Hà Nội
Lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ
(Chinhphu.vn) - Sáng nay 14/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 08/2012/NĐ-CP ngày 16/2/2012.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ nhiệm VPCP, Trưởng Ban soạn thảo; đồng chí Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp VPCP, Phó trưởng Ban soạn thảo, cùng đại diện một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
|
Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Linh |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Tùng cho biết, để triển khai Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ mới 2016 - 2021, VPCP đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc ban hành kèm theo Nghị định số 08/2012/NĐ-CP được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
.
VPCP đã phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đánh giá việc thực hiện Quy chế và đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập sửa đổi, bổ sung; xây dựng kế hoạch, đề cương và phân công chuẩn bị dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ. Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã thống nhất một số định hướng sửa đổi, bổ sung Quy chế như cụ thể hóa các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
.
Bên cạnh đó, đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin theo tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử trong hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải tiến quy trình, cách thức giải quyết công việc trong việc trình, ban hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
.
Đồng thời, xác định đúng và thể hiện vai trò, trách nhiệm của VPCP là bộ máy giúp việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,có chức năng tham mưu tổng hợp, chức năng thông tin, hậu cần kỹ thuật và giúp tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ; phát huy vai trò sát cánh, đồng hành của VPCP, cơ quan chủ trì trong việc tiếp thu ý kiến, hoàn thiện văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải tiến lề lối làm việc của Chính phủ; chú trọng khâu lấy ý kiến phối hợp xử lý công việc giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cơ quan thẩm định, thẩm tra; đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ.
.
Trên cơ sở những định hướng trên, VPCP đã tổ chức xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ. Đến nay, VPCP đã hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Chính phủ lần 2 sau khi tiếp thu ý kiến của Ban soạn thảo và Tổ biên tập.
.
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp VPCP Đinh Dũng Sỹ đã trình bày yêu cầu về sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ và nội dung chính của sửa đổi, bổ sung Quy chế. Trong đó, nhấn mạnh việc đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một người chủ trì và chịu trách nhiệm. Thực hiện phân cấp hợp lý cho chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; bảo đảm nền hành chính thống nhất, thông suốt, dân chủ, hiện đại, liêm chính, phục vụ nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.
.
Bên cạnh đó, những hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước phải được gửi đồng thời cả văn bản giấy và văn bản điện tử, trừ văn bản mật.
.
Về trách nhiệm chuẩn bị, xử lý đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, VPCP chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm tra của mình, tham gia cùng với cơ quan chủ trì chỉnh sửa, hoàn thiện văn bản trước khi trình và liên đới chịu trách nhiệm về nội dung văn bản đã thẩm tra và trình;….
.
Sau khi nghe 13 ý kiến tham luận (6 ý kiến Bộ ngành, 4 ý kiến địa phương, 3 ý kiến từ VPCP), Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Tùng đánh giá cao những đề xuất, kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương. Các ý kiến đã đóng góp về vấn đề phân công, phân cấp; trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, của địa phương trong việc phối hợp thực hiện thẩm định, thẩm tra, chế tài xử lý những trường hợp chậm tiến độ; theo sát nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; trách nhiệm quản lý Nhà nước của cơ quan Trung ương với địa phương như thế nào; vai trò trách nhiệm của cơ quan chủ trì, vai trò của VPCP trong việc xử lý những ý kiến khác nhau;…
.
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tùng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến và sửa đổi để hình thành lên dự thảo, tiếp tục xin ý kiến chính thức tới các Bộ, ngành, địa phương và đưa lên Cổng TTĐT Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi. Dự kiến, dự thảo này sẽ trình Chính phủ vào phiên họp thường kỳ tới.
.
Thùy Linh
.