Hà Nội
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng: Chúng tôi đã làm việc với VPCP như người nhà
(Chinhphu.vn) – Nhớ lại quãng thời gian công tác, trong đó có 21 năm phối hợp làm việc với Văn phòng Chính phủ (VPCP), bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội (LĐTB&XH) chia sẻ: “Chúng tôi đã làm việc với nhau như người nhà, đây cũng là thời gian đem lại nhiều bài học hữu ích cho tôi trong quá trình công tác”.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và nghề Công tác xã hội Việt Nam. Ảnh Mai Anh |
.
Đấy là thời gian tôi có nhiều ký ức, cũng là thời gian đem lại cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích, học hỏi được từ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công tác của VPCP.
.
Với tôi, VPCP là cơ quan mà cách làm việc, phương thức hoạt động cũng như bộ máy tổ chức luôn có tính chất chuyên nghiệp và phương pháp làm việc phối hợp khoa học nhưng linh hoạt, sáng tạo. Trong quá trình xây dựng chính sách mà Bộ LĐTB&XH là đơn vị chủ trì đều có sự song hành của VPCP ngay từ đầu. Mỗi một vấn đề, chúng tôi đều nhận được những góp ý từ các chuyên gia của VPCP với đầy đủ luận cứ, vừa mang tính khoa học vừa mang tính thực tiễn”.
.
Bà Nguyễn Thị Hằng nhớ lại: Bắt đầu của nhiệm kỳ tôi làm Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, cũng là thời kỳ đất nước ta đang trong quá trình hội nhập, tính hợp tác quốc tế rất rộng, nhiều quy định, chính sách liên quan đến công tác lao động, thương binh và xã hội cũng ra đời vào giai đoạn này.
.
Thời điểm đó, công tác lao động, thương binh và xã hội có nhiều vấn đề lớn, trong đó, chúng tôi đã trình những luật rất mới liên quan đến chính sách của ngành; thực hiện đề án giải quyết những chính sách lao động – xã hội có liên quan đến quá khứ; chính sách tăng lương hàng năm… VPCP đã có bộ máy cán bộ, chuyên gia góp ý cho chúng tôi rất sâu ở từng vấn đề, lý giải bằng cơ thế, chính sách và gắn với thực tiễn cụ thể.
.
Chúng tôi đã phối hợp, đồng hành trong các vấn đề trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tôi cảm nhận rất rõ cái tâm của các cán bộ, chuyên gia của VPCP trên tình thần tất cả vì công việc, vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
.
Thời kỳ tôi làm Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, có nhiều vấn đề lớn phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết chính sách nối giữa quá khứ - hiện tại trong giai đoạn hội nhập. Đó là 3 chương trình mục tiêu quốc gia: “Xóa đói giảm nghèo” mà thế giới thừa nhận Việt Nam đã thực hiện cam kết thiên niên kỷ giảm 50% nghèo đói; Chương trình về “việc làm quốc gia” đã xây dựng quỹ việc làm để cho những người có khả năng làm việc nhưng không có vốn được vay với lãi suất ưu đãi, tạo thêm việc làm cho người lao động; Chương trình mục tiêu dạy nghề để chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước.
.
Những chính sách này ra đời đều có sự phối hợp gắn kết hiệu quả giữa VPCP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chính vì vậy, có sự đồng thuận, thuận lợi khi Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ xem xét quyết định.
.
Nói về những bài học kinh nghiệm trong công tác, bà Nguyễn Thị Hằng dãi bày: Tôi là người được kế thừa thành quả hoạt động của ngành từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng tiền nhiệm và đội ngũ cán bộ của ngành. Cái khó nhất trong công tác lao động – thương binh – xã hội đó là nhiệm vụ của ngành vừa là kinh tế vừa là công tác xã hội, vừa là hiện tại – vừa nối quá khứ và để đón đầu và hội nhập. Trong đó, cái khó nhất là xử lý chính sách, cơ chế pháp luật làm sao hài hòa, không hy sinh quyền lợi bất kỳ một đối tượng nào.
.
