Hà Nội
Mô hình Tổ công tác đặc biệt về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của Malaysia
Pemudah là Tổ công tác đặc biệt về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp với sứ mệnh giúp Malaysia đạt mục tiêu xếp thứ 5 về chỉ số Môi trường kinh doanh, trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2020.
Mô hình ‘một cửa’ ở Malaysia và hướng đi của Việt Nam
.
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 được Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 10 năm 2017, Malaysia xếp thứ 24/189 quốc gia về chỉ số Môi trường kinh doanh. Ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia nhiều năm gần đây đứng thứ 2, chỉ sau Singapore; trong đó, có nhiều chỉ số thành phần xếp thứ hạng rất cao như: Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số (xếp thứ 4), Tiếp cận điện năng (xếp thứ 8). Có được kết quả như trên, một trong những nguyên nhân phải kể đến là việc ra đời và hoạt động hiệu quả của Pemudah từ năm 2007 đến nay.
![]() |
Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ làm việc tại Pemudah. Ảnh: Tuấn Anh |
Với Pemudah, Malaysia đã tạo ra được mối quan hệ phối hợp hiệu quả giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Pemudah theo tiếng Malaysia có nghĩa là “dễ dàng” hoặc “đơn giản” và đây là nhóm công tác hỗn hợp bao gồm các thành viên là quan chức nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp, đồng thời các thành viên này đều là chuyên gia trong từng ngành, lĩnh vực liên quan đến môi trường kinh doanh.
.
Pemudah báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ và quan hệ hợp tác công - tư trong Pemudah thể hiện ngay từ khâu tổ chức và nhân sự. Chủ tịch của Pemudah là Tổng thư ký của Chính phủ (người đứng sau Thủ tướng) và đồng chủ tọa là Chủ tịch liên đoàn các nhà sản xuất của Malaysia. Thành viên ở khu vực công gồm Chánh Văn phòng (Malaysia gọi là Tổng thư ký) và đại diện cấp Vụ của các bộ, cơ quan: Bộ Dịch vụ công, Kho bạc, Bộ Công nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Lãnh thổ liên bang, Bộ Tài nguyên, Bộ Giao thông, Bộ Thương mại nội địa; Tổng thư ký của Hội đồng liên bang, thị trưởng Kuala Lumpur… Ở khu vực tư nhân, bao gồm các thành viên như: Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Malaysia, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc tế tại Malaysia, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc tại Malaysia, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp EU tại Malaysia, Hiệp hội Máy tính.
.
Cơ chế năng động cho phép thành viên của Pemudah có sự thay đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
.
Công việc của Pemudah chia thành 10 nhóm trọng tâm hoạt động ổn định, lâu dài với nhiệm vụ cụ thể là đơn giản hóa các thủ tục theo chu trình vòng đời doanh nghiệp (từ khởi sự kinh doanh đến phá sản doanh nghiệp) căn cứ vào các chỉ số xếp hạng trong Báo cáo Môi trường kinh doanh.
.
Ngoài ra, Pemuadah xác định các nhóm bổ sung nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh của Malaysia như: Quy định về thị trường lao động, Quan hệ công…
.
Pemudah cũng tổ chức các nhóm công tác mang tính chất linh động hơn và có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình thực tế, như: Nhóm về thúc đẩy hiệu quả hoạt động của khối tư nhân, nhóm về thúc đẩy thanh toán điện tử, nhóm những thông lệ tốt trong quản lý nhà nước, nhóm về an toàn và an ninh…
.
Ban Thư ký của Pemudah gồm 6 người làm việc chuyên trách, chịu trách nhiệm điều phối, tổ chức công việc chung với sự tham gia của khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Pemudah triển khai hoạt động thông qua từng nhóm công tác do các thành viên tùy theo chuyên môn, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động đứng đầu. Tham gia vào các nhóm công tác này có nhiều cá nhân đến từ các bộ, cơ quan và khối doanh nghiệp phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể.
