Hà Nội
Tăng cường xây dựng thể chế để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng
(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ nhận thức rõ, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trung tâm, ưu tiên hàng đầu trong hoạt động chỉ đạo, điều hành.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì một phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật - Ảnh: Quang Hiếu |
Tập trung xây dựng thể chế
.
Văn phòng Chính phủ xác định, công tác tham mưu tổng hợp phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là hết sức quan trọng, trong đó trước hết là công tác xây dựng thể chế. Trong quá trình thẩm tra các đề án, dự án, dự thảo, Văn phòng Chính phủ đã chú trọng đến đánh giá tác động của chính sách, có sáng kiến và tổ chức thí điểm cơ chế tham vấn ý kiến chuyên gia nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp của chính sách, để từ đó hạn chế việc ban hành những chủ trương chưa phù hợp hoặc chưa thực sự bức thiết, gây phản ứng trong dư luận xã hội. Hàng năm, Văn phòng Chính phủ đã cử hàng trăm lượt công chức tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập, phối hợp với các Bộ, ngành ngay từ quá trình xây dựng đề án, dự án, dự thảo. Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ còn chủ động mạnh dạn đề xuất tham mưu nhiều nội dung, vấn đề quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý; cùng với các Bộ, ngành phối hợp xây dựng chặt chẽ, hiệu quả, nhờ đó công tác thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật, các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được đổi mới và bảo đảm chất lượng.
.
Văn phòng Chính phủ cũng nhận thức rõ, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trung tâm, ưu tiên hàng đầu trong hoạt động chỉ đạo, điều hành.
.
Chính phủ đã dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật. Mỗi năm, Chính phủ tổ chức 2 đến 3 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Việc xem xét thông qua các dự án, luật, pháp lệnh tại các phiên họp của Chính phủ đã được cải tiến. Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp cho ý kiến về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản của nhiều dự án luật quan trọng, phức tạp, nhằm định hướng cho việc nghiên cứu soạn thảo đảm bảo chất lượng và tiến độ trình dự án.
.
Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ đã đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng và thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình công tác; xử lý văn bản và hồ sơ công việc; theo dõi đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao. Nhìn chung, tình trạng nợ đọng văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được khắc phục cơ bản.
.
Kết quả của sự tích cực tham gia hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng Chính phủ với các cơ quan liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi và đạt kết quả khả quan cho quá trình chuẩn bị, hoàn thiện, soạn thảo các báo cáo, dự thảo văn kiện để Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến; trong đó có nhiều báo cáo, văn kiện lớn, quan trọng. Văn phòng Chính phủ cũng ngày càng hoàn thiện việc chủ trì hoặc tham gia biên tập soạn thảo các báo cáo giải trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội và các kết luận, bài phát biểu trả lời phỏng vấn, bài viết tại các hội nghị, các cuộc họp trong nước và quốc tế của lãnh đạo Chính phủ.
.
Văn phòng Chính phủ cũng thường xuyên nắm bắt tình hình thực tiễn dư luận xã hội để báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo, xử lý kịp thời hoặc phân công các Bộ, ngành địa, phương xử lý kiểm tra báo cáo, chủ động thông tin về các vấn đề nóng ngày càng thu hút sự quan tâm của dư luận báo chí, nhất là các vấn đề liên quan đến hậu quả thiên tai, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững...
.
Bình quân hàng năm, Văn phòng Chính phủ tiếp nhận xử lý hơn 100.000 các văn bản từ các Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và địa phương gửi lên Thủ tướng Chính phủ; xử lý hàng nghìn đề án thông qua phiếu trình giải quyết công việc; phát hành bình quân mỗi năm khoảng 20.000 văn bản các loại của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ bảo đảm chất lượng đúng thời hạn và bảo mật, không có sai sót về nội dung, thực hiện đúng quy trình, quy chế làm việc của Chính phủ, đúng thẩm quyền quy định của pháp luật.
.
Đơn cử như trong năm 2019, riêng Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ đã hoàn thành, theo dõi thẩm tra trình Chính phủ được 21/21 dự án luật trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019. Vụ cũng đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 đối với 25 dự án luật Chính phủ đã trình. Tính từ đầu năm 2019 đến ngày 30/11/2019, Vụ Pháp luật đã có 1.945 ý kiến phối hợp xử lý với các đơn vị trong Văn phòng chính phủ về việc thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án do các Bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các ý kiến thẩm tra phối hợp đều bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và được lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ cân nhắc xem xét. Trong năm 2019, Vụ cũng đã hoàn thành theo dõi, thẩm tra 30/31 đề án (đạt gần 100%) do Bộ Tư pháp trình.