Chúng tôi đã giải quyết nhiều mối quan hệ của quá trình lịch sử, quá trình chiến tranh cho đến đổi mới và hội nhập. Ví dụ, với những người về hưu trước năm 1993, chúng tôi trình Chính phủ xem xét, quyết định, nếu như họ không được lên lương từ 5 – 7 năm trở lên, thì tiếp tục được lên lương. Vì vậy, kết quả của cơ chế này là cả quân sự và dân sự đều được lên lương có người tăng đến 4 bậc lương một lúc, có người lên 3 bậc lương mặc dù đã về hưu.
.
Kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ đối với tôi có 3 bài học. Thứ nhất, phải nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với từng lĩnh vực. Từ nắm chắc chủ trương, phải có kinh nghiệm, sự nhạy bén để giải quyết cái gì trước, giải quyết cái gì sau, cái gì là đồng thời và mối quan hệ của các lĩnh vực này như thế nào. Mối quan hệ kinh tế - xã hội trong giải quyết các vấn đề lao động, thương binh xã hội phải hiểu cuối cùng là vì mục tiêu phát triển con người.
.
Thứ hai, đối với bất cứ vấn đề gì đều phải có ý tưởng, bước đi và lộ trình cụ thể. Như trong vấn đề tiền lương, đầu tiên, chúng tôi chấp nhận 3 loại lương khác nhau, trong doanh nghiệp FDI khác, doanh nghiệp Nhà nước khác và doanh nghiệp tư nhân khác. Nhưng đến bây giờ, tiền lương của các loại hình doanh nghiệp đã thống nhất. Chúng ta đã xử lý được hai vấn đề: Thứ nhất là tiền lương tối thiểu chung cho toàn xã hội và thứ hai là tiền lương vùng và không còn phân biệt doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước. Giải quyết vấn đề này rất khó nhưng thực sự chúng ta đã làm được.
.
Đó là những chính sách chúng tôi đã làm, được Quốc hội, Chính phủ chấp nhận và đi vào cuộc sống, và quan trọng là thực tế cuộc sống đã chứng minh chính sách là hiệu quả.
.
Thứ ba, đó là phải đi thực tế, bám sát thực tiễn, thậm chí là làm thử, làm điểm, nếu không thành công thì phải điều chỉnh. Ví dụ, trong thực hiện chính sách giảm nghèo, chúng tôi đã điều tra 11 tỉnh ở những địa phương nghèo đói nhất, sau đó vận dụng vốn hợp tác nước ngoài giải quyết nghèo đói ở những nơi này rồi mới triển khai rộng. Chúng tôi đã làm như vậy và thấy rằng, với nhiều việc, cần thực hiện điểm nhằm phát hiện những vấn đề chưa hợp lý để điều chỉnh kịp thời khi triển khai nhân rộng.
.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, làm công tác quản lý, trên cương vị “tư lệnh ngành” khó nhất vẫn là tạo ra nhận thức chung từ người thủ trưởng cho đến cả bộ máy và cả hệ thống ngành dọc. Từ ý tưởng của người lãnh đạo, làm sao chuyển động được đến các bộ phận khác để tạo nhận thức chung, tạo sự đồng thuận, động lực và mục tiêu và để tạo được niềm tin trong nhân dân.
.
Cái khó nhất là từ ý tưởng, chủ trương như vậy, làm thế nào chuyển được thành mục đích chung, để các cấp, các ngành và nhân dân thấy đó là hiện thực và tích cực triển khai thực hiện.
.
Từ cái khó này, tôi nhận thấy cả quá trình đảm đương nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH còn có nhiều điểm chưa hài lòng trên cương vị công tác của mình. Tôi mới chỉ hài lòng về cách làm việc, chưa hài lòng phần việc phải làm. Điều chưa hài lòng là vì còn có thể làm được một số việc nữa nhưng lúc đó còn đắn đo, chưa mạnh dạn mà lúc bấy giờ nếu nghiên cứu, chỉnh sửa thì thuận lợi hơn cho hoạt động của ngành thời gian sau này.
.
Mai Anh thực hiện