.
Thành viên Pemudah từ khối các cơ quan nhà nước hưởng mức lương công chức do Nhà nước chi trả, những người không thuộc Pemudah tham gia thực hiện nhiệm vụ của các nhóm công tác với tinh thần tự nguyện, không được hưởng thù lao.
![]() |
Ông Ngô Hải Phan-Cục trưởng Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP- thay mặt Đoàn công tác trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Tuấn Anh |
Pemudah hoạt động căn cứ trên quy chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và việc theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động được thực hiện bằng hệ thống các chỉ số theo dõi, đánh giá. Từ khi thành lập, Pemudah đều đặn tiến hành các công việc như: Khảo sát, đánh giá lại tình hình trong nước, cử các đoàn đến làm việc với Ngân hàng Thế giới tại Washington DC để tìm hiểu cách thức đánh giá môi trường kinh doanh, chủ động tham vấn trong nước nhằm tìm kiếm giải pháp cải thiện tình hình. Mỗi tháng Pemudah tổ chức 2 cuộc họp then chốt, bước đầu là làm việc ở cấp độ các nhóm công tác về từng vấn đề cụ thể, nếu không giải quyết được ở bước này thì sẽ tổ chức họp ở cấp Pemudah.
.
Nhóm công tác của Pemudah chỉ nghiên cứu, đưa ra các khuyến nghị, gợi ý cách làm hay, chia sẻ kinh nghiệm hay cho các bên để khuyến khích họ thực hiện cải cách với mục tiêu cuối cùng là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trường hợp khuyến nghị của Pemudah không được bộ hoặc bang, liên bang chấp thuận, Pemudah có thể báo cáo để Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nhờ đó, các vấn đề được giải quyết một cách kịp thời, nhanh chóng và môi trường kinh doanh của Malaysia liên tục giữ được các vị trí cao trên bảng xếp hạng bất chấp sự vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
.
Một số kết quả gần đây được ghi nhận như việc cải cách các quy định, thủ tục về khởi sự kinh doanh do Pemudah chủ trì điều phối trên phạm vi toàn quốc, ở cả cấp bang và cấp liên bang. Tham gia thực hiện nhiệm vụ này gồm 22 bộ, 71 cơ quan liên quan ở cấp liên bang, 107 cơ quan cấp bang và 109 cơ quan chức năng địa phương liên quan. Ở cấp bang, đã rà soát 2.539 giấy phép sau đó tiến hành sửa đổi bổ sung, đơn giản hóa 1.520 quy trình, thủ tục cấp bang, giảm thời gian thực hiện từ 30 ngày xuống còn 30 phút tại các Trung tâm chuyển đổi đô thị UTC. Ở cấp liên bang, đã rà soát và bãi bỏ 29/764 thủ tục, 735 thủ tục còn lại được cải cách, đơn giản hóa còn 454 thủ tục (liên thông, gộp các thủ tục)….
Thực tế ở Việt Nam
.
Ở Việt Nam, ngoài các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước, các tổ chức tham gia vào quá trình cải thiện môi trường kinh doanh gồm: Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh (Hội đồng Quốc gia), Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Hội đồng Tư vấn).
.
Hội đồng Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2012 với nhiệm vụ xây dựng và thực hiện chiến lược, chính sách, các chương trình, nhiệm vụ và hoạt động về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; các giải pháp nhằm thực hiện phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng báo cáo quốc gia về phát triển bền vững, báo cáo quốc gia về năng lực cạnh tranh.
![]() |
Tổ công tác được thành lập năm 2016 và thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; và trong năm 2017, 2018, Tổ công tác đã chú trọng đưa các nội dung kiểm tra thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là nội dung nhiệm vụ công tác kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh…, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt.
.
