viên của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính), một số Hiệp hội doanh nghiệp và đại diện của các Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Công Thương, Y tế, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban chứng khoán, Bộ Tài chính .

Khó khăn chung của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm

Cuộc tham vấn được thực hiện trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của Công ty Cổ phần Hóa – Dược phẩm Mekophar về việc không được bổ sung quyền bán buôn, bán lẻ trên giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh vì có vốn đầu tư nước ngoài đã huy động trên thị trường chứng khoán.

Khó khăn này không phải chỉ riêng của Mekophar mà của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực Dược phẩm và kinh doanh các mặt hàng mà Việt Nam bảo lưu quyền phân phối khi gia nhập WTO.

Theo công bố của đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại buổi tham vấn, chỉ tính riêng các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, hiện tại cả nước đã có 21 công ty trong lĩnh vực Dược phẩm có sở hữu nước ngoài, trong đó nhiều công ty có tỉ lệ sở vốn nước ngoài trên 30%, thậm chí tới 48 – 49%.

Tính đến tháng 4/2011, nhà đầu tư nước ngoài đã mua cổ phiếu của Mekophar với số cổ phần gần 4,33 tỷ đồng, chiếm  4,7% vốn điều lệ của Mekophar.

Năm 2010, Mekophar đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh “bán buôn, bán lẻ dược phẩm” nhưng không được Sở KHĐT TP. Hồ Chính Minh chấp thuận với lý do đây là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, căn cứ theo các quy định của Luật Đầu tư, Nghị định số 23/2007/ NĐ- CP của Chính phủ, Thông tư 09/2007/ TT-BTM và Quyết định 10/2007/QĐ- BTM của Bộ Thương mại.

Theo các quy định trên, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được quyền phân phối đối với một số ngành nghề, trong đó có ngành nghề dược phẩm. Vì vậy, việc Mekophar có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thông qua mua cổ phiếu trên sàn HOSE được coi là không đáp ứng quy định.

Với việc không được bổ sung ngành nghề kinh doanh nêu trên, Mekophar không được xét công nhận chuỗi nhà thuốc đạt GPP (thực hành tốt nhà thuốc) và GDP (thực hành tốt phân phối thuốc), qua đó không được tham gia đấu thầu tại các bệnh viện, không được phân phối thuốc qua hệ thống nhà thuốc, đại lý, chi nhánh, dẫn đến nguy cơ thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.

Hiện tại, theo đại diện Mekophar, doanh nghiệp đang đứng trước lựa chọn hủy niêm yết trên thị trường, đàm phán nhằm giảm tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài xuống còn 0%.

Vướng mắc của luật hay do thực thi luật

Phát biểu tại buổi tham vấn, đại diện các Bộ KHĐT, Công Thương, Y tế đều cho rằng việc Sở KHĐT TP. HCM không bổ sung quyền bán buôn, bán lẻ trên giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh của Mekophar vì có vốn đầu tư nước ngoài do huy động trên thị trường Chứng khoán là không sai nếu chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các ý kiến cho rằng đây là vướng mắc của luật pháp. Do quy định không rõ ràng, hướng dẫn thực hiện không cụ thể dẫn đến các cơ quan thực hiện hiểu theo nhiều cách khác nhau, mỗi nơi vận dụng một kiểu.

Các văn bản pháp luật hiện nay chưa quy định tỉ lệ sở hữu tối thiểu bao nhiêu thì được coi là có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn đến thực tế doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ cần nhà đầu tư ngoại sở hữu 1 cổ phiếu cũng đã có thể được hiểu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, luật cũng chưa có sự phân biệt giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp với doanh nghiệp có vốn nước ngoài do huy động trên thị trường chứng khoán.

Trước những vướng mắc của doanh nghiệp và thực tế quy định của pháp luật hiện hành, các ý kiến tham vấn cho rằng cần xác định rõ vấn đề phải giải quyết, giải pháp cụ thể và trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào.

Ông Nguyễn Nguyên Dũng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho rằng, phản ánh, kiến nghị của Mekophar liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành. Vấn đề đặt ra là phải tiến hành rà soát tổng thể các quy định của pháp luật liên quan để kiến nghị sửa đổi một cách đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn. Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với các cơ quan hữu quan và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng để có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp./.  

Xuân Tuyến

Top