.
Phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương
.
Để thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm tra về trình tự thủ tục và có ý kiến đánh giá độc lập đối với các đề án, dự án, dự thảo, văn bản quy phạm pháp luật, các báo cáo quan trọng của Chính phủ và những công việc thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan trình trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại của đất nước, Văn phòng Chính phủ đã rất chú trọng việc phối hợp thường xuyên với các Bộ, ngành, cơ quan trong quá trình chuẩn bị và hoàn chỉnh các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
.
Trong nội bộ cơ quan Văn phòng Chính phủ, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong Văn phòng Chính phủ và nội bộ trong từng đơn vị có tiến bộ. Các vụ, cục, đơn vị đã thực hiện hàng nghìn phiếu phối hợp xử lý văn bản, thực hiện nghiêm túc các ý kiến phối hợp để việc thẩm tra các đề án, dự án ngày càng mang tính toàn diện và tham mưu chính xác.
.
Văn phòng Chính phủ đã làm tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra và đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
.
Các ý kiến tham mưu, đề xuất của Văn phòng Chính phủ đã có những đóng góp nhất định vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong thực hiện các nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, khắc phục những khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ kết cấu hạ tầng; tiếp tục đẩy mạnh, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao, khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng - an ninh; tiến hành đồng bộ các biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo; triển khai có hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; cải cách thể chế, tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Đặc biệt từ đầu năm 2020, Chính phủ đã có các chỉ đạo liên quan đến việc phòng chống dịch Covid-19 nhằm hạn chế thấp nhất thương vong xảy ra, cũng như phấn đấu thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
.
Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh được đôn đốc thực hiện quyết liệt, có nhiều kết quả. Trong giai đoạn 2016 -2020, Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 753 văn bản quy phạm pháp luật (562 Nghị định, 191 Quyết định). Số văn bản nợ đọng ban hành ngày càng giảm. Nếu như giai đoạn 2010-2015, tổng số lượng văn bản nợ đọng ban hành khoảng trên 120 văn bản, giai đoạn 2016-2019, tổng số lượng văn bản nợ đọng ban hành chỉ ở mức 22. Đặc biệt, năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng không nợ đọng ban hành văn bản nào. Bảo đảm các luật, pháp lệnh của Quốc hội sau khi ban hành mau chóng được thực thi, đi vào cuộc sống.
.
Tính riêng giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm, Văn phòng Chính phủ tiếp nhận khoảng 150 nghìn văn bản; tham mưu tổng hợp, trình Lãnh đạo Chính phủ hơn 13 nghìn Phiếu trình giải quyết công việc, tuân thủ Quy chế làm việc, tổng hợp đầy đủ, trung thực ý kiến của các bộ, cơ quan; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hơn 26 nghìn văn bản; xử lý khối lượng lớn công việc thường xuyên do các bộ, cơ quan trình (ban hành khoảng: 1.300 Tờ trình Chủ tịch nước; 60 Tờ trình Quốc hội; 140 Nghị quyết và 650 Công văn của Chính phủ; 30 Chỉ thị, gần 2.000 quyết định cá biệt và trên 1.800 Công văn của Thủ tướng Chính phủ; trên 700 Thông báo kết luận của Lãnh đạo Chính phủ; hàng nghìn văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ) bảo đảm tuân thủ Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và quy định liên quan. Đồng thời, trả lại hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với các hồ sơ chưa đầy đủ, không đúng trình tự, thủ tục hoặc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
.
Từ đầu năm 2020 đến nay, trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý hoàn thiện các văn bản có phức tạp trong thời gian ngắn, Văn phòng Chính phủ đã có các giải pháp cải tiến để hoàn thành đúng thời hạn, tập trung làm tốt công tác phối hợp trong nội bộ và trực tiếp làm việc trao đổi với chủ các đề án các cơ quan có liên quan để rà soát, đánh giá kỹ lưỡng nội dung văn bản, kết hợp thực hiện đồng bộ nhiều khâu trong quá trình xử lý. Từ cách này, nhiều vấn đề hóc búa đã từng bước được tháo gỡ, hoàn thành đúng thời hạn được các cấp đánh giá cao, góp phần nâng cao chất lượng văn bản, chất lượng thẩm tra và tiến độ thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
.
Có thể khẳng định, Văn phòng Chính phủ luôn luôn coi trọng việc ban hành kịp thời, đảm bảo chất lượng các văn bản pháp luật để góp phần vào thành tựu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
.
Vĩnh Hoàng