Hà Nội
Tập trung đầu mối giải quyết thủ tục hành chính
(Chinhphu.vn) - Cần tập trung đầu mối giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng có tính đến yếu tố đặc thù, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, khả thi trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Ngày 23/11, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) tổ chức họp lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương đưa ra tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã.
Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ TT&TT, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Để người dân chỉ cần đến một điểm, một nơi
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (TTHC) cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, VPCP đang chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng tập trung đầu mối giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện, cấp xã nhưng có tính đến yếu tố đặc thù, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, khả thi trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, ở các địa phương, ngoài một số tỉnh, thành phố đông dân và quy mô địa bàn rộng như Hà Nội, TPHCM vẫn có Bộ phận Một cửa tại các sở, ban, ngành, thì hầu hết các địa phương khác đã gom về một địa chỉ, tập trung ở cấp tỉnh là Trung tâm phục vụ hành chính công. Từ đó, người dân không phải đến từng sở, ngành để làm TTHC.
"Theo yêu cầu Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, đó là phải giảm thiểu các đầu mối để người dân không phải đi nhiều nơi. Đến nay, một số cơ quan, bộ ngành đã từng bước triển khai nhưng với một số cơ quan vẫn chưa thực hiện triệt để, nói là một cửa nhưng vẫn còn nhiều cửa ở cùng 1 cấp hành chính", ông Ngô Hải Phan cho hay.
Nhấn mạnh dư địa cải cách còn rất nhiều, ông Ngô Hải Phan cho rằng, cần thiết có bộ phận chăm sóc khách hàng, đánh giá những nhu cầu của người dùng để có những cải tiến. Ngoài các dịch vụ công trực tuyến, thì đối với Bộ phận Một cửa, người dân chỉ cần đến một điểm, một nơi để thực hiện TTHC chứ không phải chạy lòng vòng. Điều này thể hiện bước chuyển của Chính phủ từ hành chính truyền thống sang hành chính phục vụ và đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, thời gian qua, Cục đã triển khai nhiều hoạt động để nghiên cứu xây dựng dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 1291/QĐ-TTg như: Tổng kết việc thực hiện Quyết định số 1291/QĐ-TTg; thực hiện khảo sát tại 5 tỉnh gồm: Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Tây Ninh và Bình Dương; tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tại TPHCM.
Các ý kiến đều cho rằng, Quyết định 1291 đã phát huy hiệu quả trên thực tế, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng phản ánh về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như về nhân lực, trụ sở, trang thiết bị, cơ sở vật chất, kết nối, chia sẻ dữ liệu, giám sát, đánh giá chất lượng, tiến độ giải quyết TTHC...
Bên cạnh đó, số lượng TTHC của cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương được đưa ra tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa ở mỗi địa phương khác nhau, không thống nhất. Nhiều TTHC chưa được đưa ra thực hiện tại Bộ phận Một cửa của địa phương theo đúng Quyết định số 1291/QĐ-TTg.
Ngoài ra, hiện nay, các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương đều tổ chức Bộ phận Một cửa, như: Thuế, Bảo hiểm xã hội, hoặc bố trí nơi tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC ngay tại cơ quan, đơn vị, điển hình như: Công an, Thi hành án dân sự, quân sự. Điều đó, dẫn đến tình trạng khó khăn cho người dân trong việc thực hiện thủ tục (tìm cơ quan có thẩm quyền giải quyết, địa điểm tiếp nhận hồ sơ...).
Đặc biệt, tình trạng chung phổ biến đó là không đánh giá, kiểm tra, giám sát được chất lượng giải quyết TTHC do các cơ quan này chưa tổ chức Bộ phận một cửa theo đúng quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP. Ngoài ra, các TTHC đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhưng chưa bảo đảm các yêu cầu…
Do cách tổ chức nơi tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC như trên, nên số lượng Bộ phận này trên cả nước rất nhiều. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, thì các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương đã bố trí 10.869 Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, xin ý kiến, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện lại dự thảo Quyết định với 2 phương án.
Theo đó, với phương án 1, dự thảo Quyết định được xây dựng theo hướng: Quyết định phê duyệt Danh sách TTHC được tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa cấp tỉnh, huyện, xã ở địa phương, trong đó có quy định về lộ trình thực hiện trong các năm 2023, 2024, 2025 để vừa bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, vừa bảo đảm tính thống nhất chung trong cả nước.
Phương án này sẽ bảo đảm tập trung một đầu mối, bảo đảm tính thống nhất trong triển khai thực hiện; bảo đảm tính khả thi, có thể thực hiện ngay sau khi Quyết định được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; kế thừa quy định đang được thực hiện và phát huy hiệu quả trên thực tế, đồng thời khắc phục các hạn chế, vướng mắc tại Quyết định số 1291/QĐ-TTg như: TTHC đã bị bãi bỏ, thay thế hoặc việc không đưa toàn bộ TTHC của một lĩnh vực/ngành dẫn đến người dân khó khăn trong thực hiện, cơ quan nhà nước thì lãng phí nguồn lực trong việc bố trí đồng thời nhiều Bộ phận Một cửa để tiếp nhận TTHC...
Phương án này cũng được đánh giá là thực sự thuận lợi, tiết giảm chi phí cho cả đối tượng thực hiện và nhà nước; cơ bản đáp ứng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là: Tập trung đầu mối giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện, cấp xã, có tính đến yếu tố đặc thù, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, khả thi trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, rất cần sự quyết tâm cao của bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Địa phương cần bố trí, đầu tư nhất định về trụ sở, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho các cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương thực hiện tiếp nhận TTHC tại Bộ phận Một cửa của địa phương.
Đối với Phương án 2, dự thảo Quyết định được xây dựng theo hướng: Quyết định các TTHC của cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương phải được tiếp nhận tập trung tại 01 Bộ phận Một cửa của cơ quan, đơn vị được tổ chức theo Hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương.
Phương án này cơ bản bảo đảm tính ổn định trong tổ chức, thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương.
Tuy nhiên, về cơ bản, phương án này không có sự thay đổi, ngoài cơ quan Công an, các cơ quan khác hiện nay hiện đã bố trí việc tiếp nhận TTHC tại Bộ phận Một cửa tập trung của cơ quan, đơn vị mình. Tồn tại quá nhiều Bộ phận Một cửa trên phạm vi cả nước (trên 20 nghìn). Không đáp ứng được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tập trung đầu mối giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã.
Hiện nay, Cục Kiểm soát TTHC vẫn đang xin ý kiến lựa chọn, đánh giá đối với từng phương án và trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện quyết định.
Hoàng Giang