Đặc biệt, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ được thành lập từ năm 2008 với mô hình tổ chức, hoạt động dựa trên mối quan hệ hợp tác công tư tương tự như Pemudah; có nhiệm vụ tư vấn, đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính nói chung, trong đó các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, góp phần trực tiếp cải thiện các chỉ số Môi trường kinh doanh là nội dung được quan tâm đặc biệt trong những năm gần đây.
.
Ngoài ra, liên tiếp từ năm 2014 đến nay, Chính phủ ban hành các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy có sự cải thiện đáng kể về môi trường kinh doanh thời gian qua (tăng 23 bậc trong 2 năm) nhưng Việt Nam vẫn xếp thứ 68/189 quốc gia theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 và chỉ đứng thứ 5 ở khu vực Đông Nam Á. Thứ hạng này chưa đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút mạnh đầu tư vào Việt Nam để phát triển nền kinh tế.
.
Với bài học kinh nghiệm thành công từ Pemudah, Việt Nam cần đưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Tư vấn trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh. Qua các buổi làm việc, nghiên cứu này, Đoàn công tác đề xuất một số gợi ý cụ thể như:
.
Một là, cần xác định nhiệm vụ tư vấn, đề xuất cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ, hàng năm của Hội đồng Tư vấn. Từ đó, xây dựng Kế hoạch cụ thể, chi tiết cho từng nhiệm vụ gắn với thời hạn hoàn thành theo từng tháng, đề ra cách thức tổ chức thực hiện và các chỉ tiêu cụ thể đánh giá mức độ hoàn thành.
.
Bên cạnh đó, để tăng cường vai trò của Hội đồng Tư vấn như một Pemudah của Việt Nam, các nhiệm vụ cụ thể trước khi đưa vào Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh hàng năm cần được Hội đồng Tư vấn tổ chức xem xét, nghiên cứu, tham vấn rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp để đảm bảo phù hợp với các tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới và đảm bảo tính khả thi của các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể.
.
Hai là, cần đề cao trách nhiệm của các bộ có thủ tục hành chính liên quan các chỉ số về môi trường kinh doanh bằng cách bổ sung đại diện lãnh đạo các bộ này vào Hội đồng Tư vấn và giao phụ trách nhóm công tác tương ứng với các lĩnh vực theo phạm vi chức năng quản lý nhà nước. Các thành viên này phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Thủ tướng Chính phủ về kết quả hoạt động của nhóm công tác do mình phụ trách.
.
Ngoài ra, cần có cơ chế rõ ràng, trao quyền chủ động cho các thành viên Hội đồng Tư vấn trong chủ trì, điều phối các hoạt động tham vấn, trao đổi với các bộ, ngành liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp các bộ, ngành không hợp tác triển khai nhiệm vụ hoặc không tìm được tiếng nói chung.
.
Ba là, cần đề cao hơn vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng Tư vấn trong điều phối, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ cũng như ghi nhận, chuyển tải các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp tới các bộ, cơ quan có liên quan để xem xét, giải trình cụ thể, rõ ràng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy tối đa vai trò của Ban Thư ký trong Hội đồng Tư vấn giống như Ban Thư ký Pemudah, cần trao quyền tương ứng với trách nhiệm cho các thành viên Ban Thư ký, nhất là trong việc chủ trì, điều phối, tham gia trực tiếp vào hoạt động của các nhóm công tác.
.
Bốn là, Hội đồng Tư vấn cần chủ động thực hiện các sáng kiến trong tổ chức công việc nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, ví dụ như việc tiến hành đánh giá chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính theo vòng đời doanh nghiệp và công bố định kỳ hàng năm để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá kết quả; đồng thời căn cứ vào đó đề ra các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
.
Với những kinh nghiệm học hỏi được từ mô hình Pemudah của Malaysia, hy vọng rằng việc áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn hoạt động của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, chúng ta sẽ có bước phát triển nhảy vọt về Môi trường kinh doanh trong thời gian tới, đúng như kỳ vọng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ./.
.
Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ tại Malaysia